Sáng nay, ông Trần Công Ân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), cho biết, đã có kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong hũ pate Minh Chay mà 3 người ở tỉnh này ăn và bị ngộ độc.
Sau khi ăn pate Minh Chay, 3 người ở Quảng Nam bị ngộ độc thực phẩm
Theo ông Ân, ngày 27/8, chị L.T.V.K. (sinh năm 1990, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) được một sư cô ở xã Điện Hồng (thị xã Điện Bàn) cho một hũ pate Minh Chay.
Chiều đó, chị K. làm 2 ổ bánh mỳ sử dụng pate Minh Chay cho mọi người ăn gồm: chị K., bà V.T.H. (sinh năm 1955, trú thị xã Điện Bàn) và em N.T.N. (sinh năm 2005, trú TP Hội An). Ngoài ra, chị K. còn sang hũ pate ra cho một số người khác đem về nhà.
Lúc 13h45 ngày 1/9, chị K. và bà H. mệt, khó thở, sụp mí, đau họng, yếu cơ, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức.
Đến tối 2/9, em N.T.N. cũng được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức với tình trạng sức khỏe như 2 bệnh nhân trên.
Hũ pate Minh Chay mà 3 bệnh nhân đã ăn trước khi bị ngộ độc
Ngành Y tế Quảng Nam đã tiến hành lấy mẫu sản phẩm trong hũ pate Minh Chay mà các bệnh nhân đã ăn để gửi ra Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.
Kết quả kiểm nghiệm phát hiện có vi khuẩn Clostridium botulinum trong hũ pate Minh Chay mà 3 người trên đã ăn. Hiện Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đang tiếp tục xác định tuýp chủng vi khuẩn.
“Như vậy, 3 bệnh nhân này đã bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay có vi khuẩn Clostridium botulinum. Qua điều trị, cả ba bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, bệnh nhân V.T.H. đã xuất viện. Đối với 2 bệnh nhân còn lại, do người nhà lo lắng nên đã chuyển cả 2 ra bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục điều trị”, ông Ân cho hay.
Lê Bằng
Thuốc giải 8.000 USD được truyền cho bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay
Sau khi ăn pate Minh Chay và nhiễm độc botulinum, ông D. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu và phải thở máy. Hiện ông vừa được truyền thuốc giải độc bolutinum.