Nông sản xuất khẩu giảm mạnh
Theo thống kê mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2 năm 2019 ước đạt 1,93 tỷ USD đưa tổng giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản chủ lực đều giảm mạnh, chỉ mặt hàng thuỷ sản giữ được tốc độ tăng trưởng khi giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm ước đạt 1,11 tỷ USD, tăng 4,4%; mặt hàng xuất khẩu lâm sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,8%; mặt hàng tăng 22,4% về khối lượng và tăng 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018
Bức tranh xuất khẩu của ngành nông nghiệp dịp này ghi nhận sự sụt giảm mạnh của mặt hàng gạo. Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực, gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giá lúa gạo giảm mạnh khiến người nông dân ĐBSCL điêu đứng |
Năm 2018, xuất khẩu gạo năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% so với năm 2017, tăng trưởng mạnh về giá trị. Song, 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1/2019 đạt 446 USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có bứt phá mạnh trong những năm gần đây, thậm chí vượt cả gạo, song hai tháng đầu năm giá trị xuất khẩu rau quả chỉ đạt 584 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Hay như khối lượng xuất khẩu cà phê hai tháng đầu năm 2019 đạt 326 nghìn tấn và 610 triệu USD, giảm 7,5% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2019 đạt 1.765 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Ở mặt hàng điều xuất khẩu cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi khối lượng xuất khẩu giảm 3,1% và giá trị giảm 22,3%. Mặt hàng tiêu cũng giảm tới 20,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Bế tắc đầu ra, chờ giải cứu
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị dẫn đến những mặt hàng này trong nước cũng gặp khó khăn về đầu ra, giá theo đó giảm mạnh.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL diễn biến giảm trong bối cảnh thu hoạch vụ Đông Xuân đang vào vụ rộ, trong đó giá lúa tại Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long giảm mạnh nhất.
Thậm chí ở Long An, người dân còn như ngồi trên đống lửa khi nhiều doanh nghiệp trước đó cam kết thu mua lúa trong nông dân quyết “bẻ kèo”. Lúa thu hoạch bế tắc đầu ra khiến lượng rất lớn lúa đang tồn trên các cánh đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được phía Bộ NN-PTNT nhận định là do các thị trường nhập khẩu truyền thống như Trung Quốc, Philippines chưa mua vào, đặc biệt thị trường Trung Quốc đang xuất hiện nhiều thách thức mới.
Đầu ra bế tắc, chính quyền Gia Lai đang phải tìm cách giải cứu khoai lang cho bà con nông dân (ảnh: Dân Việt) |
Để tháo gỡ tình trạng khó khăn cho người nông dân trồng lúa, vừa qua Chính phủ cũng đã chỉ đạo thu mua 200.000 tấn gạo, 80.000 tấn lúa trong dân. Còn Bộ NN-PTNT cũng phải tổ chức hẳn một hội nghị lớn ở vựa lúa gạo lớn nhất cả nước để tìm đầu ra cho mặt hàng này.
Ở Gia Lai, hiện chính quyền cũng đang phải chỉ đạo ngành nông nghiệp tìm giải pháp, đưa doanh nghiệp xuống đồng giải cứu 700ha khoai lang Nhật (khoảng 14.000 tấn) do không có người thu mua tại huyện Phú Thiện.
Năm ngoái bà con trồng 80ha, năm nay nghĩ giá sẽ lên khoảng 13.000-14.000 đồng/kg nên bà con trồng rất nhiều, bỏ qua khuyến cáo của địa phương. Nếu trong vòng 10 ngày nữa không thu hoạch kịp thì khoai sẽ bị sùng, hư hỏng. Hiện khoai lang đẹp bán ngay tại vườn chỉ đạt 2.000 đồng/kg. Ông Phạm Văn Quyến, Chủ tịch UBND xã Ia Sol (Phú Thiện) cho biết, khoai lang đã tới vụ thu hoạch mà không có người đến thu mua nên người dân rất lo lắng, có hộ phải tự xoay sở, thuê xe chở đi các thành phố lớn để bán dần.
Trước đó, cũng gặp tình trạng giá giảm thê thảm nên ở những thủ phủ hồ tiêu như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,... tiêu chín đỏ trên cành nhưng nông dân không buồn thu hái.
Đáng chú ý, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu còn phải huy động người đến thu hoạch tiêu giúp người nông dân. Tại đây hàng nghìn ha hồ tiêu đang chín rộ nhưng giá cao nhân công thu hái quá, trong khi giá bán tiêu thấp kỷ lục.
Chia sẻ về câu chuyện hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đang sụt giảm mạnh, nhiều chuyên gia trong ngành dự báo 2019 sẽ là năm tương đối khó khăn với ngành nông nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường cũng như giữ được thị phần ở những thị trường truyền thống.
Đơn cử, ở thị trường gạo, ông Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định năm 2019 chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhập khẩu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực. Trong khi đó, các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia đều đã nhập khẩu nhiều trong năm ngoái và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm.
Bên cạnh đó, nguồn cung gạo ra thị trường thế giới ngày càng dồi dào. Trước đây chỉ có Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ sản xuất, xuất khẩu gạo nhưng hiện Campuchia, Bangladesh cũng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.
Trước sự sụt giảm mất hơn 20% về giá trị xuất khẩu của mặt hàng điều, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng cho rằng, 2019 vẫn là một năm thử thách rất lớn cho các nhà máy chế biến và kinh doanh điều. Thời gian tới, giá điều thô có xu hướng đi xuống sâu khi vào vụ.
Bảo Phương