Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường biển, ven biển đang diễn ra ngày càng trầm trọng hơn. Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra phổ biến như nghề khai thác sử dụng các ngư cụ mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản như xung điện, chất nổ, giã cào bay, đánh bắt cá con, đánh bắt gần bờ và các khu bảo tồn biển.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, Cục Thủy sản và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên thủy sản, mức độ xâm hại của các nghề khai thác thủy sản trên các vùng biển này và định hướng chuyển đổi nghề cho phù hợp. Các địa phương thí điểm xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp địa phương mình.
Ngoài ra, Cục Thủy sản sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về cấp giấy chấp thuận đóng mới tàu thay thế tàu mục nát, chìm đắm, mất tích, phá dỡ và đảm bảo cắt giảm tàu cá hàng năm theo lộ trình. Rà soát và cắt giảm tàu cá có nghề khai thác hải sản làm ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái tại địa phương.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành thủy sản muốn phát triển bền vững, gỡ “thẻ vàng” EC, chống khai thác IUU cần quan tâm tới con người. Trong đó chuyển đổi nghề khai thác trên biển phù hợp, đa ngành, giá trị cao. Kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân cần có hành động từ chính ngư dân, cơ sở. Các địa phương cần đối thoại tìm được tiếng nói chung của ngư dân và Nhà nước để thực hiện đề án chuyển nghề thành công.
Đầu tiên, các địa phương cần làm định danh, định hướng, đào tạo nghề nghiệp, tổ chức lại một số nghề để đưa ngư nghiệp thành chuyên nghiệp. Chiến lược phải xây dựng và triển khai bằng tình cảm, tinh thần, trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với hàng trăm nghìn ngư dân đang bám biển.
Trước đó vào tháng 7/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã ban hành Quyết định 2888/QĐ-BNN-TS thực hiện Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Đề án cũng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp gắn với chức năng của từng cơ quan, đơn vị để đảm bảo mục tiêu theo Quyết định 208/QĐ-TTg vào tháng 3/2023.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra biện pháp cần thực hiện trong đề án này. Theo đó, trong năm 2023 – 2024 rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản liên quan tới lĩnh vực khai thác hải sản, công tác đảm bảo chất lượng các tàu cá và các vùng biển hạn chế khai thác. Bố trí ngân sách từ địa phương để có chính sách cụ thể cho từng nơi, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia khai thác, quản lý thủy sản bền vững. Cắt giảm số tàu đang hoạt động trung bình 1,5%/năm với tàu hoạt động vùng khơi, 4% năm tàu hoạt động vùng lộng, 5% tàu hoạt động trong vùng biển ven bờ. Các địa phương không đóng mới, hoán cải đối với tàu làm nghề lưới kéo, nghề lưới rê thu cá ngừ. Cấp giấy chấp thuận đóng mới theo hướng ưu tiên tàu có chất liệu thân thiện với môi trường, sử dụng vỏ tàu kim loại, vật liệu mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án tạo sinh kế cho những ngư dân không làm nghề đánh bắt thủy sản trên biển. Thống kê những nhóm ngư dân đang khai thác trên biển cần bảo tồn, ưu tiên chuyển đổi nghề trước. Nhóm lao động này ưu tiên chuyển nghề sang hướng nuôi trồng thủy sản trên bờ, ven bờ, quy mô hợp tác xã. Ngư dân được hỗ trợ sang làm du lịch biển. Các địa phương có trách nhiệm tổ chức mô hình phù hợp với thực tế. Ngư dân chuyển nghề được đào tạo nghề mới, có chính sách hỗ trợ chuyển nghề phù hợp theo tâm tư nguyện vọng của họ.