Từ khi tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) triển khai Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) vào năm 2010, cứ 3 năm một lần kỳ thi này cập nhật so sánh kết quả các môn toán, khoa học và kỹ năng đọc của học sinh 15 tuổi trên toàn cầu. PISA được coi là một chương trình đánh giá có ảnh hưởng ở nhiều nước và sắp tới sẽ được thực hiện trực tuyến.
Đối với một số nước, kết quả kém đã “gây sốc” và khiến chính phủ bắt tay thực hiện các cuộc cải cách hệ thống trường học.
5 lần đánh giá từ năm 2000 đến 2012 đều được thực hiện trên giấy. Tuy nhiên, 58 trong 72 nền kinh tế tham gia PISA từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2015 đã tổ chức bài thi PISA trên máy tính.
Mới đây, tiến sĩ John Jerrim thuộc chuyên ngành Kinh tế và Thống kê Xã hội, Viện Giáo dục Đại học London đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc chuyển đổi hình thức thi PISA tới kết quả của chương trình này.
Tác giả đã thu thập dữ liệu từ 32 nước hoàn tất bài thi toán cả trên giấy và trên máy tính trong kỳ thi PISA năm 2012 và phát hiện một số kết quả đáng chú ý.
Điểm PISA trung bình trên giấy và trên máy tính khác nhau hơn 10 điểm trong khoảng 1/3 các quốc gia. OECD trước đây đã cho rằng sự khác biệt trên diện lớn như thế là có thật.
Những thay đổi về kết quả thi
Thượng Hải là một ví dụ nổi bật. Đây là khu vực có điểm PISA trung bình trên máy tính rớt xuống 50 điểm - tương đương hơn 1 năm học tập. Ngược lại, học sinh ở Mỹ lại thấy thành tích thi cải thiện đáng kể - trung bình là 17 điểm.
Cũng có sự khác biệt giữa các nhóm học sinh tham gia PISA. Trái với dự đoán của người nghiên cứu, trong thực tế khác biệt về điểm bài thi giữa học sinh giàu và học sinh nghèo tính trung bình thấp hơn khoảng 5 điểm khi thi trên máy tính, so với thi trên giấy.
Trong khi đó, ở Thụy Điển và Nga, học sinh nam bất ngờ có thành tích môn toán cao hơn học sinh nữ ở bài thi trên máy tính - mặc dù nghiên cứu nhận thấy không có khác biệt về giới ở những nước này khi dùng phiên bản thi trên giấy.
Tại sao thi trên máy tính dẫn tới sự thay đổi?
Có một số cách giải thích sự khác biệt rõ nét về kết quả PISA. Nghiên cứu trước đây cho rằng việc thực hiện bài thi trên giấy và trên máy tính cần các quá trình nhận thức khác nhau.
Các chiến thuật làm bài thi quan trọng, chẳng hạn để các câu hỏi khó nhất giải quyết sau, không còn khả thi nữa. Học sinh không thể chuyển sang câu hỏi kế tiếp, hoặc phần kế tiếp nếu chưa hoàn thành phần trước.
Thi trên máy tính cũng có thể khiến tập trung hơn, nhất là khi để trả lời đúng câu hỏi học sinh cần sử dụng các công cụ tương tác trên màn hình. Mặt khác, như mọi người, kết quả thi của học sinh cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cảm giác thất vọng nếu phải làm việc trên hệ điều hành chậm chạp hoặc máy tính trục trặc.
Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh một số vấn đề khi diễn giải kết quả PISA 2015 sắp được công bố. Đó là: chúng ta có thể so sánh kết quả thi với các vòng đánh giá trước đây nhằm theo dõi các khuynh hướng theo thời gian không?
Có thể so sánh kết quả thi giữa các nước sử dụng phiên bản giấy và phiên bản máy tính của PISA 2015 không? Chúng ta có nên mong chờ sự khác biệt về điểm PISA giữa các nhóm kinh tế-xã hội sẽ giảm xuống không? Điều này sẽ có ý nghĩa gì đối với việc so sánh quốc tế về thành quả giáo dục giữa học sinh nam và học sinh nữ?
Mặc dù chúng ta phải chờ câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên, rõ ràng khi học sinh sử dụng phiên bản giấy và phiên bản máy tính cho cùng một bài thi, điều này có thể dẫn tới những khác biệt đáng lưu ý về kết quả.
- Hạ Ni (Theo The Conversation)