Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hết tháng 3/2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa; số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%).
Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch, giá trị đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), sản phẩm thẻ tín dụng nội địa có nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế.
Cụ thể, thẻ tín dụng nội địa ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa của NHNN và tiêu chuẩn quốc tế EMV có tính an toàn, bảo mật cao, hạn chế rủi ro, gian lận, giả mạo cho chủ thẻ; Thủ tục mở thẻ dễ dàng, chi phí phát hành và thanh toán thấp;
Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ, thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện...
Mức phí không phải là rào cản
Vấn đề được người dùng quan tâm là mức độ an toàn cũng như cách tính phí của các TCTD đối với thẻ nội địa.
Thực tế, phí và lãi suất không phải là rào cản với thẻ tín dụng nội địa, vì giá và phí của thẻ tín dụng nội địa ít và thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trung bình mỗi năm, MasterCard và Visa thu từ một ngân hàng Việt Nam khoảng 270 loại phí, trong khi số loại phí của thẻ tín dụng nội địa thấp hơn nhiều.
Ngoài ra, phí duy trì thường niên của thẻ tín dụng quốc tế dao động từ 299.000 đồng đến 2 triệu đồng cho nhóm thẻ phổ thông, có thể lên tới hàng chục triệu đồng cho nhóm thẻ ưu tiên. Trong khi, phí thường niên của thẻ tín dụng nội địa chỉ từ 150.000-300.000 đồng cho các hạng thẻ khác nhau.
Các chi phí để sử dụng dịch vụ, sản phẩm của thẻ tín dụng nội địa cũng ít hơn so với thẻ tín dụng quốc tế. Phí tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng quốc tế dao động từ 2% đến 4% trên số tiền vượt hạn mức, thì đối với thẻ tín dụng nội địa, phí này chỉ rơi vào khoảng 0,075%. Phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng nội địa là 1%, so với mức trung bình của thẻ tín dụng quốc tế là 3%.
Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT - lấy ví dụ về việc thẻ tín dụng trở nên nóng bỏng và xôn xao dư luận vừa qua bắt nguồn từ sự vụ liên quan đến khoản nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm bỗng chốc biến thành khoản nợ khủng phải thanh toán lên đến 8,8 tỷ đồng đối với một khách hàng của Eximbank.
Dù lãnh đạo ngân hàng này cho hay sẽ lập tức làm rõ và xoa dịu trên truyền thông, nhưng vẫn không thể ngăn được “trào lưu” hủy hàng loạt thẻ tín dụng, kéo theo nhiều ngân hàng khác cũng bị vạ lây.
Sự thiếu hụt về kiến thức tài chính của người Việt
Ông Huấn phân tích, qua câu chuyện trên, cần hiểu thêm về thói quen chi tiêu cũng như cách nhìn nhận của người Việt về thẻ tín dụng.
Với sự phát triển của thương mại điện tử cũng như các xu hướng phong phú về sản phẩm và dịch vụ trên thị trường, đa số người trẻ ngày càng cởi mở hơn về thói quen chi tiêu và trải nghiệm cuộc sống.
Số liệu về phân bổ chi tiêu trong các gia đình trung lưu, do FIDT thực hiện trên 300 khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu, cho thấy tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập của người trên 35 tuổi cao hơn 10-15% so với người trẻ dưới 35.
Bên cạnh đó, khả năng đón nhận, thích ứng với công nghệ và xu hướng mới tốt hơn cũng giải thích cho việc có đến 89% người trẻ tại các thành phố lớn sở hữu thẻ tín dụng, so với 40% của những người trên 30 tuổi (theo một khảo sát các dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam).
“Như vậy, tác động ngắn hạn từ việc hủy thẻ theo dư âm câu chuyện trên thật ra chủ yếu từ phân khúc người tiêu dùng trung niên. Nó cũng làm rõ thêm nguyên nhân cốt lõi, đó là sự thiếu hụt về kiến thức tài chính của người Việt trong rất nhiều năm qua”, ông Huấn lưu ý.
Theo ông Huấn, từ đó dẫn đến hiệu ứng tâm lý đám đông là tác nhân chính tạo ra việc hủy thẻ hàng loạt, cũng như giải thích cho mức độ tiếp cận thẻ tín dụng còn quá thấp của thị trường Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh thành nhỏ, vùng sâu và ở phân khúc lao động phổ thông, công nhân.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tại nhiều quốc gia, cơ quan quản lý tham gia trực tiếp vào chính sách phí bằng cách NHTW đưa ra khung chính sách về mức trần phí chia sẻ để bảo vệ lợi ích của các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ.
“Nếu chúng ta để thị trường điều tiết, nhiều khi ở tỷ lệ mức bất hợp lý dẫn đến các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ thu phí trực tiếp từ khách hàng bằng cách tính vào giá sản phẩm dịch vụ”, ông Minh nói.
Theo quy định về chính sách phí tại thị trường Việt Nam, Thông tư 19 quy định chỉ các ngân hàng mới được coi là đơn vị chấp nhận thanh toán, trong khi hầu hết các quốc gia khác cho phép đơn vị phát triển chấp nhận thanh toán độc lập nhưng có sự tham gia của ngân hàng trong quá trình quyết toán.
Tổng giám đốc NAPAS đề xuất NHNN ban hành khung biểu phí quy định mức phí sàn và trần, áp dụng cho cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế như cách làm của Malaysia, tránh tình trạng các đơn vị tham gia thị trường phá giá khi cạnh tranh.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần thúc đẩy mạnh hơn thẻ nội địa, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa. Với mức phí hợp lý, thẻ tín dụng nội địa sẽ dễ dàng phát hành hơn so với thẻ quốc tế.
Tuân Nguyễn