Lựa chọn đến với Mông Cổ, đi vào rừng sâu tìm đàn tuần lộc ở khu vực giáp biên, nơi phần lớn những người Mông Cổ cũng chưa từng đặt chân đến, tôi biết mình sẽ phải vượt qua nhiều thử thách.
Sau 7 tiếng ngồi máy bay và 12 tiếng đi xe trên đường nhựa, tôi bước vào một thế giới khác, đi trên những vệt đất khó có thể gọi là đường. Chiếc xe van từ những năm 1960 len lỏi trong rừng Taiga, băng qua bùn lầy, suối cạn, tuyết trơn, đồi thông bạt ngàn và những đàn gia súc hàng nghìn con.
Trên chiếc xe đôi khi nghiêng đến 45 độ và xóc nảy người, tôi thấy mình vượt những cây cầu gỗ mục phất phơ dải cờ cầu bình an, những túp lều tròn bé nhỏ giữa thung lũng và đôi khi là những cánh diều hâu bay ngay qua trước mắt.
Những bỡ ngỡ và lo lắng về quãng đường xa dần được thay thế bằng vô vàn những cung bậc cảm xúc, từ ngạc nhiên, bất ngờ đến cảm thán trước vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi lãng mạn của Mông Cổ.
Sau 1,5 ngày len lỏi trong rừng, đoàn chúng tôi chuyển sang cưỡi ngựa để đi sâu về phía biên giới, nơi bộ lạc tuần lộc đang sinh sống.
Với một người theo chủ nghĩa xê dịch nhưng thường xuyên gắn với công việc văn phòng, cưỡi và tự điều khiển một chú ngựa Mông Cổ hoang dã là một trong những thách thức lớn nhất mà tôi từng trải qua.
Những người bản địa dặn tôi nhiều điều, từ không vẫy tay, không vuốt bờm, không nói to, đến không được quàng một chiếc khăn đỏ, vì tất cả những điều này sẽ khiến ngựa Mông Cổ cảm thấy phấn khích.
Có lẽ, một nửa thời gian của quãng đường di chuyển là để tôi và người bạn đồng hành 4 chân có thể tìm tiếng nói chung, để có thể đặt niềm tin vào nhau hơn, cùng đi qua những cánh rừng rực rỡ sắc đỏ vàng, những mỏm đá gồ ghề, những đoạn đất lầy trơn trượt...
Sau hơn 4 tiếng cưỡi ngựa, khung cảnh làng tuần lộc dần hiện ra trong màn sương mờ ảo. Vài ba túp lều nhỏ dựng lên từ những thân gỗ mộc, phủ vải cứng và da tuần lộc, nằm quây quần giữa rừng thông bạt ngàn.
Ở đây, mọi thứ dường như ngừng lại. Không có sóng điện thoại, không internet, chỉ có tiếng gió rít qua rừng cây và ánh lửa bập bùng trong những chiếc lò sưởi.
Bộ lạc Tsaatan, những người sống cùng đàn tuần lộc, là minh chứng cho sự hòa hợp tuyệt đối giữa con người và thiên nhiên.
Những người Mông Cổ này nuôi tuần lộc không chỉ để làm phương tiện di chuyển mà còn tận dụng sữa, da và sừng của chúng để duy trì cuộc sống.
Trẻ em chơi đùa giữa núi rừng, đôi má đỏ hây hây trong gió lạnh. Người lớn cần mẫn chuẩn bị bữa ăn tối, khói bếp quyện vào màn sương ráng chiều tạo nên một cảnh tượng đẹp như tranh.
Hàng chục chú tuần lộc, từ trắng như bông tuyết đến nâu vàng óng ả, có sừng và không sừng, nằm im lìm chờ một ngày trôi qua. Chỉ cần mở cửa lều là có thể nhìn thấy những chú tuần lộc với đôi sừng uy nghiêm lững thững đi lại, chẳng màng đến sự hiện diện của những người ‘thành phố’.
Có lẽ, cả cuộc đời, tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào diệu kỳ đến vậy, với cảm giác như đang bước vào thế giới cổ tích, nơi mọi thứ đều giản dị nhưng hiện lên tựa như một phép lạ không có trong đời thực.
Đêm ở làng tuần lộc là một trải nghiệm đặc biệt. Không có ánh đèn điện, chỉ còn lại ánh lửa từ lò sưởi và bầu trời có thể nhìn rõ dải ngân hà. Nhiệt độ xuống thấp, những bông tuyết đầu tiên của Mông Cổ đã rơi khi tôi ở đây, nơi bên rìa thế giới.
Những người bản địa nói, được chứng kiến bông tuyết đầu mùa là duyên may, còn tôi nói có thể gặp họ, cùng uống bát sữa tuần lộc nóng hổi là cuộc tao ngộ đầy trân quý.
Bởi người trong làng chỉ lưu lại đây trong 2 ngày nữa, rồi lại đóng đồ và di chuyển đến một nơi nào đó chính họ cũng chưa biết – nơi có đủ thức ăn cho tuần lộc sống qua mùa đông giá lạnh.
Đến muộn một chút, tôi đã chẳng thể nào gặp được họ, đó chẳng phải sự sắp xếp tuyệt vời của những mối duyên trong cuộc đời hay sao?
Quãng đường tìm tuần lộc chỉ chiếm một cung nhỏ trong hành trình khám phá Mông Cổ nhưng đối với tôi, đây là một chuyến đi vượt mong đợi, không chỉ bởi cảnh đẹp đến khó tin, mà còn bởi những cảm xúc chân thực và bài học quý giá.
Lần đầu tiên, tôi hiểu rằng, có những kỳ ngộ trong đời không thể mong cầu mà do tùy duyên gặp gỡ, từ những bông tuyết đầu mùa ở vùng đất lạ đến sự chân tình của những người du mục.
Những khoảnh khắc ở làng tuần lộc sẽ mãi là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời, một lời nhắc nhở rằng thiên nhiên luôn có cách riêng để chữa lành và truyền cảm hứng.
Ảnh: Hạ Phương