>> Foxconn và những chiếc iPhone nhuốm máu
Cuối tuần trước, một người đàn ông 31 tuổi sau khi hoàn thành xong ca đêm của mình tại một dây chuyền lắp ráp iPhone đã trèo lên nóc tòa nhà sản xuất L03 của công ty Foxconn Technology Group và gieo mình xuống đất. Nạn nhân tử vong ngay lúc đó. Anh mới bắt đầu công việc tại đây một tháng trước.
Ngày hôm sau, 19/8, một công nhân nữa của Foxconn bị tàu hỏa đâm chết. Cơn mưa nặng hạt đã khiến hầm đi bộ bị ngập và nữ công nhân này buộc phải trèo qua hàng rào, xuyên qua đường xe lửa để đến chỗ làm.
Hai nạn nhân thiệt mạng đều đến từ chi nhánh Foxconn tại Trịnh Châu, nơi công ty đặt dây chuyền sản xuất chính cho những chiếc iPhone. Đối với 10.000 nhân công trong phân xưởng này, đây là những tuần cực kỳ bận rộn bởi chẳng mấy ngày nữa, chiếc iPhone thế hệ tiếp theo của Apple sẽ ra đời. Cái chết của họ nhắc cho chúng ta nhớ đến những áp lực, độc hại mà các công nhận này phải chịu khi làm việc tại nhà máy, cánh cửa duy nhất giúp những người này vươn từ tầng lớp nghèo lên trung lưu.
Một nhân viên của Foxconn từng hỏi: “Vì sao những người nhảy lầu tự tử luôn là các nhân viên mới vào làm?”. Các vụ tự tử thỉnh thoảng xuất hiện tại nhà máy của Foxconn, phản ánh cuộc sống bấp bênh của các lao động nhập cư Trung Quốc, những người thiếu tiền và thiếu khả năng xử lý các vấn đề cá nhân.
Foxconn bày tỏ lời chia buồn đến cái chết của công nhân tại tòa nhà của hãng và cho biết hãng đang phối hợp với cảnh sát để điều tra nguyên nhân vụ việc.
Apple cũng cho biết công ty sẽ tìm kiếm thêm thông tin về những vụ thiệt mạng xảy ra vào tuần trước và đồng thời khẳng định lại những cam kết của công ty đối với các công nhân trong dây chuyền sản xuất.
Gã khổng lồ xứ Cupertino cho biết: “Các phân xưởng tại Trịnh Châu và khắp toàn bộ chuỗi phân phối của chúng tôi đều được cung cấp các chương trình hỗ trợ nhân viên, được thiết kế kết hợp với Apple và dành cho mọi công nhân, giúp họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội và người cố vấn bất cứ khi nào họ cần”, Apple khẳng định trong một thông báo.
Công ty cho biết thêm: “Chúng tôi liên tục giám sát điều kiện làm việc để đảm bảo rằng những điều kiện này đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe và chúng tôi sẽ điều tra vụ việc tại Trịnh Châu”.
Hai cái chết vừa qua là những điều rất nhiều nhân công tại Foxconn nghĩ đến khi trả lời phỏng vấn cuối tuần vừa rồi. Họ rất nóng lòng muốn biết chi tiết về vụ tự tử mà theo họ là xảy ra đúng vào lúc các công nhân ở đây phải chịu nhiều áp lực nhất bởi cả phân xưởng đang tăng tốc chuẩn bị cho những chiếc iPhone sắp ra đời.
Vài năm trước, các công nhân đã cho biết Foxconn lạm dụng quyền tự do làm thêm giờ để đảm bảo các dây chuyền sản xuất lúc nào cũng kín nhân công. Nhưng họ cũng cho rằng Foxconn hiện nay đã tỏ ra khéo léo hơn và cho phép chỉ các công nhân mới có thể thuê công nhân khác đủ điều kiện để làm thêm giờ mà thôi. Theo họ, điều này sẽ khiến những công nhân gặp khó khăn khi kiếm người làm thêm cho mình bởi nếu không có tiền làm thêm giờ thì công nhân cũng chẳng đủ sống.
Một nhân viên Foxconn làm việc trong bộ phận tuyển dụng cho biết: “Đây không phải là vấn đề lớn trong các năm trước khi nhiều người muốn làm việc tại Foxconn. Nhưng mọi người giờ đã biết rằng công việc này không được trả thù lao nên rất khó để thuê bạn bè làm hộ”.
Tiền làm thêm giờ không đươc trả nữa nên các công nhân Foxconn chỉ có thể nhận về khoảng 211 USD/tháng (1.400 tệ) sau khi bị trừ các khoản chi phí liên quan đến tiền ăn, tiền ở, một công nhân cho biết. Tiền làm thêm giờ có thể bằng gấp đôi chỗ đó, nhưng thậm chí số tiền họ kiếm được cũng không bằng so với vài năm trước khi iPhone đang bùng nổ.
Các công nhân cho biết, đồng nghiệp của họ, những người không thể thuyết phục bạn bè của mình tham gia vào việc làm thêm giờ đã buộc phải trả 200 tệ cho mỗi người lạ để làm việc cho họ ngoài giờ.
Một công nhân 26 tuổi có họ là Zhao cho biết: “Đây là áp lực với các công nhân, đặc biệt là những người đã lập gia đình. Nếu bạn không thể kiếm được tiền làm thêm giờ, bạn chẳng có gì cả”.
Foxconn chưa trả lời các câu hỏi liên quan đến chính sách tuyển mộ của mình.
Foxconn cũng là một công ty rất “nhạy cảm” trong vấn đề tự tử. Năm 2010, các nhà máy tại Trung Quốc của hãng từng gặp vô số rắc rối khi hàng loạt công nhân trong công ty liên tục tự tử. Công ty cho rằng số người tự tử nhiều như vậy là do quy mô công ty lớn chứ không phải do áp lực.
Apple cũng lên tiếng về những vụ việc này và cho biết Foxconn sẽ tiến hành các biện pháp hạn chế làm thêm giờ và cử một nhóm kiểm toán tới Foxconn đề xem xét tình hình. Hiện Apple cũng chưa đưa ra bình luận.
Người công nhân qua đời do trèo qua đường ray tàu hỏa là cô Cheng Huifang. Cô tỉnh dậy vào tối thứ 6 để chuẩn bị cho ca làm đêm giữa trời mưa như trút nước, theo một người sống cùng làng với vợ chồng cô tại Gangsun. Làng ở gần khu đường ray xe lửa dẫn tới Foxconn và trong nhiều năm qua, cặp vợ chồng này không muốn dọn nhà đến các khu ký túc xá của Foxconn mà lựa chọn sống tại ngôi làng.
Ngày thứ 6 vừa rồi, con đường đi bộ xuyên qua đường ray bị ngập. Để đi làm cô công nhân này đã phải trèo qua hàng rào và đi xuyên qua đường ray. Cô Cheng hiển nhiên đã không nhìn thấy đoàn tàu đang đi đến. Ngay khi vượt qua đường ray, cô đã bị tàu đâm trúng và tử vong.
Bên ngoài nhà máy Foxconn, những nhân viên tuyển dụng mặc bộ vest đỏ vẫn hô vang khẩu hiệu: “Hãy gia nhập Foxconn và sống cuộc sống của tầng lớp trung lưu!”.