Trang dữ liệu Statista dự báo thị trường AI toàn cầu sẽ tăng trưởng 20%/năm, đạt 207 tỷ USD vào năm 2030. Những gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang chiếm tới 90% thị phần chip và dịch vụ đám mây toàn cầu.
Lĩnh vực AI tổng hợp có thể chia thành bốn cấp độ: ứng dụng hướng tới người tiêu dùng; công nghệ nền tảng như mô hình ngôn ngữ lớn; cơ sở hạ tầng đám mây làm nền tảng cho các dịch vụ; chất bán dẫn thiết yếu.
Ở cấp độ càng cao, càng ít công ty có thể tham gia sâu, chẳng hạn như bán dẫn đang là lĩnh vực “độc quyền nhất”.
Nvidia, công ty sản xuất chip AI của Mỹ, đang là doanh nghiệp bán dẫn có vốn hoá và doanh thu lớn nhất thế giới. Theo IoT Analytics có trụ sở tại Đức, Nvidia sở hữu 92% thị phần GPU trung tâm dữ liệu, trong khi đối thủ của họ là AMD chỉ chiếm khoảng 3%.
Sức mạnh của Nvidia không chỉ nằm ở hiệu suất bán dẫn mà còn ở phần mềm. CUDA, nền tảng phát triển của nó ra mắt năm 2006, từ lâu đã được sử dụng cho AI và hiện được hơn 4 triệu nhà phát triển sử dụng.
Các công ty Mỹ cũng là những người chịu chi nhất trong cuộc đua mua sắm GPU. Chẳng hạn như Meta, công ty mẹ của Facebook, đang "xây dựng cơ sở hạ tầng cực kỳ lớn" bao gồm 350.000 card đồ họa GPU H100 sẽ được Nvidia phân phối vào cuối năm nay.
Để so sánh, đơn đặt hàng được coi là lớn của một công ty Nhật Bản cũng chỉ khoảng hàng trăm hoặc hàng ngàn GPU.
Về cơ sở hạ tầng đám mây, Mỹ cũng là quốc gia dẫn đầu. Amazon, Microsoft và Google kiểm soát 2/3 thị trường toàn cầu, cộng thêm IBM và Oracle nâng tổng số lên trên 70%.
Các công ty công nghệ Mỹ nắm giữ hơn 80% thị phần trong các mô hình ngôn ngữ lớn cũng như các công nghệ và dịch vụ khác làm nền tảng cho AI. ChatGPT chiếm 72% thị phần cơ sở người dùng đối với công cụ tạo văn bản cơ bản, trong khi đó ở công cụ tạo hình ảnh AI, Midjourney chiếm 53% thị phần.
Chìa khoá nâng cao năng suất và tăng trường
Theo ước tính của McKinsey, AI có thể tạo ra từ 2,6 nghìn tỷ USD đến 4,4 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm. Để minh họa quy mô, McKinsey so sánh con số này với tổng sản phẩm quốc nội của Vương quốc Anh, chỉ hơn 3 nghìn tỷ USD.
Sự “thống trị” của Mỹ với lĩnh vực AI tổng hợp dẫn đến xu hướng một số nước tìm cách ngăn chặn sức mạnh thị trường của Washington. Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu nỗ lực đó.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết nước này sẽ đưa ra dự thảo nghị quyết về “tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng năng lực AI” trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào “thời điểm thích hợp”, nhằm "khuyến khích chia sẻ công nghệ giữa các bên, thu hẹp khoảng cách về AI và không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các công ty Nhật Bản đang triển khai công nghệ AI, nhưng phần lớn đến từ các nhà cung cấp Mỹ. Dù hai nước là đồng minh nhưng mức độ phụ thuộc đó vẫn tiềm ẩn những hệ lụy về an ninh, đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu thông số kỹ thuật thay đổi đột ngột.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một phiên (session) sử dụng ChatGPT tiêu thụ lượng điện nhiều gấp 10 lần so với một truy vấn thông thường trên Google.
Trước vấn đề đó, NTT và NEC của Nhật Bản đã tham gia riêng vào cuộc đua cung cấp các mô hình ngôn ngữ lớn tiết kiệm năng lượng. Các cựu nhà nghiên cứu AI của Google đã thành lập công ty khởi nghiệp Sakana AI ở Tokyo để tìm cách phát triển AI một cách phù hợp.