Huy động hệ thống chính trị chuyển đổi số

Bước đầu chuyển đổi số, Thị trấn gặp nhiều khó khăn, nguồn nhân lực thực hiện xây dựng chuyển đổi số còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm về công nghệ thông tin; trang thiết bị, máy móc chưa đáp ứng yêu cầu; sự tham gia của doanh nghiệp, nhân dân về chuyển đổi số hạn chế.

Nhân dân có thói quen nộp hồ sơ bằng giấy; hoạt động mua, bán trên thị trường vẫn chủ yếu dùng tiền mặt; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh kết nối mạng internet còn thấp…

Thị trấn đẩy mạnh truyền thông về chủ trương chuyển đổi số, xu hướng và lợi ích từ việc chuyển đổi số tới cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn; thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy; tăng cường hiệu quả sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến trên địa bàn…  Ông Trần Hải Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong

 

son la 1.jpg
Người dân thị trấn Ít Ong đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. 

Thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thị trấn, thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng bản, tiểu khu. Hiện nay, toàn thị trấn có 17 tổ chuyển số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân cài đặt và tạo tài khoản định danh điện tử, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công, hướng dẫn người dân đăng ký giải quyết TTHC, thanh toán không dùng tiền mặt… 

UBND thị trấn Ít Ong đã tạo tài khoản Zalo oficial Account tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn tiện theo dõi và cập nhật thông tin của chính quyền địa phương. Thị trấn còn tích hợp các tiện ích (kết nối dịch vụ công trực tuyến, báo tin an ninh trật tự, nhắn tin phản ánh với lãnh đạo…) để người dân tiện tham gia.

Điểm nhấn trong công tác chuyển đổi số của thị trấn là mô hình “Chính quyền thân thiện” tại thị trấn Ít Ong. Đây là mô hình điểm của huyện Mường La, có 4 công chức có trình độ chuyên môn làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; 1 tổ hướng dẫn người dân tham gia sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 tại bộ phận một cửa; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng 4 tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn” trong giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân.

Bà Phùng Thị Hồng, công chức Văn phòng thống kê, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, UBND thị trấn Ít Ong, cho biết: Thực hiện chuyển đổi số, việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3 - 4 đã giảm thiểu rất nhiều thời gian đi lại cho người dân.

Chuyển biến tích cực

Đến nay, UBND thị trấn Ít Ong đã mở tài khoản thư điện tử cho các tập thể và cán bộ, công chức, với 2 tài khoản cơ quan, đơn vị, 22 cá nhân sử dụng hệ thống mail công vụ để trao đổi văn bản.

Phần mềm quản lý văn bản được đưa vào quản lý và sử dụng từ năm 2021 đến 21 cán bộ, công chức. Tỷ lệ văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử đạt 100%.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ đã cấp chữ ký số cho 2 tập thể và 9 cá nhân; có trên 99,57% số văn bản đi của thị trấn đã được thực hiện ký số. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, 100% số hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng.

Năm 2024, đã tiếp nhận 3.717 hồ sơ thủ tục hành chính; số hồ sơ đã giải quyết 3.717 hồ sơ, đạt 100%, trong đó, trả kết quả đúng hạn và trước hạn 3.716 hồ sơ, đạt 99,97%; số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt 100%. 

Trong lĩnh vực xã hội số, số lượng người dân trên 14 tuổi có tài khoản định danh điện tử là 6.074 người, đạt tỷ lệ 75,5%. Trên địa bàn thị trấn có 16 điểm phát wifi miễn phí, trong đó, có 12/16 nhà văn hoá bản, tiểu khu có điểm phát wifi miễn phí để phục vụ nhân dân trong chuyển đổi số. 

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, người tiêu dùng dần có thói quen không sử dụng tiền mặt trong giao dịch hằng ngày.

Các hình thức giới thiệu, quảng bá hàng hóa, sản phẩm trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook được đẩy mạnh.

Mỗi người dân trên địa bàn đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào hoạt động chuyển đổi số với nhiều hoạt động thiết thực, như: Sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế số VssID...

son la 2.jpg
 Nhân dân thanh toán không dùng tiền mặt. 

Chị Đào Thị Thanh Hoa, thị trấn Ít Ong, chia sẻ: Giờ đây, nhiều người biết sử dụng mạng xã hội nên tôi bán hàng trực tiếp, kết hợp bán online, nhờ đó lượng hàng bán được nhiều hơn, tiếp cận được khách hàng ở mọi vùng miền.

Ông Phan Xuân Ân, Bí thư chi bộ, Tiểu khu trưởng tiểu khu 1, thị trấn Ít Ong, Tổ trưởng tổ chuyển đổi số cộng đồng tiểu khu, cho biết: Chúng tôi không còn phải gọi điện thoại cho từng người, hoặc đi từng nhà để thông báo mà chỉ cần đăng tải thông tin trên Facebook và Zalo, từ đó thông tin được truyền tải đến bà con một cách nhanh chóng và kịp thời.

Các thành viên trên zalo còn thảo luận, chia sẻ, phản hồi ý kiến của mình lên nhóm. Nhiều sự việc sau khi được người dân góp ý đã được tiểu khu điều chỉnh phù hợp với tình hình, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

 

son la 3.jpg
Tổ chuyển đổi số cộng đồng thị trấn Ít Ong hỗ trợ nhân dân đến làm TTHC. 

Hướng tới thị trấn số năng động

Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Trần Hải Sơn thông tin: Thị trấn Ít Ong tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chủ động thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, của huyện; tiếp tục tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

 

son la 4.jpg
Công bố ra mắt mô hình điểm “Chính quyền thân thiện” tại thị trấn Ít Ong.

Thị trấn tăng cường thực hiện quản lý, điều hành thông qua môi trường điện tử; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai các giải pháp tạo lập, số hóa, tích hợp các cơ sở dữ liệu của cơ quan, đơn vị vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế số và xã hội số trên địa bàn, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử; phổ cập cho người dân trưởng thành sử dụng chữ ký số cá nhân; triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Lam Giang (Báo Sơn La)