Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn thế nào là hàng hóa “made in Viet Nam” sau vụ việc Asanzo bị truyền thông, báo chí quy kết nhập hàng Tàu về lắp ráp và gắn mác Việt Nam. Những tiêu chuẩn này, nếu còn thiếu vắng trong các văn bản pháp luật, có thể đặt hàng chục ngàn doanh nghiệp Việt Nam vào rủi ro mất bạn hàng, mất khách hàng, bị tẩy chay và thậm chí dẫn đến phá sản.

Hơn 10 năm trước, câu hỏi thế nào là hàng “made in Viet Nam” từng được các chuyên gia đặt ra, và họ cho rằng, để được gọi là hàng Việt Nam, cần phải đạt các tiêu chí như phải được sản xuất trong nước (có nhà máy trong nước); và có phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đạt tỷ lệ nhất định do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam quy định tùy theo từng chủng loại và điều kiện cụ thể. Tất nhiên, những gợi ý này mới chỉ dừng lại ý tưởng.

Cho đến năm 2017, khi Nghị định 43 về nhãn hàng hóa được ban hành, các quy chuẩn, tiêu chí vẫn không được làm rõ. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: “Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về việc thế nào là hàng hóa sản phẩm của Việt Nam, thế nào là hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam”.

{keywords}
Thế nào là ‘Made in Viet Nam’ chưa được quy định rõ trong các văn bản pháp luật.

Trong khi đó, bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc đã mang đến những thay đổi chưa từng có về chuỗi sản xuất, về cung ứng phụ tùng và nguyên liệu và dịch chuyển giá trị trong các sản phẩm và dịch vụ. Một chiếc iphone, đôi giầy Adidas, một chiếc TV Samsung, mà nguyên liệu và linh kiện làm nên chúng có xuất xứ từ nhiều quốc gia, thì được coi là “made” ở đâu?

Ngay trong hiệp định thương mại tự do ASEAN, mà Việt Nam là thành viên, có các quy định về hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa. Ví dụ, để cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D lưu hành trong thị trường ASEAN thì hàng hóa phải đáp ứng tỷ lệ 40% hàng hóa được sản xuất trong ASEAN chứ không phải sản xuất trong Việt Nam.

Quy định như vậy thật khó để các chính phủ ASEAN xác định tỷ lệ, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Ông Hải, Bộ Công thương nói: “Chúng ta vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc xác định tỷ lệ hàng hóa như thế nào thì được coi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam”. Hiện nay, Bộ này đang soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào là hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

Như vậy, câu chuyện thế nào là “made in Viet Nam” là chưa có câu trả lời rõ ràng xét về các quy định luật pháp lien quan.

Trong khi đó, thực tiễn thì vô cùng sinh động và luôn có cái lý của nó.

Bạn tôi, môt chuyên gia từng có nhiều năm tham gia đàm phán các FTA của Việt Nam kể, có doanh nghiệp ở Bình Phước sang Phú Két, Thái Lan mua giống điều, và trồng ở Lào vì thổ nhưỡng ở đây cho chất lượng tốt nhất. Sản phẩm thô được đưa về Việt Nam chế biến, rồi bán ra thị trường và xuất khẩu. Như vậy, rõ ràng, đối chiếu với các quy định về hàm lượng giá trị gia tăng thì không thể nói đó là sản phẩm của Việt Nam nhưng hàm lượng chất xám mà người Việt Nam đổ vào đó lại rất nhiều. “Vậy nên đừng quá đặt nặng vấn đề sản phẩm đó phải có nguồn gốc hoàn toàn ở Việt Nam. Quan trọng nhất là giá trị thu lại được”.

Trong một buổi tọa đàm chuyên đề “Thế nào là hàng hóa “Made in Viet Nam” do CLB Café Số tổ chức gần đây, vị chuyên gia này được các phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến sự việc của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, điện máy như Asanzo, Sunhouse đang bị cơ quan truyền thông quy kết “bán hàng Tàu đột lốt hàng Việt”, trong khi Chủ tịch Asanzo là ông Phạm Văn Tam vẫn khẳng định Asanzo tuân thủ đúng quy định dán nhãn xuất xứ hàng hóa của Việt Nam) thì nên hiểu như thế nào?

Vị chuyên gia giải thích, các quy tắc ghi xuất xứ hàng hóa có nhiều quy định khác nhau, các FTA khác nhau có những quy tắc khác nhau; do đó việc ghi quy tắc xuất xứ hàng hóa có thể được áp dụng rất linh hoạt.

Chuỗi cung ứng hiện nay cho rất nhiều sản phẩm đã được khu vực hóa, toàn cầu hóa chứ không còn đơn lẻ ở một quốc gia như trước. “Vì thế, trong chuỗi sản xuât toàn cầu như hiện nay, việc ghi xuất xứ hàng hóa do doanh nghiệp tự xác định, dựa trên quy tắc công đoạn cuối cùng sản xuất ở đâu thì có thể được ghi “Made in” ở đó”. Hơn nữa, đối với một sản phẩm không được xuất khẩu, chỉ tiêu thụ trong nội địa thì nhà sản xuất không cần phải xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), cũng như xác định sản phẩm đó có vượt qua quy trình sản xuất hàng hóa đơn giản hay không.

“Như trường hợp của Asanzo, hiện công ty này có hai nhà máy lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng ở Việt Nam. Giả sử phần lớn hoặc toàn bộ linh kiện được nhập khẩu từ nước khác, Asanzo chỉ hoàn thành công đoạn sản phẩm cuối cùng ở Việt Nam thì dán nhãn “Made in Vietnam” là hoàn toàn được”.

“Đừng bao giờ đặt vấn đề nguồn nguyên liệu đến từ đâu, mà chỉ cần xem công đoạn cuối cùng làm ra sản phẩm ở đâu. Không chỉ mặt hàng điện tử, mà các ngành hàng khác có mã HS từ chương 83 trở đi như ô tô… đều áp dụng nguyên tắc cho phép nhập khẩu nguyên liệu từ bất cứ đâu, thậm chí nhập khẩu nguyên liệu toàn bộ, chỉ cần trong quá trình cho ra sản phẩm cuối đủ điều kiện để chuyển đổi mã HS", bà nói.

Luật sư Trần Ngọc Trung, Công ty Luật Baker & McKenzie, bổ sung: Nếu căn cứ theo Hiệp định Asean - Trung Quốc thì Asanzo được ghi xuất xứ Việt Nam vì theo cam kết trong Hiệp định này, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, nhưng sản phẩm cuối cùng sản xuất ở Việt Nam vẫn có thể được phép ghi “Made in Vietnam”. Asanzo có thể áp dụng quy tắc về xuất xứ theo căn cứ Hiệp định Asean Trung Quốc để ghi "Made in Vietnam" là điều có thể được phép và không hề sai.

“Tôi thấy, ở góc độ người tiêu dùng cũng cần có bài học rút ra. Khi doanh nghiệp phát triển đến quy mô như thế, chưa biết họ sản xuất thế nào, nhưng nếu họ lừa dối khách hàng, thì tôi nghĩ họ không thể tồn tại được. Họ có thể dán nhãn nhưng nếu sản phẩm của họ không có chất lượng thì sản phẩm đó không thể tồn tại được trong nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh như thế này. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm này hay sản phẩm khác nếu có uy tín. Bên cạnh đó, yếu tố thương hiệu là sống còn để họ tồn tại, doanh nghiệp không dại gì bán sản phẩm kém chất lượng để sau đó bị người tiêu dùng quay lưng lại”, ông nói.

Câu chuyện này có rất nhiều điều phải rút ra. Hệ thống pháp luật hiện nay còn thiếu vắng nhiều quy định thế nào là hàng hóa “Made in Viet Nam”, trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu đã phát triển đến mức hoàn toàn khác trước đây. Nếu truyền thông chỉ khơi gợi lòng tin về chủ nghĩa dân tộc thì sẽ dẫn đến cực đoan, và người hại nhất không phải là một doanh nghiệp, mà là hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác có quy trình sản xuất tương tự. 

Tư Giang