Báo cáo của Bộ NN-PTNT, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực, gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đó, xuất khẩu gạo năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,1% về lượng và  16,3% về giá trị so với năm 2017. Nguyên nhân chính do Việt Nam đã chuyển đổi cơ cấu giống, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm gần 80% gạo xuất khẩu, vì vậy nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 452 USD/tấn năm 2017 tăng lên 502 USD/tấn năm 2018, tương đương và có thời điểm còn cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan.

Bộ này cũng cho hay, thị trường lớn nhất xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Theo đó, trong năm 2018, gạo Việt xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,33 triệu tấn, chiếm chưa đến 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta.

{keywords}
Khối lượng gạo Việt xuất sang Trung Quốc ngày càng giảm

Cụ thể, khối lượng xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm 2019 ước đạt 837 nghìn tấn và 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1/2019 đạt 446 USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Song, số liệu mới nhất từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) công bố mới đây cho thấy, trong tháng 1/2019, Trung Quốc không còn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu, thay vào đó Philippines.

Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2019 với 46,7% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1/2019 đạt 222,8 nghìn tấn và 91,2 triệu USD, tăng 53,8% về khối lượng và tăng 41,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, các thị trường khác có giá trị xuất khẩu tăng mạnh có Hongkong (gấp 3,3 lần), Úc (gấp 2,4 lần), Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (tăng 85,5%), Gana (tăng 47,9%).

Đáng chú ý, trước kia Trung Quốc được coi là thị trường gần độc quyền trong tiêu thụ gạo nếp của Việt Nam, nay HongKong là thị trường xuất khẩu gạo nếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 54% tổng khối lượng gạo nếp xuất khẩu của nước ta, còn Trung Quốc chỉ chiếm 20% thị phần.

Theo các chuyên gia trong ngành, mấy năm gần đây, Trung Quốc liên tục tăng rào cản và dần hạn chế nhập khẩu gạo Việt. Bằng chứng, năm 2017 Trung Quốc nhập khẩu 2,29 triệu tấn gạo của Việt Nam (chiếm 38,2% thị phần) thì năm 2018 số lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này chỉ còn 1,33 triệu tấn (chiếm chưa đến 22% thị phần).

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cảnh báo, xuất khẩu gạo tháng 3 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các thị trường lớn của Việt Nam như Philippines và Indonesia chưa có kế hoạch nhập khẩu năm 2019. Theo đó, các doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác ở khu vực châu Phi.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng vừa tăng 5% diện tích sản xuất lúa gạo với mong muốn giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.

Thực tế, do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên giá lúa ở ĐBSCL diễn biến giảm trong bối cảnh thu hoạch vụ Đông Xuân đang vào vụ rộ, riêng giá lúa tại Kiên Giang giảm mạnh nhất.

B.H