Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân tăng, mức sống đang dần được cải thiện. Việt Nam lại là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi đi làm, thu nhập ổn định, rất tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa. Lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa gắn với công năng lưỡng dụng vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng.
Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, tính đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019); số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019).

Trong giai đoạn 5 năm 2017 - 2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm. Có thể thấy thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ nội địa là một điểm sáng.
Với phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng như với mong muốn tạo ra những “Sản phẩm Việt cho người Việt”, đặc biệt là tiết giảm chi phí, trong đó có phí Interchange phải trả các tổ chức thẻ quốc tế, ngoài sản phẩm thẻ thấu chi, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NHNN, sự hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật của Napas, sau một thời gian nghiên cứu, phát triển, từ đầu năm 2022, Agribank đã chính thức triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa “Lộc Việt” với các tiện ích vượt trội.
Nỗ lực này của tổ chức phát hành thẻ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.
Tuyết Nhung, Anh Dũng, Duy Tuấn