Bắt đầu từ giữa tháng 6, nhiều website phim "lậu" lớn ở Việt Nam đã bất ngờ ngừng hoạt động và không thể truy cập bằng cả máy tính và thiết bị di động.
Tới nay theo ghi nhận, đã có hàng chục website chuyên công chiếu phim lậu đã bị chặn tên miền tại Việt Nam. Gần đây nhất, Vkool - một website phim lậu khá quen thuộc với người dùng Internet tại Việt Nam còn "sót" lại, nhưng đã lọt vào "danh sách đen" và không thể truy cập từ ngày 19/7.
Tên miền của Vkool được đăng ký từ năm 2008, chủ yếu hoạt động như một trang web giải trí tổng hợp. Tới năm 2012, trang này bắt đầu đăng tải các bộ phim không bản quyền, và trở thành một trong những lựa chọn "nhẵn mặt" của người dùng xem phim lậu tại Việt Nam.
Thống kê trên trang Similarweb cho thấy, web phim lậu Vkool có lượng truy cập trung bình chỉ khoảng 1,09 triệu lượt mỗi tháng, thấp hơn rất nhiều so với những trang thuộc dạng "top" (truy cập bình quân lên tới 38 triệu mỗi tháng).
Điều này cho thấy các cơ quan quản lý và nhà mạng đã bắt đầu xử lý đến nhưng cái tên dù là nhỏ nhất trên thị trường, với quyết tâm làm "sạch bóng" các trang web xem phim lậu, vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình.
Theo ghi nhận của Dân trí, một số trang web phim lậu sau khi bị chặn, đã liên tục đối phó bằng cách thay đổi tên miền - điển hình như thêm vào các ký tự mới, nhằm tiếp tục duy trì và kiếm lời từ tiền quảng cáo.
Ngoài ra, cũng có một số trang web vẫn có thể được truy cập bằng bản mobile, hoặc chỉ cần sử dụng các công cụ như VPN, người dùng vẫn vào được trang và xem phim bình thường.
Tuy nhiên, lượng truy cập các trang này đều bị sụt giảm nghiêm trọng do những phiền toái trong khâu truy cập để xem nội dung.
Việc "chấn chỉnh" lại các web xem phim "lậu" từ lâu là một hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho các ekip làm phim, những người bỏ tiền, các dịch vụ xem phim trả phí, và chất xám ra để làm nên những tác phẩm nghệ thuật cần được trả phí.
Trong khoảng từ 5 - 7 năm trở lại đây, các website phim lậu nổi lên tại Việt Nam với lượng người xem đông đảo, và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng OTT trong nước.
Được biết, hầu hết các dịch vụ này sử dụng máy chủ với chi phí không cao từ Google, Facebook hay Openload để lưu trữ các bộ phim không bản quyền, sau đó trình chiếu dưới dạng streaming, gắn kèm mọi hình thức kiếm tiền như gắn banner, pop-up, chèn quảng cáo,...
Mặc dù cơ quan chức năng đã bỏ không ít công sức, thậm chí kết hợp cùng Google, Facebook để ngăn chặn, nhưng với muôn vàn cách "lách luật", các kênh phim "lậu" vẫn ngang nhiên "sống tốt", và kiếm hàng trăm triệu doanh thu từ tiền quảng cáo mỗi tuần, và lên đến cả tỷ đồng mỗi tháng.
Theo Dantri
Web phim lậu liệu có biến mất tại Việt Nam?
Việc ngăn chặn các web phim lậu đang ít nhiều mang lại hiệu quả ban đầu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cứ mỗi khi có một trang web phim lậu “chết” đi, ngay lập tức sẽ xuất hiện một website khác thay thế.