Ban chỉ đạo đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ở các điểm thi tại huyện Ba Chẽ (Trường THPT Ba Chẽ) và TP Móng Cái (Trường THCS -THPT Chu Văn An, Trường THPT Trần Phú).
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi diễn ra sáng nay 4/6, bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi tỉnh cho biết, năm 2019, số thí sinh đăng ký dự thi của tỉnh là 14.180, trong đó số thí sinh lớp 12 năm học 2018-2019 là 13.665 (12.149 thí sinh hệ giáo dục THPT và 1.516 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên) và số thí sinh tự do là 516.
Trao đổi kỹ lưỡng với Ban chỉ đạo thi tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Hùng |
Toàn tỉnh có 34 điểm thi và đến thời điểm này đều được các địa phương quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất. Những địa bàn bị chia cắt, có thể xảy ra mưa lũ những ngày thi cũng được địa phương lường trước và chuẩn bị.
Về phương án in sao đề thi, vận chuyển và bảo quản đề thi, bài thi, bà Oanh cho hay, số lượng phòng lắp đặt camera là 42 phòng (gồm phòng bảo quản đề thi, bài thi của 34 điểm thi; phòng bảo quản bài thi, phòng chấm thi tại khu vực chấm thi; phòng bảo quản bài thi của Ban thư ký trong quá trình tập kết, lưu chuyển bài thi). Tổng số nhân sự dự kiến tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi (kể cả ban chấm thi trắc nghiệm và ban phúc khảo trắc nghiệm) là 1.900 người.
Theo bà Oanh, khó khăn của địa phương gặp phải là do địa bàn trải rộng, phức tạp về vị trí địa lý nên một số điểm thi đặt tại vùng hải đảo, xa trung tâm như điểm thi THPT Cô Tô tại huyện đảo Cô Tô.
Cùng với đó là việc kiểm soát các thiết bị, phương tiện gian lận công nghệ cao tinh vi và có kích thước rất nhỏ được lưu hành trên thị trường và khó kiểm soát. Trong khi việc kiểm tra, phát hiện ra được những thiết bị thu phát hiện đại (có kích thước rất nhỏ) đối với cán bộ coi thi còn gặp nhiều khó khăn. Hiện, phía Công an tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết đã tiến hành các phương án nhằm phòng chống việc này. Qua theo dõi các diễn đàn trên mạng xã hội, cá nhận trao đổi về việc mua bán các thiết bị gian lận thi cử bằng công nghệ cao, cơ quan công an đã trực tiếp thông tin tới từng nhà trường có những thí sinh trao đổi về việc này. “Thi cử không dám nói chắc cái gì, nhưng chúng tôi xác định hết sức nghiêm túc, đúng quy chế để làm sao tổ chức tốt nhất với tinh thần công bằng, vì học sinh, để kỳ thi tránh được những tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và địa phương”, bà Oanh nói.
Ông Mai Văn Trinh nhìn nhận năm nay khâu coi thi THPT quốc gia là đáng lo ngại nhất. Ảnh: Thanh Hùng |
Đại tá Ngô Kim Khôi, Cục A03 – Bộ Công an cũng cho hay qua thống kê sơ bộ thì có một số thiết bị công nghệ để có thể thực hiện hành vi tiêu cực. Đặc biệt, ông Khôi lưu ý các thiết bị gian lận đa dạng, trong khi Quảng Ninh lại là địa bàn sát biên giới.
“Rất nhiều thiết bị như kính lắp camera, hay camera nằm ở cúc áo. Sử dụng thiết bị nghe lén dưới dạng thẻ ATM. Có những loại bút tàng hình, viết lên gỗ giấy thì không thấy nhưng khi chiếu đèn tia cực tím ở phần đuôi thì có thể nhìn thấy, đồng hồ thông minh,…”.
Ông Khôi cũng lưu ý, những năm trước đây có tình trạng khi giám thị làm chặt khâu ở phòng thi thì các sau khi kết thúc kỳ thi các đối tượng có những phản ứng, có hành động trả thù, gây áp lực cho giám thị.
“Do đó, chúng tôi đề nghị mỗi hội đồng thi tạo điều kiện cho giám thị trong việc ăn ở, sinh hoạt, đi lại. Theo tôi thậm chí nên có tổ chức việc sinh hoạt tập thể. Đề nghị công an các địa phương phối hợp với các điểm trưởng để nắm được tình hình, qua đó đảm bảo an ninh điểm thi, an toàn cho giám thị được thực hiện đúng trách nhiệm của mình”, ông Khôi nói.
Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh, ngoài chú trọng đến hạn chế tới các hình thức gian lận bằng công nghệ cao, cũng cần chú trọng đến cả những hình thức truyền thống “công nghệ thấp” dẫn chứng ngay như câu chuyện sai phạm diễn ra ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 cho rằng nên có danh mục cụ thể, chi tiết cho từng vị trí tham gia công tác tổ chức thi.
Ông Văn cũng lưu ý về công tác đảm bảo sức khỏe cho thí sinh trong những ngày thi.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT cấp tỉnh cho hay, các phương án chuẩn bị gần như sẵn sàng nhưng tinh thần vẫn phải luôn cảnh giác, không được chủ quan.
“Thực tiễn diễn ra là muôn hình vạn trạng. Mỗi một năm có những vi phạm được phát hiện khác nhau. Càng ngày càng tinh vi, ngày càng khó tưởng tượng nên là người được giao trọng trách Trưởng ban chỉ đạo thi cấp tỉnh như tôi thì thi xong cũng chưa thể yên tâm. Như năm ngoái, khi kết quả được tung ra, dư luận mới thấy bất hợp lý quá. Do đó chúng tôi rất thận trọng về công tác này”, bà Thủy nói.
Đặc biệt bà Thủy bày tỏ sự lo lắng khi việc chấm thi năm nay của tỉnh được giao cho Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh.
“Trường đóng trên địa bàn nhưng chúng tôi vẫn lo lắng về kinh nghiệm thực hiện. Bởi cán bộ chưa bao giờ thực hiện việc chấm thi THPT quốc gia. Tôi tin anh em đều có ý thức rất tốt, làm nghiêm túc; nhưng quy trình kỹ thuật là điều chúng tôi rất lo”.
Ông Trinh nói rằng cần tập huấn kỹ về quy chế, cũng như làm công tác tư tưởng thật tốt. Điều quan trọng là chọn những trưởng điểm thi thật sự uy tín.
Ông Trinh cũng lưu ý với những trường trên cả nước nếu từng lắp hệ thống camera ở các phòng học trước đây để theo dõi tình hình dạy học thì những ngày thi thi phải bị vô hiệu hóa để tránh tối đa việc có thể lộ đề.
“Theo đánh giá của chúng tôi, năm nay khâu coi thi sẽ là đáng lo ngại nhất, dễ gian lận nhất. Bởi nếu cán bộ coi thi không trách nhiệm sẽ dẫn đến trao đổi bài thi, nhất là thời gian cuối”, ông Trinh nhấn mạnh.
Thanh Hùng