1.jpg.jpg
Ảnh minh họa

Nhiều người dân lần đầu tiên biết Internet

Dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) tài trợ, được Quỹ DVVTCI Việt Nam (VTF) thực hiện tại 99 điểm thuộc 3 tỉnh Nghệ An, Trà Vinh và Thái Nguyên. Đa số các địa bàn được chọn để triển khai dự án thí điểm (nhất là các xã), trước đó chưa có máy tính và dịch vụ Internet. Tại các địa điểm này, số lượng máy vi tính cá nhân không nhiều và chỉ có chủ yếu ở các trường học, trạm y tế xã, UBND và một số hộ dân có thu nhập cao hoặc con cái theo học đại học. Phần lớn máy tính chưa được kết nối mạng Internet. Một số xã đã có 2-3 điểm dịch vụ Internet do tư nhân mở. Dự án được triển khai đã góp phần quan trọng giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận dịch vụ. Số liệu khảo sát cho thấy, khoảng 70% người dân lần đầu tiên được sử dụng máy tính và Internet là tại các điểm BĐVHX và thư viện.

Không những ít điểm dịch vụ truy cập Internet, số lượng máy tính tại các điểm truy cập của tư nhân mở ra cũng không nhiều. Đấy chính là nguyên nhân khiến người dân cho rằng các điểm dịch vụ Internet gần nhà họ hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Các điểm này thường xuyên trong tình trạng hết máy khiến họ phải chờ đợi khá lâu. Như vậy có thể thấy nhu cầu sử dụng máy tính và dịch vụ Internet của cộng đồng cao hơn nhiều so với khả năng đáp ứng hiện tại.

Ngoài ra, khoảng cách trung bình từ nơi ở đến địa điểm truy cập Internet gần nhất của người dân là 1,7 km. Với Dự án thí điểm, dịch vụ Internet được triển khai thí điểm tại các điểm BĐVHX và thư viện đã cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho người sử dụng. Đặc biệt, tại địa bàn các xã, điểm dịch vụ Internet do dự án cung cấp đã rút ngắn khoảng cách đi đến các điểm dịch vụ (chỉ còn 1,41 km), góp phần tăng cường khả năng tiếp cận của cộng đồng. Trước khi dự án triển khai, có trên 30% người dân cho biết họ phải đi xa để sử dụng dịch vụ. Hiện nay, chỉ còn trên 5% người dân nói họ phải đi xa mới đến được điểm truy cập Internet.

Điểm BĐVHX cũng là địa điểm sử dụng Internet gần nhà người dân nhất. Sau khi dự án triển khai, có trên 80% người dân đã dùng Internet tại điểm BĐVHX, trong khi chỉ có 1,8% sử dụng tại các điểm dịch vụ Internet tư nhân; 8,1% dùng Internet tại cơ quan, những người này chủ yếu là nhóm cán bộ làm việc tại UBND xã, trường học, trạm y tế. Ngoài ra, có 6,8% người dân có điều kiện dùng Internet tại nhà. Hơn nữa, sự hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến máy tính và Internet tại các điểm truy cập của tư nhân khiến cho mức độ tập trung người sử dụng tại các BĐVHX là rất lớn. Vì lẽ đó, việc triển khai dự án thí điểm càng trở nên có ý nghĩa, giúp cho người dân tiếp cận được với dịch vụ. Tại những khu vực này, các BĐVHX đóng vai trò là địa điểm gần nhất, thậm chí duy nhất cung cấp dịch vụ Internet cho cộng đồng.

1.jpg.jpg

Dự án được đánh giá thành công

Tất cả điểm BĐVHX đều mở cửa phục vụ khách theo quy định của Ban quản lý dự án, buổi sáng từ 7h00 đến 11h00, buổi chiều từ 13h00 đến 17h00 và buổi tối từ 19h00 đến 21h00. Tại hầu hết các điểm, thời gian mở cửa được tuân thủ đúng qui định, thậm chí các điểm BĐVHX còn nới rộng thời gian bằng cách mở cửa sớm hơn hoặc đóng cửa muộn hơn so với qui định. Các nhân viên quản lý BĐVHX cho biết việc nới rộng khung thời gian giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của đông đảo người dân, nhất là nhóm trẻ em trong điều kiện thiếu thốn về máy móc. Có 95,9% người dân được hỏi khẳng định khung thời gian mở, đóng cửa trên là phù hợp. Cụ thể, tỷ lệ này tại Thái Nguyên chiếm 90,8%; tại Trà Vinh là 96,1%, đặc biệt tại Nghệ An, có đến 100% những người được hỏi khẳng định thời gian mở cửa là phù hợp.

Mức phí dịch vụ vừa phải đã tạo điều kiện tốt cho cộng đồng tiếp cận dịch vụ Internet. Theo qui định của Ban quản lý Dự án, phí dịch vụ áp dụng cho BĐVHX là 1.500 đồng/giờ truy cập. Người sử dụng phải trả phí nên các điểm không qui định thời gian tối đa đối với mỗi khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, dưới sự quản lý của nhân viên BĐVHX, có sự ưu tiên cho những khách hàng sử dụng Internet để phục vụ công việc, học tập. Số liệu khảo sát trên cả 3 tỉnh cho thấy, phí dịch vụ được cho là hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân khu vực nông thôn. Ngoài ra, nhân viên BĐVHX được đánh giá cao về sự nhiệt tình hướng dẫn khách hàng. Điều này đã giúp người dân, đặc biệt là người nông dân, vượt qua mặc cảm, tự ti, đến để sử dụng dịch vụ. Định hướng sử dụng vào các trang website hay, hữu ích cho từng nhóm đối tượng cũng giúp cho người dân hiểu được những lợi ích to lớn Internet mang lại.

Bên cạnh các tiêu chí liên quan đến tính sẵn có của các điểm dịch vụ, các yếu tố liên quan đến hạ tầng cũng được cải thiện nhiều đã giúp tăng cường khả năng tiếp cận của cộng đồng. Trong số các nhận định đưa ra đánh giá, chỉ có duy nhất nhận định liên quan đến kiến thức, kĩ năng sử dụng máy tính, Internet tại hai thời điểm trước và sau dự án có xu hướng giảm không đáng kể. Có 49,8% những người được khảo sát cho rằng trước thời điểm 2008 họ thiếu kỹ năng sử dụng, tỷ lệ này sau dự án là 47,5% (chỉ giảm 2,3%), mặc dù các khóa đào tạo của dự án đã được tổ chức.

Tuy vậy, Dự án thí điểm đã được nhà tài trợ là Quỹ Bill & Melinda Gates, Bộ TT&TT và các bên liên quan đánh giá rất thành công. Các số liệu khảo sát tại các tỉnh cũng phản ánh xu hướng gia tăng nhu cầu sử dụng, sự thay đổi khả năng tiếp cận máy tính và dịch vụ Internet của người dân tại thời điểm trước và sau khi dự án được triển khai rất rõ rệt.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 7/2010.