Một trong những đổi mới đáng lưu ý của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là việc thi trắc nghiệm khách quan đối với môn Toán.
Các khách mời tham dự tọa đàm “Có nên thi trắc nghiệm môn Toán từ năm 2017?” do Báo VietNamNet thực hiện sáng ngày 27/9 gồm có GS Toán học Phùng Hồ Hải - Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam, ông Phan Văn Thái - giáo viên Toán Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam), PGS Nguyễn Xuân Thảo - Viện Toán ứng dụng và Tin học (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), Nhà báo Lê Hạnh.
Cân đo ưu điểm – hạn chế
Nhà báo Lê Hạnh: Câu hỏi đầu tiên xin dành cho ông Phùng Hồ Hải. Một cách ngắn gọn nhất ông có thể cho biết vì sao Hội toán học Việt Nam có đề xuất nên cân nhắc thi trắc nghiệm môn toán trong kì thi THPT quốc gia 2017.
GS Phùng Hồ Hải: Hội Toán học Việt Nam có ba lý do băn khoăn trong văn bản gửi Bộ GD-ĐT. Thứ nhất, đối với phương án thi trắc nghiệm 2017 được đề xuất quá đột ngột đối với cả học sinh và giáo viên. Thứ hai sự chuẩn bị từ Bộ GD-ĐT chưa thể hiện kĩ càng. Thứ ba, theo chúng tôi mô hình cơ bản của phương án thi trắc nghiệm khách quan chưa là mô hình phù hợp mục tiêu, chiến lược của giáo dục của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Hội toán học Việt Nam có hai kiến nghị là, dừng triển khai thi trắc nghiệm năm 2017 đối với môn toán và để cân nhắc đưa hình thức trắc nghiệm vào kì thi cần có những hội thảo khoa học, sự góp ý của các nhà chuyên môn, nhà quản lý. Nếu xác định sẽ thực hiện hình thức thi trắc nghiệm cần có lộ trình.
Nhà báo Lê Hạnh: Xin mời chị Nguyễn Phương Nga. Lý do tại sao mà Hiệp hội các trường ĐH, CĐ lại cho rằng có thể áp dụng phương thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi sắp tới?
PGS Nguyễn Phương Nga: Quan điểm của chúng tôi là thi trắc nghiệm khách quan các môn thi ở THPT không là vấn đề gì quá lạ lùng đối với thầy cô và học sinh. Bởi thi trắc nghiệm khách quan đã có 10 năm rồi, các em được rèn luyện rồi.
Thứ hai, mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT là sẽ phải kiểm tra các kiến thức kỹ năng cơ bản nhất của lớp 12. Dù thi dạng thức tự luận hay trắc nghiệm khách quan thì việc dạy và học không thay đổi, bởi học sinh phải nắm những kiến thức kỹ năng cơ bản nhất.
Câu hỏi đang phân vân ở chỗ đề thi tự luận Toán làm như thế nào? Thi trắc nghiệm có ưu thế gì hơn tự luận?
Ưu điểm là các đề thi trắc nghiệm đã được chuẩn hóa, đã thực nghiệm trên đầu thí sinh, biết được độ khó dễ của nó, miền đo đó có đo đúng vùng kiến thức kỹ năng, chẳng hạn là bất đẳng thức hay các phương trình hay tọa độ không gian...
Ưu điểm nữa là thi trắc nghiệm khách quan đo được cả tư duy, phân tích, lập luận của thí sinh… Với điều kiện đề thi đó đã được chuẩn hóa. Nếu không chuẩn hóa thì ta không nói được.
Bà Nguyễn Phương Nga. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Hơn nữa, ở ta thi trên diện rộng quá, mà ta biết chấm tự luận cực kỳ vất vả, chưa bàn đến vấn đề tiêu cực. Còn máy chấm trắc nghiệm nhanh, không mệt mỏi, không cảm tính.
2 phút/ câu – kiểm tra tư duy thế nào?
Nhà báo Lê Hạnh: Anh Hải có ý kiến gì không? Bởi những giải đáp đó vẫn đang để ngỏ và có độ vênh so với những kiến nghị của bên Hội Toán.
GS Phùng Hồ Hải: Đánh giá của chị Nga là đánh giá chung về trắc nghiệm nhưng môn Toán có những đặc thù riêng.
Thứ nhất, chị Nga nói việc khó khăn khi làm đề. Đó là vấn đề chúng tôi băn khoăn nhất.
Thứ hai, khả năng đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm đối với môn Toán và các môn khác sẽ khác. Mục tiêu đối với môn Toán là năng lực tư duy chuyển tải. Mục tiêu đào tạo là chuyển tải năng lực tư duy, cái đấy đánh giá có được không?
Tôi đánh giá trong 7 - 8 năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã có chuyển hướng căn bản trong ra đề thi môn toán. Đề thi đã giải quyết được căn bản lò luyện. Bây giờ chúng ta thay bằng cái chưa được kiểm định và chưa được chuẩn hóa.
Về đề thi tự luận có tốt không? Quan điểm của tôi là chưa tốt, cả công tác coi thi và chấm thi. Với đề thi trắc nghiệm, dự thảo của Bộ quá tham vọng, nếu làm tốt sẽ giải quyết được vấn đề tiêu cực vì chấm trắc nghiệm là hoàn hảo.
Nhưng với môn Toán quá trình chấm rất quan trọng. Trắc nghiệm chỉ chấm được kết quả chứ không chấm được quá trình tư duy hoặc chỉ một phần rất nông của quá trình tư duy. Một câu hỏi chỉ có 2 phút để trả lời làm sao để chấm được quá trình tư duy đấy.
Nhà báo Lê Hạnh: Là giáo viên phổ thông, thầy Thái nhìn nhận ý kiến của anh Hải như thế nào?
Ông Phan Văn Thái: Với giáo viên phổ thông, học trò thi gì thường tác động dạy học thế nào.
Quan điểm của tôi là cái gì cũng có hai mặt. Khi định áp dụng trắc nghiệm với môn Toán, xã hội có ý kiến trái chiều là bình thường.
Ông Đỗ Văn Thái. |
Bắt tay vào làm trắc nghiệm mới biết tự luận dù hay nhưng cũng có nhược điểm như độ phủ không hết. Còn với đề trắc nghiệm, như môn Toán từ 10 câu lên 50 câu, độ phủ rộng hơn.
Thi trắc nghiệm đòi hỏi kiến thức rộng hơn, những phần kiến thức trước đây học sinh lờ đi bây giờ phải học bài bản, chi tiết mới trả lời được. Học sinh phải học kỹ hơn mới làm được bài. Giáo viên cũng phải dạy kỹ hơn.
Nhà báo Lê Hạnh: Thầy đã từng ra thử đề trắc nghiệm và áp dụng cho học sinh chưa?
Ông Phan Văn Thái: Đối tượng đông thì chưa, nhưng áp dụng cho nhóm nhỏ thì có.
Nhiều giáo viên ái ngại việc chuẩn bị, biên soạn đề trắc nghiệm vì mất thời gian, còn học sinh thích lắm. Bởi vì, các em làm bài “khỏe” hơn”, với tốc độ cao, suy nghĩ cao, nháp nhanh, không cần trình bày…
Nhà báo Lê Hạnh: GS Phùng Hồ Hải nói trắc nghiệm khách quan ở môn Toán mới chỉ đo nấc đầu tiên trong năng lực tư duy của học sinh đối với môn học này. Qua thực tế, thầy thấy như thế nào?
Ông Phan Văn Thái: Điều này tùy thuộc mục tiêu tuyển sinh như thế nào. Tuy nhiên nếu cả xét tốt nghiệp và đại học kỳ thi có thể phân hóa ở mức độ cao được.
Tính trung bình thời gian làm bài là 2 phút/ câu, nhưng có những câu chỉ cần 30 giây, thời gian còn lại dành cho câu khó khác… Chương trình Toán lớp 12 gồm có 7 chương. Nếu bài thi có 50 câu hỏi, các dạng thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng ở mức độ cao đều có thể ra được.
PGS Nguyễn Xuân Thảo: Mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp, lấy cơ sở đó để làm dữ liệu xét đại học. Mà mục đích thi tốt nghiệp là kiến thức cơ bản, toàn diện, trong chương trình. Trên cơ sở đó có phân loại lấy đối tượng kiến thức tốt đủ năng lực vào đại học.
Hiện nay Bộ trao quyền cho các trường có thêm bài thi đánh giá năng lực (nếu cần). Dó đó trường nào đòi hỏi năng lực chuyên sâu, thì có thể tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực. Tôi cho rằng như vậy là hợp lý.
Như vậy hoàn toàn có thể tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán. Băn khoăn ở chỗ chưa có mẫu đề thi đưa ra, nên xã hội lo, không biết học như thế nào. Đó là nỗi lo chính đáng.
Ông Nguyễn Xuân Thảo. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Mọi người mong muốn có báo cáo, đánh giá cụ thể các bước đi. Mong muốn đó là chính đáng.
Giáo viên phổ thông đang rất băn khoăn dạy như nào, năm học bắt đầu mấy tuần rồi mà chúng ta chưa có gì cụ thể hơn, là nỗi lo có cơ sở.
Nghe ý kiến khác nhau để tìm đường đi hay nhất
Nhà báo Lê Hạnh: Có thể thấy ngay từ băn khoăn của thầy. Quay trở lại cách đặt vấn đề của anh Hải, một trong những vấn đề là việc tường minh của đề thi và việc chuẩn bị đề thi cho môn này. Ở góc độ làm khảo thí ý kiến của chị Nga như thế nào?
PGS Nguyễn Phương Nga: Đổi mới mà tất cả đồng thuận thì không là đổi mới nữa. Phải có ý kiến khác nhau của nhiều tầng lớp xã hội. Có góp ý tranh luận để tìm con đường đi hay nhất. Trên đường đi có rủi ro là tất nhiên.
Cần nghe ý kiến khác nhau để tìm đường đi hay nhất.
Vấn đề cốt lõi ở đây là môn toán thi tốt nghiệp THPT không đòi hỏi sự sáng tạo mà cũng không thể sáng tạo được. Sáng tạo là cách giải mới. Bài thi toán bao nhiêu năm nay chỉ có câu 10 để học sinh sáng tạo, nhưng rất hiếm em làm được điều đó.
Về việc hạn chế luyện thi, cần nhìn thẳng vào sự thật rằng các thầy phổ thông luyện thi nhiều. Một đề thi 10 bài, các em được học các kỹ năng về các bước đi, đường giải. Gặp bài toán đó là giải theo cách đó.
Thế giới chứng minh cách đổi mới nhanh nhất, kéo được cả thầy trò, chương trình tài liệu đi theo là kiểm tra đánh giá. Kiểm tra đúng, kỹ lưỡng kiến thức cơ bản, nâng cao để đánh giá người học.
Học sinh lớp 12 phải kiểm tra kiến thức cơ bản đầu tiên, chứ không đi sâu. Vì vậy mục tiêu của toán là kiểm tra được nhiều kiến thức cơ bản nhất, sau mới phân hóa. Với 50 câu là đủ từ dễ đến khó để phân hóa học sinh.
Các khách mời tham gia chương trình. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Ông Phan Văn Thái: Băn khoăn nhiều nội dung khá hay trong SGK mà không hỏi đến được vì ưu tiên phần khác. Nếu năm nay thi trắc nghiệm mà chỉ trong chương trình lớp 12 thì sẽ hỏi được.
Thi tự luận chắc chắn có học tủ. Bây giờ trắc nghiệm không lo học tủ nữa, hoàn toàn có thể hỏi được cả độ rộng và độ sâu. Có bài thi tự luận trình bày cả trang 15’, trong khi nếu thi trắc nghiệm không cần trình bày, chỉ cần nháp ra kết quả mất 3, 5 phút.
GS Phùng Hồ Hải: Như mọi người nói việc thi là ảnh hưởng đến học. Thi tự luận học sinh đã học tủ. Nếu chuyển sang trắc nghiệm có ai khẳng định sẽ không học tủ, tìm những mẹo để làm bài?
Bài tự đã làm năm bảy chục năm nay nhưng các thầy giảng cho học sinh còn sai thì sang trắc trắc nghiệm sẽ thế nào?
Tôi đã thấy trên mạng, nói như giới trẻ là “chém gió” rất ác, nhưng sai rất nhiều nên rất đáng ngại.
Người Việt Nam rất nhạy bén, đi tắt đón đầu, không muốn học theo cách căn bản. Không học theo cách căn bản nếu quay sang thi trắc nghiệm khó giải thích cho học sinh theo cách căn bản.
Chúng ta phải thừa nhận kì thi này rất quan trọng. Phương thức này dùng để xét tuyển vào đại học, chuyển vẫn không được, trượt là mất. Điều này tạo ra sức ép cho học sinh không thể trượt được mà phải cho kết quả tối ưu.
Đề thi trắc nghiệm chỉ yêu cầu làm thế nào chọn kết quả đúng, không cần biết thể nào và phải nhanh, điều này mâu thuẫn với tư duy học toán.
Tôi cũng nghĩ rằng kì thi ĐH ngày xưa là kì thi duy nhất nghiêm túc của Việt Nam, vì trên đại học cũng không có kì thi nghiêm túc.
Tôi không phản đối thay đổi, nhưng nếu thay đổi chúng ta đã làm tốt chưa, chuẩn bị tốt chưa? Tôi không phản đối nhưng phải có lộ trình. Khi khẳng định là tốt phải thông báo xã hội.
Quay lại kì thi này, tôi vẫn rất băn khoăn. Khi dịch một bài báo của nhà toán học nổi tiếng erence Tao, ông chỉ ra hai điều nguy hiểm nhất của trắc nghiệm là dạy cho học sinh làm thế nào để giải bài trắc nghiệm, và thứ hai, khi đánh giá bỏ qua quá trình tư duy.
Ở châu Âu hiện có khoảng 50% sinh viên vào đại học nhưng không được tốt nghiệp, còn chúng ta những người tốt nghiệp còn nhiều hơn cả người vào. Vì vậy, nói rằng kì thi ảnh hưởng tới tất cả, nhưng nó ảnh hưởng như thế nào khó mà nói được.
XEM PHẦN CÒN LẠI
Thi trắc nghiệm ảnh hưởng tiêu cực đến cách học phổ thông?
Ở phần hai của buổi tọa đàm, các khách mời thảo luận về ảnh hưởng của nền giáo dục các nước Pháp, Nga, Mỹ tới giáo dục Việt Nam nói chung và tới phương pháp kiểm tra đánh giá nói riêng.
Bộ Giáo dục: Thi trắc nghiệm môn Toán năm 2017 là khả thi
Sau khi theo dõi Toạ đàm trực tuyến “Có nên thi trắc nghiệm môn Toán từ năm 2017?” do Vietnamnet thực hiện sáng 27/9, Bộ GD-ĐT đã làm rõ về một số vấn đề mà khách mời còn băn khoăn.
Ban Giáo dục
GS Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng. |