Bạn sẽ không tìm thấy lâu đài biết đi, con heo đỏ hay những sinh vật rừng vốn đã thành thương hiệu của Ghibli trong The Red Turtle - bộ phim gần đây nhất mà Studio Ghibli hợp tác sản xuất thậm chí còn chẳng có một lời thoại. Đây cũng là cái bắt tay đầu tiên hãng phim của Nhật Bản này với một đạo diễn châu Âu, đánh dấu sự vận động trong phương thức làm phim của Ghibli.
The Red Turtle là câu chuyện về một người đàn ông sống trên hoang đảo được kể bằng ngôn ngữ trực quan. Phong cách của đạo diễn người Hà Lan Michael Dudok de Wit đã chiếm được cảm tình từ những nhà sản xuất của Ghibli với các phim ngắn của mình, tiêu biểu như Father and Daughter năm 2000. Trong một email được gửi đi, nhà sản xuất của Ghibli là Toshio Suzuki đã viết thế này: “Bộ phim (Father and Daughter) là cái nhìn về cuộc sống thông qua những mất mát. Có gì đó rất Á Đông đối với tôi qua góc nhìn như thế.”
Đặc trưng của các phim Ghibli
The Red Turtle” không có một lời thoại nào trong suốt thời lượng phim.
Có lẽ không hình ảnh nào khắc họa được tất cả những đặc tính của một phim Ghibli đậm nét như cảnh phim trích trong My Neighbor Totoro của đạo diễn Hayao Miyazaki năm 1988. Ở đó tề tựu tất cả những gì mà người hâm mộ yêu mến: từ tính phiêu lưu, sự xuất hiện của những sinh vật đầy sáng tạo với một bảng màu rực rỡ.
Trong cuộc điện thoại phỏng vấn từ đầu dây ở London, đạo diễn Dudok de Wit không giấu diếm sự kính phục của mình đối với Ghibli và thừa nhận mình là một fan của hãng phim: “Ngưỡng vọng lớn lao cho thiên nhiên và con người của họ được phản ánh trong các bộ phim. Bên cạnh đó, thông qua trí tưởng tượng của trẻ nhỏ, các phim Ghibli cũng đồng thời nói lên những vấn đề xã hội - kết nối với tư tưởng của khán giả trưởng thành.”
So với hoạt hình phương Tây, những nhân vật của Ghibli hiện lên với vẻ chấm phá, đồng điệu với thứ ngôn ngữ cơ thể xứ Phù Tang. Mặc dù không tỉ mỉ và chi tiết, nhưng bù lại thì chúng có được sự mềm mại từ kĩ năng vẽ điêu luyện của các họa sĩ. Đặc biệt hơn, thế giới của Ghibli thường có cái nét đẹp đặc trưng của diễn họa màu nước.
Nhưng những nhà sản xuất của Ghibli không đòi hỏi đạo diễn Dudok de Wit phải đưa phong cách Nhật Bản vào tác phẩm của mình. Thực tế, Dudok de Wit đã dựng The Red Turtle mà không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ các phim hoạt hình Nhật Bản. Các cảnh phim được thực hiện từ đội ngũ của một studio Pháp mang tên Prima Linea.
The Red Turtle và sự cách tân của một đạo diễn châu Âu
Cái bóng đổ và cảnh phim mang tính biểu trưng trong phim “The Red Turtle”
Từ những phim ngắn đầu tay như Tom Sweep (1992) cho tới Father and Daughter (2000) hay The Aroma of Tea (2006), phong cách của đạo diễn Dudok de Wit luôn hiển hiện trong từng hình ảnh chuyển động của nhân vật. Ngay cả khi chuyển từ phim hoạt hình sang vẽ truyện, làm phim, sản xuất quảng cáo… người xem vẫn có thể tinh ý nhận ra phong cách thống nhất của vị đạo diễn người Hà Lan này. Cảnh phim người đàn ông bước lên bãi cát với cây lao trong tay và những đợt sóng trong vắt tấp vào bờ trong The Red Turtle bắt lấy một trong những “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các tác phẩm của Dudok de Wit.
Đó là sự nhấn mạnh vào hình ảnh cái bóng đổ, tạo ra một bầu không khí đặc biệt bao quanh nhân vật. Đó còn là việc cô lập nhân vật của mình bằng cách chú trọng vào các thi tiết của môi trường xung quanh. Cụ thể trong The Red Turle, anh chàng nhân vật chính đáng thương luôn bị lấn át bởi thiên nhiên của hoang đảo, bị chìm lấp trong cái choáng ngợp của trời mây, biển cả.
Nhà sản xuất nghệ thuật của Studio Ghibli là Isao Takahata tìm thấy nhịp đập chung giữa những khung hình của Dudok de Wit với các bức họa thiền. Nhà làm phim người Nhật Bản đã bị ấn tượng bởi phong cách của vị đạo diễn, khi chỉ bằng các nét vẽ đơn giản về một người đàn ông trong khu rừng cũng đủ để đem lại cảm giác trống trải vô cùng cho người xem.
Vẻ đẹp của sự tối giản còn đến từ một bảng màu đơn sơ của The Red Turtle. Đạo diễn Dudok de Wit chia sẻ: “Tôi thích những bộ phim đơn sắc. Nó đem đến hình ảnh với độ thuần khiết và đơn giản tới mức hấp dẫn.” So với các phim ngắn trước đây từng đạo diễn, The Red Turtle cần được dựng ở quy mô lớn hơn với núi non, rừng và biển. Thế nhưng Dudok de Wit vẫn muốn tiết chế bảng màu của phim ở mức tối thiểu. Ông yêu cầu các họa sĩ chỉ sử dụng một đến hai màu chính và tạo ra các sắc độ khác nhau: “Giống như ngoài đời thực, có những ngày mọi thứ đều thành màu xám vì bầu trời đầy mây mù, tôi thấy chúng thật đẹp đẽ.”
Kaito