Tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực nắm bắt cơ hội thuận lợi được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch các loại trái cây chù lực có lợi thế cạnh tranh sang Trung Quốc và các nước khác, đẩy nhanh tiến độ cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phát triển vững chắc các vùng chuyên canh trái cây đặc sản tại địa phương.

Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. So sánh giữa năm 2021 và 2022, diện tích sầu riêng của tỉnh đã tăng gần 2.500 ha, đây là một trong những cây chủ lực ở Tiền Giang có diện tích tăng cao nhất.

Thời gian trước, tỉnh chủ yếu tập trung phát triển trồng sầu riêng ở các địa phương khu vực phía Nam quốc lộ 1A. Sau đó mở rộng sang các vùng ở phía Bắc quốc lộ 1A.

Trước tình trạng phát triển “nóng” cây sầu riêng, nếu không thực hiện tốt công tác quản lý dễ dẫn đến cung cầu dư thừa, khó khăn trong tiêu thụ, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã thực hiện hàng loạt các biện pháp tăng cường công tác kiểm soát diện tích vùng trồng.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Một mặt, tỉnh Tiền Giang thực hiện 2 đề án tập trung phát triển cây sầu riêng. Cụ thể, theo quy hoạch chung tại Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, dự kiến đến cuối năm 2025, Tiền Giang sẽ phát triển vùng trồng sầu riêng tập trung khoảng 14.000ha. Tiếp đến là Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở phía Bắc quốc lộ 1A tỉnh Tiền Giang”, với mục tiêu tăng thêm diện tích 4.500ha trồng sầu riêng. Tổng quan qua 2 đề án trên, đến năm 2025, diện tích trồng sầu riêng ở Tiền Giang có thể đạt khoảng 20.000ha.

Bên cạnh đó, Tiền Giang gấp rút xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng thí điểm tại một số địa phương chuyên trồng sầu riêng. Ứng dụng này sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến mã số vùng trồng, diện tích, thời gian dự kiến thu hoạch, vùng thu hoạch, sản lượng dự kiến cũng như tình trạng sâu bệnh hại. Thông qua ứng dụng, các cơ quan quản lý sẽ có cơ sở dữ liệu quan trọng để thực hiện kiểm soát công tác cấp mã số vùng trồng, tránh trường hợp cấp lặp lại trên cùng một đơn vị diện tích. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động liên kết tiêu thụ sầu riêng một cách dễ dàng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn nhận định, việc đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng tiếp thêm động lực cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh thâm nhập một cách sâu rộng vào thị trường thế giới, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới.

Được biết, tỉnh Tiền Giang đã có gần 25.000 ha cây ăn trái được cấp 383 mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các nước khác. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, không chỉ có trái sầu riêng, mà cơ bản toàn bộ diện tích cây ăn quả đặc sản của tỉnh sẽ được cấp mã số vùng trồng.

Hải Dương và nhóm PV, BTV