Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu phủ sóng 5G tại 100% bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Bệnh viện A đầu tư hàng tỷ đồng vào hạ tầng mạng để kết nối các thiết bị sẵn sàng triển khai bệnh án điện tử. |
“Cao tốc” 5G
Gần như cùng thời điểm các nhà mạng khóa sóng với các điện thoại di động 2G vào tháng 10 vừa qua, Viettel đã triển khai chính thức mạng 5G trên toàn quốc với hơn 6,5 nghìn trạm BTS, phủ sóng 100% thành phố trung tâm của 63 tỉnh, thành phố và nhiều khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, trường đại học…
Trên lý thuyết, mạng 5G có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 10Gbps, cao hơn 10 lần so với tốc độ lý thuyết 1Gbps của mạng 4G. Trong điều kiện thực tế tại nhiều nơi ở Việt Nam, trong đó có cả khu vực TP. Thái Nguyên, tốc độ mạng 5G cho người dùng phổ biến có thể đạt tới 10Gbps, gấp 10 lần tốc độ thực tế của mạng 4G với độ trễ thấp thực tế của mạng 5G cũng thấp hơn mạng 4G.
Tốc độ này đáp ứng tốt việc truyền tải video chất lượng 4K, các file dữ liệu lớn hoặc các công nghệ mới như thực tế ảo (VR) và các ứng dụng đòi hỏi băng thông cao như game online, livestream, video call, big data…
Tốc độ truyền tải 5G này cũng đáp ứng tốt hơn cả dịch vụ Internet băng thông rộng truyền dẫn qua hệ thống cáp quang dân dụng của các nhà cung cấp hiện nay vốn phổ biến với tốc độ lý thuyết chỉ từ 150Mbps - 250Mbps.
Đặc biệt, với độ trễ thấp của 5G, các thao tác, dịch vụ trực tuyến đòi hỏi độ chính xác cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, giao thông, điều hành thông minh… sẽ bảo đảm kết quả tối ưu.
Ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng Phòng Bưu chính, viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông), cho biết: Với 5G, các nhà máy có thể thay thế hệ thống cáp rườm rà, vốn có thể gây chi phí đầu tư ban đầu lớn và dễ phát sinh chi phí khi mở rộng sản xuất hoặc khi triển khai thiết bị mới. Bên cạnh đó, các yếu tố chính của 5G là tốc độ cao, độ trễ thấp, độ tin cậy cao cần thiết để hỗ trợ sản xuất thông minh, tự động hóa, giám sát từ xa…
|
Từ cuối năm 2021, Viettel đã phát thử nghiệm 5G tại trung tâm TP. Thái Nguyên, đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong 16 tỉnh, thành phố được phủ sóng 5G sớm nhất cả nước. |
Các nhà mạng chạy đua
Là đơn vị tiên phong, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã triển khai lắp đạt 100 trạm phát sóng BTS sử dụng công nghệ 5G tại Thái Nguyên, tập trung tại khu vực trung tâm 8 huyện, thành phố và một số khu công nghiệp trọng điểm như: Yên Bình, Điềm Thuỵ, Sông Công…
Với hạ tầng 5G này, Viettel Thái Nguyên cung cấp song song các giải pháp quản trị thông minh, điện toán đám mây... cùng với 5G. Bên cạnh đó, Viettel không chỉ cung cấp dịch vụ phục vụ dân sinh mà còn cung cấp các gói thuê bao 5G dùng riêng cho hạ tầng kết nối của nhà máy thông minh với chi phí thấp hơn so với giải pháp mạng riêng truyền thống để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tối ưu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Viettel Thái Nguyên: Trong năm 2025, Viettel cũng sẽ tăng thêm hàng trăm trạm BTS 5G để mở rộng vùng phủ sóng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã thực hiện thí điểm phát sóng 5G tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Nguyên.
Ông Lê Xuân Trung, Phó Giám đốc VNPT Thái Nguyên, chia sẻ: Sau khi phát thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ triển khai ngay 300 trạm BTS 5G tại Thái Nguyên vào đầu năm 2025, trong đó tập trung tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học lớn trên địa bàn. Theo kế hoạch, VNPT phấn đấu phủ sóng 5G với 85% diện tích toàn tỉnh trong những năm tới đây.
Nhận định về mạng 5G tại Thái Nguyên, anh Lê Quang Hợp, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), nói: Là giảng viên, tôi có nhu cầu lớn đối với Internet băng thông rộng và tôi đánh giá cao dịch vụ 5G của Viettel tại Thái Nguyên, mong các nhà cung cấp mở rộng diện phủ sóng để 5G thực sự đi vào đời sống người dân.
Với 5G, các trung tâm dữ liệu có thể thay thế hệ thống cáp rườm rà, vốn có thể gây chi phí đầu tư ban đầu lớn và dễ phát sinh chi phí khi mở rộng sản xuất hoặc khi triển khai thiết bị mới. |
Thúc đẩy hạ tầng số
Với hạ tầng 5G đang được quan tâm đầu tư, mở rộng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược chuyển đổi số. Ông Nguyễn Đức Lộc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, chia sẻ: Bên cạnh phát huy, kế thừa các giải pháp đang triển khai, chúng tôi cũng đang tham mưu cho UBND phê duyệt, triển khai Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2027.
Theo đó, trong dự thảo Đề án này, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất 9 nhiệm vụ thành phần phát triển hạ tầng số gắn với hạ tầng 5G gồm: 100% khu dân cư phủ sóng 5G trong năm 2025; 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tốc độ Gbps tới gia đình, 100% khách hàng có nhu cầu; Samsung phối hợp với nhà mạng để đầu tư trung tâm dữ liệu (DC) quy mô trên 1.000 cổng kết nối, 10MW cho các doanh nghiệp FDI của tỉnh; xây dựng bản sao số điển hình; triển khai ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt; triển khai Trung tâm trải nghiệm ứng dụng 5G; phát triển được các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo…
Theo ông Nguyễn Đức Lộc: 5G sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng thúc đẩy hạ tầng số bởi nền tảng này có tiềm năng trở thành một yếu tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên...
Thực hiện thành công các mục tiêu trên gắn với phát triển nền tảng mạng 5G sẽ tạo nên những động lực thúc đẩy hoạt động, tạo đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của tỉnh Thái Nguyên với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số các ngành, quản trị số và phát triển dữ liệu số theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Theo Thu Hà (Báo Thái Nguyên)