Hiện nay, DNVVN chiếm khoảng 97% tổng số DN của nước ta, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, tăng thu ngân sách… Số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, khối DNVVN đóng góp gần 50% GDP; số tiền thuế và phí nộp cho Nhà nước chiếm hơn 30% vào tổng số thu ngân sách; chiếm khoảng 31% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung...

Thời gian qua, Chính phủ, NHNN và các ngân hàng đã có những động thái hỗ trợ DNVVN về mặt chính sách, nguồn tài trợ vốn ưu đãi, mặt bằng sản xuất, xúc tiến mở rộng thị trường... DNNVV được xem là một trong năm lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, nhờ đó kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực. Đồng thời, giúp cộng đồng DN nói chung, DNNVV nói riêng vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

cnht 2022 kim sen le anh dung 934.jpg

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần, với mức từ 0,5 - 1,5%. Tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7 - 0,8%, lãi vay giảm từ 1 - 1,2%. Các ngân hàng thương mại đã công bố mức giảm rất sâu. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa quyết định nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại lên tới 14%.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tiếp cận vốn ở các ngân hàng đang ngày càng thuận lợi và lãi suất đã thấp hơn nhưng thực tế cho thấy, vẫn có nhiều doanh nghiệp không mặn mà, bởi không biết sẽ sử dụng vốn vay vào đâu cho hiệu quả.

Hiện đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh có trả nợ được không. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp ngân hàng mời vay nhưng không có nhu cầu vì cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng thấp.

Thực trạng này đã được thể hiện khá rõ khi tín dụng 6 tháng đầu năm tăng trưởng chậm, đến ngày 27/6, tín dụng tăng 4,03%. Trong khi kế hoạch tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay khoảng 14 - 15%. 

Theo các chuyên gia tài chính, tăng trưởng tín dụng thấp làm cho cung tiền chậm lại. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ đại dịch COVID-19. Nguyên nhân khiến cung tiền tăng chậm, một phần do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp. Mặt khác, do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh.

Thông thường hạ lãi suất lẽ ra tín dụng phải tăng nhưng thực tế hiện nay đang xảy ra tình trạng tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng khác thường về tín dụng so với các năm, Phó thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra rằng do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, suy giảm; cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp nên cầu tín dụng không thể tăng cao. Mặt khác, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa sôi động lại, vẫn vướng cả dự án thương mại lẫn nhà ở xã hội dù ngành ngân hàng đã rất quan tâm đẩy mạnh tín dụng bất động sản.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng vào kinh doanh bất động sản, trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 14% cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để tăng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

Hồng Liên và nhóm PV, BTV