Hàng lậu về phố
Một ngày cuối năm 2019, chúng tôi theo chân chị L. (35 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) về Long An lấy hàng lậu. Chị L. hiện là công nhân tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) nhưng đã có 3 năm bán hàng lậu vào dịp Tết. Hàng của chị L. bán gồm quần áo, mỹ phẩm và một ít đồ gia dụng nhập lậu từ Thái Lan về.
Vì gắn mác Thái Lan, giá rẻ hơn hàng Việt Nam nên chị L. quy tụ được rất đông người tham gia. Điểm tập kết hàng lậu của chị L. tại Cần Giuộc (Long An) do một đầu nậu tên Hùng đứng ra phân phối. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hùng là đại lý số 2 của đường dây tuồn hàng lậu qua biên giới.
Hàng lậu tập kết giáp biên giới. |
Chị L. là một trong hàng chục "cơ sở" tiêu thụ của Hùng. Những đầu mối như chị L. chỉ biết hàng mình lấy có nguồn gốc từ Thái Lan còn cách vận chuyển, đường đi như thế nào thì chị L. không biết và cũng không được phép biết. Đây là chuyến hàng lậu đầu tiên của chị L. trong dịp Tết này. Chị L. lấy khoảng 20 triệu tiền hàng nhưng được cả một xe ba gác đầy có ngọn gồm quần áo, dầu thơm, dầu gội, sữa tắm, nước hoa...
Tất cả còn mới toanh, chưa bóc tem và nguyên dòng chữ Thái Lan. Mỗi buổi tối, sau giờ tan ca chị L. mang hàng ra gần Khu công nghiệp Hiệp Phước để bán. Một chai nước hoa 50ml, chị L. lấy vào 50.000 đồng nhưng bán ra từ 80.000-120.000 đồng. Tương tự với các mặt hàng còn lại cũng lời nhiều nên thu nhập cả mùa Tết của chị L. rủng rỉnh, đủ tiền vé máy bay về quê ăn Tết.
Khách hàng của chị L. chủ yếu là công nhân, sinh viên, nhân viên văn phòng. Lượng tiêu thụ dịp Tết lên cao, đặc biệt là hai ngày cuối tuần nên cứ 2 tuần chị L. lại về điểm tập kết lấy hàng. Chị L. cho biết, cách đây 3 năm, một người bạn làm nghề vận tải đã giới thiệu cho chị mối hàng lậu này.
Đầu nậu yêu cầu ông bạn phải đích thân dẫn chị L. tới gặp và phải cam kết bảo lãnh thì mới nhận. Từ đó, chị L. trở thành "cơ sở" quen thuộc được phép lấy hàng xuyên suốt một tháng Tết. Trước khi lấy hàng, chị L. phải gọi điện thông báo trước ngày giờ có mặt.
"Đầu nậu" sẽ hẹn chị ở một quán cà phê chòi giáp ranh giữa Long An và Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh). Công việc giao hàng, kiểm hàng, trao tiền diễn ra trong khoảng 2 tiếng. Những người đi cùng chị L. tuyệt nhiên không được hỏi bất kỳ thông tin nào. Đầu nậu Hùng mặt lạnh như tiền, lúc nào cũng trong tư thế cảnh giác.
Những công nhân bán hàng lậu kiếm thêm thu nhập dịp Tết. |
Một bạn hàng của chị L. là anh H. (38 tuổi, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP. Hồ Chí Minh) cởi mở và biết nhiều thông tin hơn chị L. Anh H. lấy hàng gia dụng như nồi cơm điện, bình nước nóng, chén bát...và bán vào buổi tối các ngày trong tuần trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7).
Mặt hàng "made in Thailand" của anh H. cũng được đại bộ phận công nhân và nhân viên văn phòng ưa chuộng. Mỗi mặt hàng anh H. bán gấp 3 giá gốc nhưng vẫn được đánh giá là rẻ so với chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Anh H. tiếp cận được "đầu nậu" Hùng từ một người anh làm thương nhân bên Campuchia. Qua đầu mối này, anh H. được Hùng tin tưởng tuyệt đối, gần như không có bất cứ cảnh giác nào. Có một lần anh H. được theo Hùng đi chở hàng lậu ở biên giới Tây Nam, thuộc địa phận tỉnh An Giang.
Theo tiết lộ của anh H. thì hàng lậu từ Thái Lan chuyển qua Campuchia rồi tuồn về Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Ở đây, có đội ngũ cửu vạn người địa phương chịu trách nhiệm vác, bốc dỡ rồi tập kết tại một chiếc xuống đậu dưới mé sông. Hàng lậu di chuyển theo các nhánh sông và kênh rạch từ An Giang về Đồng Tháp rồi qua Long An.
Chiếc xuồng chở hàng lậu được "mã hóa" thành thuyền chở trái cây miệt vườn hoặc xuồng đánh cá len lỏi, luồn lách theo các nhánh kênh nhỏ để tránh tầm mắt của cơ quan chức năng. Hơn một ngày, xuồng mới về tới điểm tập kết và đổ hàng. Chuyến đi này anh H. được gắn thân phận là cửu vạn nên cũng chỉ biết có bấy nhiêu.
Nhờ kết nối của anh H., chúng tôi gặp được vợ chồng một người thường được gọi bằng mật danh Ba "đường". Anh Ba "đường" và vợ là Năm "nhỏ" là chủ ghe chuyên chở hàng lậu cho các đầu nậu. Theo lời rỉ tai của Ba "đường", tuần trước vợ chồng anh vừa chở một tấn đường từ biên giới Tây Nam về.
Ở trên đất Campuchia, mỗi ngày có một lượng lớn đường Thái Lan được tập kết sẵn. Ghe của vợ chồng anh Ba "đường" đậu sẵn ở bến, chị Năm "nhỏ" ở dưới trông còn anh Ba theo cửu vạn đi kiểm đếm hàng.
Khi đến giờ "G", xuồng của anh Ba bắt đầu xuất bến. Vì là dân thương hồ nên anh Ba rất tỏ tường các lối đi trên sông nước. Anh biết những con đường nào là an toàn để tránh sự kiểm tra gắt gao của lực lượng chức năng vào dịp cao điểm mùa Tết. Anh Ba chạy tới Đồng Tháp sẽ có một bãi đáp để công nhân thay bao bì bằng vỏ bao không nhãn mác hoặc vỏ nội địa rồi mới đưa về giao cho "đầu nậu".
"Hóa kiếp" hàng lậu
Theo giới thiệu của anh Ba thì tại khu vực gần chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh) có một điểm tập kết hàng lậu của vài tiểu thương nhập từ các tỉnh phía Bắc vào. Chúng tôi được tiếp cận anh Mạnh là đại lý chuyên bán các loại quần áo dán mác "made in Việt Nam" nhưng thực chất là hàng Trung Quốc tuồn qua biên giới đã được "hóa kiếp". Anh Mạnh từng có 10 năm làm công nhân ở Bắc Ninh. Lương công nhân không thể đảm bảo cuộc sống về lâu dài nên anh Mạnh quyết định bỏ việc đi bán "hàng rong".
Những ngày lang thang kiếm mối, anh được giới thiệu một đầu nậu ở Cao Bằng chuyên cung cấp mặt hàng vải vóc, quần áo với giá "mớ rau". Tiếp cận được đầu mối, anh Mạnh nhanh chóng trở thành đại lý số 1 của "đầu nậu".
Lô hàng lậu mỹ phẩm bị cơ quan chức năng tịch thu. |
Làm ăn vài năm suôn sẻ, có chút vốn liếng, anh Mạnh mở rộng địa bàn vào các tỉnh phía Nam. Đối tượng anh Mạnh nhắm tới là những công nhân đang cần kiếm thêm thu nhập cho dịp Tết. Anh Mạnh đổ sỉ với giá phải chăng, người nọ giới thiệu người kia chẳng mấy mà trở thành mạng lưới hàng lậu hoạt động theo hình thức đa cấp.
Thứ bảy hằng tuần, hàng của anh Mạnh đổ đống tại một ngôi nhà gần chợ Bình Điền. Công nhân sẽ tới đó lấy hàng mang ra bán tại các khu công nghiệp hoặc chợ đêm. Anh Mạnh chỉ đổ mối cho công nhân, ngoài ra không bán lẻ vì sợ thành phần xấu trà trộn vào phá hoại hoặc người của lực lượng chức năng đi điều tra.
Những bộ quần áo khi thay đổi quốc tịch đều được bán với giá rất rẻ. Không biết giá gốc anh Mạnh lấy là bao nhiêu nhưng anh bán sỉ cho công nhân giá chỉ từ 15 - 20 ngàn/chiếc áo hoặc quần.
Chị Nguyễn Thị Thanh K., công nhân chuyên bán quần Jean tại chợ đêm khu vực Bình Điền hào hứng khoe: "Lương thưởng của công nhân vào dịp Tết không đủ mua quà và vé xe về quê nên tôi phải bán thêm quần áo. Mỗi mùa Tết tôi kiếm được hơn hai chục triệu nên ăn Tết cũng thoải mái".
Buôn hàng lậu xuyên Việt, anh Mạnh bây giờ đã có tiền tỷ trong tay, xây được nhà cao cửa rộng ở quê. Khi chúng tôi gặng hỏi về con đường di chuyển của những lô hàng lậu xuyên biên giới thì anh Mạnh tỏ ra dè chừng, rất kiệm lời. "Đầu nậu" số 1 này chỉ nói ngắn gọn: "Mình có xe chuyên vận chuyển từ Bắc vào Nam". Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi thì hàng lậu nhập từ Trung Quốc về bị xé mác và gắn nhãn là hàng nội địa nên trót lọt qua hầu hết các đợt kiểm tra.
Những công nhân rao bán như chị K. dù biết rõ nguồn gốc xuất xứ mặt hàng của mình nhưng vẫn phải học thuộc câu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" để nhanh chóng bán được hàng. Khi chúng tôi hỏi, quần Jean này lấy từ đâu? Chị K. thoáng bối rối rồi trả lời nhát gừng: "Là hàng của công ty, nhưng do quá hạn xuất khẩu nên tuồn ra đây bán".
Các cơ quan chức năng đánh giá, càng về cuối năm tình hình buôn lậu tại khu vực miền Nam diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hàng nhập lậu chiếm số lượng lớn là thuốc lá, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, hàng điện tử, điện lạnh cũ... Không ai dám chắc hàng của mình mua chất lượng ra sao, nguồn gốc xuất xứ từ đâu khi mà thật giả được biến hóa khôn lường từ bàn tay của "đầu nậu", "lái buôn"…
(Theo Cảnh sát toàn cầu)