Nhất SEA Games, "ngụp lặn" ở Asiad
Thể thao Việt Nam (TTVN) dù đứng đầu SEA Games, đạt được kết quả nhất định ở Asiad và Olympic, nhưng sự phát triển của thể thao thành tích cao nước nhà so với khu vực vẫn gặp những thách thức lớn.
Rõ nhất là ở Asiad 19 vừa diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn TTVN giành 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương. Tính ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, chỉ đứng trên Myanmar (1 HCV), Brunei, Lào, Campuchia và Timor Leste (không có HCV nào).
Ba tấm HCV của Việt Nam thuộc về Phạm Quang Huy (bắn súng), đội tuyển cầu mây nữ và đội tuyển Kata (Karate). Thành tích này giúp đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu (2-5 HCV), nhưng không thể vui khi nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á có bước tiến mạnh ở đấu trường châu lục.
Tương tự là ở đấu trường Olympic, đến thời điểm hiện tại Việt Nam mới chỉ có 1 HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng tại Thế vận hội 2016, trong khi các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều đã có nhiều HCV Olympic.
Từ thực tiễn các kỳ Asiad và Olympic gần nhất, chỉ ra rằng đã tới lúc thể thao thành tích cao Việt Nam nếu không thay đổi cách đầu tư thì khó đi lên trong giai đoạn tới.
Khó vì thiếu tiền
Theo đánh giá của Cục TDTT, những nguyên nhân chính khiến thể thao thành tích cao Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế là do nguồn lực về tài năng VĐV trẻ chưa nhiều; các VĐV tranh chấp thành tích trên đấu trường Olympic và Asiad chưa thực sự đạt và duy trì sự ổn định thành tích, cùng với đó là nguồn HLV nội có trình độ cao còn rất khiêm tốn, thiếu chuyên gia nước ngoài.
Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu thiếu thốn, VĐV thiếu các đợt tập huấn nước ngoài do vấn đề kinh phí, hệ thống thi đấu trong nước thiếu hiệu quả.
Tại Hội nghị, Cục TDTT cũng đưa ra con số chi tiết về kinh phí để thấy ngành thể thao gặp khó khăn như nào trong việc nâng cao thành tích ở các đấu trường quốc tế.
Theo thống kê, kinh phí dành cho thể thao thành tích cao trong năm 2022 là hơn 686 tỷ đồng, còn năm 2023 là hơn 710 tỷ đồng. Số tiền này phục vụ cho toàn bộ các hoạt động như tiền ăn, tiền lương, chế độ, tập huấn trong nước và quốc tế, thuê chuyên gia, dinh dưỡng, thuốc bổ...
Với vô vàn khó khăn, ngành thể thao vẫn phải "giật gấu, vá vai" hướng tới những thành tích cao hơn trong tương lai. Bộ Trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Chúng ta phải trả lời bằng được làm thế nào để TTVN có được thành tích ở sân chơi châu lục và thế giới".
Những giải pháp được đưa ra bao gồm: Quy hoạch, phân môn nhóm thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng cạnh tranh HCV ở Asiad 2026 và Olympic 2024, 2028; Hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả huấn luyện tại các Trung tâm HLTTQG; Chăm lo, cải thiện chế độ, chính sách đặc thù với HLV, VĐV; Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ y học; Đẩy mạnh xã hội hóa; Bảo đảm nguồn lực về tài chính và phát triển kinh tế thể thao.
Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 đưa ra những mục tiêu đáng chú ý tại sân chơi SEA Games, Asiad và Olympic. Theo đó, TTVN giữ vị trí top 3 toàn đoàn, top 2 ở các môn Olympic với đấu trường SEA Games. Với Asiad 20 (Aichi - Nagoya 2026), TTVN phấn đấu giành 5-6 HCV, giành 7-8 HCV tại Asiad 21 (Doha 2030).
Với đấu trường Olympic (2024), TTVN phấn đấu có từ 15-18 VĐV vượt qua vòng loại, ở các môn xe đạp, bắn súng, bơi lội, điền kinh, cử tạ, TDDC, taekwondo, boxing, đua thuyền, bắn cung, cầu lông... Còn tại Olympic 2028 phấn đấu có 20 VĐV vượt qua vòng loại.