Cơ hội lớn, rào cản không nhỏ
“Thị trường gaming toàn cầu đang lên, dự kiến trị giá 2.200 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 8,9%”, ông Brian Nguyễn, Giám đốc Marketing GOSU nêu con số đáng chú ý tại Tọa đàm "Sống sót & phát triển: Đâu là chiến lược cho các công ty game vươn ra toàn cầu".
Báo cáo từ DataAI & AppMagic cho thấy, Việt Nam vươn lên vị trí Top 5 toàn cầu về lượt tải game, đạt 4,2 tỷ lượt tải chỉ trong khoảng 4 năm (từ 2019 đến quý I/2023). Tới năm 2026, doanh thu từ game và ứng dụng tại Việt Nam ước đạt 2,7 tỷ USD.
Nhiều tên tuổi lớn của game Việt đã ghi dấu ấn trên bản đồ ngành game thế giới, như VNG với 261 triệu lượt tải game từ năm 2019, hay Amanotes với 2,9 tỷ lượt tải trên 190 quốc gia…
Tuy nhiên, ngành game Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Các doanh nghiệp Việt chỉ kiểm soát 22% thị trường game di động trong nước, phần còn lại thuộc về các đối thủ ngoại. Tỷ suất lợi nhuận của các công ty game Việt chỉ đạt 3-5% doanh thu. Ngành game Việt chiếm chưa đến 0,5% giá trị thị trường toàn cầu.
Theo ông Brian Nguyễn, các công ty game Việt đang phải đối mặt rất nhiều thách thức. Kinh tế đi xuống sau đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng đầu tư sản phẩm game, giảm ARPPU (doanh thu trung bình trên mỗi người dùng trả tiền). Những biến động chính trị thế giới buộc các công ty game phải cân nhắc phát hành game tại những thị trường xảy ra xung đột. Chưa kể những rủi ro về an ninh mạng, nguy cơ bị haker tấn công game lấy dữ liệu mang bán.
“Chưa bao giờ có nhiều rào cản như bây giờ. Rất nhiều game studio đang trong tình trạng vật vã sống sót chứ chưa nói đến phát triển. Ngày xưa cầm 20.000 USD làm game là đủ, giờ 50.000 USD cũng không biết làm thế nào để sinh tồn và phát triển”, ông Đông Hà, Giám đốc Marketing Hala Games trải lòng.
Hướng đi nào cho các công ty game Việt?
Các studio giờ đây không chỉ tư duy phát hành game trong nước mà nhắm thẳng ra thị trường toàn cầu.
“Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Brazil… là những thị trường có thể tiếp cận. Cách tiếp cận phụ thuộc nguồn lực đang có của từng công ty. Nếu đủ lực, có thể đánh phủ các thị trường rồi chọn thị trường phù hợp nhất. Với Hala Games, chúng tôi tìm ngách thị trường mình hiểu nhất để chinh phục trước, sau đó mới tiến ra thị trường khác”, ông Đông Hà chia sẻ.
Ông Minh Nguyễn, Giám đốc Công nghệ GAPU gợi ý: “Thời điểm đầu, không ai biết chắc thị trường nào tốt để chạy sản phẩm, đều phải dựa vào dữ liệu trả về sau khi test (chạy thử) các thị trường. Hãy “chia trứng vào nhiều giỏ” nhưng mỗi “giỏ” phải đủ số “trứng” tối thiểu để có kết luận chính xác. Tối thiểu phải có 1.000 người dùng/quốc gia mới tạm đủ dữ liệu, tránh ngộ nhận”.
Ông Quân Vương, Giám đốc Marketing Negaxy Studio khuyến nghị, nên nghiên cứu kỹ các báo cáo thị trường về game để biết đối thủ đang làm gì. Những người đi trước đang nhắm thị trường mục tiêu nào, qua đó chọn luôn một số thị trường đang được họ triển khai tốt để giảm chi phí test, sau đó tập trung ngân sách vào thị trường có tiềm năng nhất.
Để có thể phát triển bền vững trên con đường làm game, cần song hành 2 hướng: phát huy thế mạnh của mình, liên tục cải tiến sản phẩm thế mạnh để có dòng tiền ổn định; bắt trend (xu hướng) game mới để vươn tới tầm cao mới.
“Có thể xem lại kho game của mình để cải thiện và tái sử dụng những game na ná trending. Trước khi bắt trend, phải phân tích kỹ số liệu thị trường, dự đoán thời điểm hòa vốn, nếu phải gồng lỗ thì có chịu nổi không. Với Negaxy Studio, xác định rủi ro ít thì mới quyết làm, rủi ro cao thì đa phần sẽ thôi, trừ những game cả công ty quá thích”, ông Vương chia sẻ thêm.
Các “sếp” công ty game Việt thống nhất cao với nhận định, ngoài dòng sản phẩm chủ đạo có thế mạnh hơn, tối ưu chi phí hơn các đối thủ cạnh tranh, thì phải dành lượng vốn nhất định cho R&D (nghiên cứu và phát triển) game mới hoặc chiến thuật marketing… Phải tìm cái mới thì mới đối phó được biến động của thị trường.