Tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định), kết quả rà soát cuối năm 2023 cho thấy tỷ lệ hộ nghèo còn 2,25% (149 hộ), giảm 0,60% so với năm 2022 và 103 hộ cận nghèo (1,56%). Xã còn 148 hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Cũng theo rà soát, xã có 110 hộ thiếu chỉ số về việc làm, 38 hộ thiếu chỉ số nhà ở (diện tích nhà ở bình quân đầu người), 149 hộ thiếu chỉ số về bảo hiểm y tế...

Tại xã Phước Sơn hiện có 21 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và mới thoát cận nghèo tham gia Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 24/10, UBND xã Phước Sơn phối hợp với Tổ cộng đồng tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nuôi bò cho 21 hộ này.

Tại buổi tập huấn, các hộ được nghe cán bộ Trung tâm Khuyến nông huyện Tuy Phước giới thiệu về cách chọn giống bò cái sinh sản đạt hiệu quả cao; phương pháp chọn thức ăn để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bò như: thức ăn thô xanh, thức ăn tinh; kỹ thuật nuôi dưỡng bò mang thai; kỹ thuật làm chuồng trại thoát mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Bên cạnh đó các hộ chăn nuôi còn được hướng dẫn về các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa và điều trị một số bệnh thường gặp ở bò; thường xuyên phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin tụ huyết trùng, long mồm lở móng, viêm da nổi cục định kỳ 6 tháng 1 lần, cách phòng xử lý khi bò mắc bệnh...

Buổi tập huấn cũng tạo điều kiện cho bà con hưởng lợi từ dự án trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi; đồng thời giải đáp các thắc mắc về các loại dịch, bệnh trên đàn bò; giúp các hộ chăn nuôi bò có thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc bò cái sinh sản. Điều này sẽ góp phần phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con chăn nuôi.

W-giam ngheo.jpg
Nhiều hộ dân nghèo, cận nghèo được trao sinh kế, hỗ trợ đào tạo nâng cao kiến thức về cách nuôi trồng nông nghiệp để vươn lên thoát nghèo.

Nửa đầu năm 2024, 22 hộ nghèo, cận nghèo và hộ khuyết tật của xã Phước Sơn cũng được tham gia Dự án Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm. Mỗi hộ được trao 4 con lợn giống, ngoài ra còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thức ăn, hướng dẫn thực hiện dự án.

Trước khi triển khai, Dự án đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho 22 hộ thụ hưởng tham gia, giúp người dân củng cố kiến thức, nắm vững các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi mới để áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế.

Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, sau 3,5 tháng nuôi, xuất chuồng, lợn đạt trọng lượng bình quân 70 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận từ 1 đến 2 triệu đồng/con.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước về sinh kế, các hộ tham gia dự án có thêm động lực, tuy lợi nhuận chưa cao nhưng phần nào giúp các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Từ lợi nhuận ban đầu thu được, hiện nay các hộ tiếp tục tái đàn, lợn đang phát triển tốt.

Để giúp các hộ nghèo, cận nghèo xã Phước Sơn có thêm kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi nông nghiệp, mới đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định, Phòng LĐTBXH huyện Tuy Phước phối hợp với UBND xã và Hội Nông dân xã Phước Sơn tổ chức lớp đào tạo trình độ sơ cấp nghề Trồng rau an toàn.

Tổng cộng có 35 học viên là người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo ở 10 thôn trong xã Phước Sơn tham dự lớp đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Các học viên được trang bị kiến thức trồng, chăm sóc các loại rau an toàn, quy trình khép kín về trồng rau các nhóm như: rau ăn lá, ăn quả, ăn củ..; hướng dẫn về kỹ thuật làm đất, bón phân, trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại, thu hoạch và bảo quản sản phẩm cây rau đảm bảo hiệu quả, an toàn và bảo vệ môi trường.

Học viên cũng được đào tạo cách tổ chức sản xuất trồng rau an toàn có hiệu quả, góp phần cung cấp rau an toàn cho người sử dụng, đảm bảo sức khỏe, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình nông hộ và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Với các lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, Trung tâm đào tạo hỗ trợ học phí.