Thời điểm lý tưởng: Nhiệt độ ở Coober Pedy thường trên 50 độ C vào mùa hè và đôi khi còn tăng cao hơn nữa, nhưng thời gian còn lại trong năm thì thời tiết lại tương đối dễ chịu. Từ tháng 4 đến tháng 10 là thời điểm lý tưởng để ghé thăm thị trấn này, mặc dù đêm sa mạc có thể lạnh vào mùa đông.
Coober Pedy nằm ở miền Nam Australia. Tên gọi của thị trấn ban đầu được đặt theo tên nhà thám hiểm châu Âu John McDouall Stuart, người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này vào năm 1858. Đến năm 1920, thị trấn được đổi tên thành Coober Pedy, theo ngôn ngữ của thổ dân có nghĩa là “cái hố của người da trắng”.
Nằm ở nơi có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất Australia, Coober Pedy luôn phải hứng chịu cái nóng khủng khiếp. Cảnh quan chẳng khác nào trên Mặt Trăng với nhiều “hố tử thần” sâu hoắm. Coober Pedy phải hứng chịu những cơn bão bụi theo mùa và sự khan hiếm nguồn nước.
Vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vậy, những người di cư đến thị trấn từ hơn 100 năm trước đã đào hầm và sống trong những ngôi nhà dưới lòng đất, được xây tạc vào các sườn núi đá để tránh nóng.
Theo điều tra dân số Australia năm 2021, có 1.566 người sống ở Coober Pedy và 80% dân số thị trấn sống trong các căn nhà dưới lòng đất.
Dù nhiệt độ ngoài trời có tăng cao đến đâu thì nhiệt độ trong lòng đất luôn duy trì ở khoảng 24 độ C.
Ở đây, đèn điện luôn được thắp sáng. Mỗi ngôi nhà đều có hệ thống điện và hệ thống thông gió riêng. Việc cung cấp nước cho thị trấn đến từ một nguồn dẫn ngầm dài 24km.
Cuộc sống dưới lòng đất không thể hạn chế trí tưởng tượng vô hạn của người dân Coober Pedy. Họ chạm khắc vô số những hình ảnh tuyệt đẹp, kỳ lạ song vô cùng tinh tế ở khắp nơi dưới “hang động”. Các căn phòng được bài trí tiện nghi, không khác gì trên mặt đất với giường ngủ sạch sẽ, tủ quần áo, tivi, bếp nấu.
Không những thế, Coober Pedy còn có nhà thờ, nhà hàng, khách sạn, quán bar, phòng trưng bày nghệ thuật, khu vui chơi… đều nằm ở độ sâu hơn 10m dưới đất.
Trên mặt đất chỉ có thể nhìn thấy một số ống thông hơi, ống khói nhấp nhô. Trạm cung cấp nhiên liệu hoặc một vài cửa hàng công cộng là những công trình còn nằm trên mặt đất để phục vụ khách du lịch và người đi đường.
Coober Pedy còn có cả một bảo tàng nghệ thuật ngầm mang tên “Old Time Mine” từng là hang đá cổ, bên trong có rất nhiều tầng opal được lưu giữ lại, phản ánh một giai đoạn lịch sử của thị trấn.
Coober Pedy hiện là một trong những địa danh du lịch độc đáo nhất Australia.
Trong thập niên 1980, Umberto Colo, một cư dân ở Coober Pedy, đã nhận thấy tiềm năng du lịch tại nơi đây. Kể từ đó nhiều nhà trọ, ký túc xá, khách sạn, nhà hàng dịch vụ hiện đại đã ra đời phục vụ khách du lịch.