Vào những năm 1900, San Francisco đã nổi tiếng là một đô thị đông đúc ở Mỹ. Trong cơn sốt vàng, những người khai thác vàng, thương nhân và người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến đây để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, mang theo bệnh tật và khi số người chết tăng lên, 27 nghĩa trang trong thành phố đều chật kín.
Các phần mộ được coi là một mối nguy hiểm cho sức khỏe của người dân, nhưng quan trọng nhất, chúng chiếm một diện tích đất lớn. Vì vậy vào năm 1902, chính quyền thành phố và ủy ban giám sát đã ban hành lệnh cấm chôn cất trong thành phố và buộc các nghĩa trang lớn hơn như Laurel Hill và Calvary phải di dời các phần mộ ra bên ngoài. Đến năm 1942, chỉ còn lại hai nghĩa trang trong thành phố San Francisco là nghĩa trang Quốc gia San Francisco và nghĩa trang Mission Dolores.
Hơn 150.000 phần mộ đã được chuyển từ San Francisco đến thị trấn nhỏ Colma, một cộng đồng nhỏ được thành lập vào năm 1892, khi Đức Tổng Giám mục Patrick Riordan quyết định thành lập một nghĩa địa mới trong một thung lũng cách thành phố 8km về phía nam. Cánh đồng khoai tây nhỏ mà ông lựa chọn là địa điểm của Nghĩa trang Công giáo mới từ đó trở thành thị trấn duy nhất trên thế giới mà số người chết đông hơn cả người sống.
Ngày nay, đây là nơi sinh sống của khoảng 1.700 cư dân và chôn cất hơn 1,5 triệu phần mộ tại 17 nghĩa trang đồ sộ, được người dân địa phương trìu mến gọi là công viên. Colma vẫn là nơi chôn cất chính của San Francisco nên số lượng “cư dân dưới lòng đất” vẫn đang tăng với tốc độ chóng mặt. Ước tính có khoảng 75 phần mộ mới được xây ở Colma mỗi ngày. Chính vì lẽ đó, nơi đây được mệnh danh là "thị trấn của những linh hồn".
Colma cũng là nơi chôn cất của nhiều nhân vật nổi tiếng như huyền thoại miền Tây hoang dã Wyat Earp, Levi Strauss hay biểu tượng bóng chày Joe DiMaggio.
Đỗ An (Tổng hợp)