Với những ưu điểm vượt trội so với các loại vật liệu xây dựng khác trước đó, hợp kim thép đã tạo nên một cuộc cách mạng trong xây dựng công trình cầu đường, nhà cao tầng, tháp truyền hình… để thỏa mãn khát vọng của con người luôn muốn vươn tới những kết cấu đạt tầm cao, tầm xa mới mà vẫn kết hợp được những vẻ đẹp của các trường phái kiến trúc đương đại.

Và như thế các công trình mang tính chất biểu tượng của nghệ thuật xây dựng đã ra đời và đi cùng năm tháng, là chứng nhân lịch sử của nhiều thế hệ, nhiều triều đại và cả những cuộc chiến tranh tàn khốc.

Trong số này có thể kể tới tháp Eiffel ở Paris hoạt động từ năm 1889, cầu Brooklyn thông xe năm 1883 nối Manhattan với Brooklyn, cầu cảng Sydney Harbour khánh thành năm 1932, tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa cao 830m sử dụng năm 2010… và cả cây cầu Long Biên huyền thoại, một trong những biểu tượng của Hà Nội được xây dựng và thông xe năm 1902.

{keywords}
Mô hình thiết kế cầu Trần Hưng Đạo

Những công trình này vẫn và sẽ còn tiếp tục hoạt động, đáp ứng các công năng như mục tiêu ban đầu của những kỹ sư - kiến trúc sư đặt ra. Và hầu hết trong số chúng đều có tuổi thọ vượt qua người cao tuổi nhất trong số những người cao tuổi mà con người đã từng thống kê được.

Theo định nghĩa về công trình, những thiết kế xây dựng đạt tuổi thọ 100 năm trở lên đều được coi là “vĩnh cửu”. Bất kỳ kết cấu nào sử dụng hợp kim thép đều có thể đạt được tiêu chí này, miễn là nó được thiết kế, xây dựng và bảo trì tốt.

Kết cấu bê tông thì sinh sau, đẻ muộn hơn vài thế hệ con người so với kết cấu thép. Những công trình lớn được xây dựng bằng kết cấu bê tông phát triển mạnh mẽ từ những năm đầu của thế kỷ 20.

Thực chất, kết cấu bê tông cũng được phát triển và hưởng lợi từ những bước tiến của kết cấu thép. Đặc biệt là sự thành công trong việc phát minh ra thép có cường độ cao để tạo nên những kết cấu dự ứng lực. Nôm na là người ta căng, tạo lực trước cho các sợi thép nằm trong khối bê tông.

{keywords}
Cầu Trần Hưng Đạo thiết kế theo hình tượng “làn sóng uốn lượn”

Kể từ đó, sự phát triển của các công trình xây dựng luôn gắn liền với hai dạng kết cấu chủ đạo, kết cấu thép và kết cấu bê tông cốt thép (có thể là cốt thép dự ứng lực). Khi cần thiết kế những kết cấu thanh mảnh, vượt được nhịp dài hơn, chiều cao lớn hơn, yêu cầu thẩm mỹ kiến trúc phức tạp hơn, các kỹ sư sẽ nghĩ ngay tới việc lựa chọn kết cấu thép bởi những đặc tính cơ lý phù hợp của chúng.

Những gì là vấn đề, sự hạn chế về tuổi thọ với kết cấu thép thì cũng là những vấn đề với kết cấu bê tông cốt thép. Không thể khác được.

Thậm chí trong nhiều trường hợp thiết kế, kết cấu bê tông dự ứng lực còn có tuổi thọ thấp hơn so với kết cấu thép thông thường bởi tính dễ han gỉ của các sợi thép dự ứng lực có cường độ cao nằm trong bê tông. Cầu Rào ở Hải Phòng bị sập có thể được coi là một ví dụ điển hình.

{keywords}
Tổng dự toán thấp hơn ngân sách đưa ra từ đầu khoảng 3 - 5%

Do vậy, với hiểu biết của người viết, thật khó hiểu khi có ý kiến độc giả cho rằng thay vì lựa chọn phương án cầu "Vô cực", một thiết kế đẹp, mang tính kiến trúc, biểu tượng cao của cầu Trần Hưng Đạo đã được hội đồng giám khảo của cuộc thi tuyển kiến trúc đánh giá cao nhất, ta lại chỉ nên xây một cây cầu bê tông lực lưỡng giống như cầu Vĩnh Tuy hay Thanh Trì với nguyên nhân chủ quan, thiếu dẫn chứng: Kết cấu cầu thép thì không thể nồi đồng cối đá như bê tông được.

Hà Nội, Việt Nam đã xây dựng nhiều cây cầu. Có những cây cầu thép đẹp như Long Biên, Trường Tiền vẫn đang trường tồn cùng thời gian, đóng góp những giá trị không thể đong đếm hết được. Mong các kiến trúc sư, kỹ sư, những nhà quản lý và cả những độc giả nữa, hãy là những người có tâm, tiếp tục dựng xây những giá trị công trình cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả. Bạn có ý kiến khác xin gửi về Email: [email protected]. Bài viết phù hợp sẽ được Ban biên tập chọn đăng tải. Trân trọng!

Hoàng Nghĩa Quang

Cầu Trần Hưng Đạo không nên có kết cấu như cầu Chương Dương, Long Biên

Cầu Trần Hưng Đạo không nên có kết cấu như cầu Chương Dương, Long Biên

Dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo ở Hà Nội, với mức vốn khoảng 9.000 tỷ đồng đang được Ban quản lý dự án Giao thông Hà Nội tổ chức trưng bày các phương án thiết kế kiến trúc.