Có thẻ học nghề nhưng cơ sở đào tạo từ chối

Theo quy định hiện hành, bộ đội xuất ngũ được cấp thẻ học nghề trị giá tương đương 12 tháng lương cơ sở (gần 18 triệu đồng), thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp.

the hoc nghe 1.jpg
Năm 2023, Hà Tĩnh có 1.445 công dân nhập ngũ, trong đó 1.200 người vào quân đội và 245 người vào công an. (Ảnh: Hằng Hà Thuận)

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, đặc biệt là đầu năm 2023 đến nay, những thẻ học nghề này không được đón nhận tại các trường dạy nghề ở Hà Tĩnh. Chế độ hỗ trợ học nghề đối với quân nhân xuất ngũ không được giải quyết, dẫn đến nhiều thẻ hết hạn, nhiều quân nhân mất cơ hội.

Trao đổi với PV VietNamNet, anh V.V.Đ. (SN 2001, trú tại Thị xã Hồng Lĩnh) cho biết, đầu năm 2022, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh được xuất ngũ trở về địa phương. Trong khi chờ đợi một công việc mới, anh đã liên hệ các trường dạy nghề ở Hà Tĩnh để đăng ký học lái xe nhưng đều bị từ chối.

“Khi giao nhận quân, lãnh đạo địa phương đã hứa sẽ quan tâm, có chính sách giải quyết việc làm cho quân nhân khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương.

Mặc dù hứa hẹn, động viên là thế, nhưng tôi đã đến gõ cửa mấy trường dạy nghề trên địa bàn Hà Tĩnh, thậm chí ra cả TP. Vinh (Nghệ An) nhưng đều không được giải quyết. Hiện tại, thẻ học nghề của tôi đã hết hạn sử dụng, thiệt thòi vô cùng”, anh V. thất vọng.

Anh V. cũng cho biết, một người bạn gần nhà sau khi xuất ngũ cũng nộp hồ sơ học lái xe ô tô nhưng chờ mãi không được gọi, vì thế đành phải chấp nhận mất quyền lợi, đi xuất khẩu lao động kiếm sống.

W-the-hoc-nghe-2-1.jpg
Từ đầu năm 2023 đến nay, những thẻ học nghề này không được đón nhận tại các trường dạy nghề ở Hà Tĩnh (Ảnh: Trần Hoàn)

Tiền đào tạo chưa được quyết toán

Liên quan đến việc thẻ học nghề của quân nhân xuất ngũ không được đón nhận, một cán bộ Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh cho biết, đơn vị là 1 trong 3 cơ sở tại Hà Tĩnh được giao đào tạo lái xe cho bộ đội, công an xuất ngũ.

Năm 2022, trường đào tạo 5 học viên và đã cấp bằng đầy đủ. Tuy nhiên, hiện tại đã gần hết năm 2023 mà số tiền trên 82 triệu đồng kinh phí đào tạo năm 2022 vẫn chưa được quyết toán.

“Trước đây vào các đợt ra quân, các trường dạy nghề đến tận cổng ban chỉ huy quân sự các địa phương để tư vấn đào tạo lái xe. Đợt ra quân đầu năm nay, có khoảng 50 người đến đăng ký tại trường, nhưng xét thấy không giải quyết được nên chúng tôi phải thông báo cho họ đến nhận lại hồ sơ để tìm nơi khác đăng ký học”, vị cán bộ này thông tin.

Cũng theo vị cán bộ này, đào tạo trực tiếp là "tiền tươi thóc thật", học viên đến đăng ký học là phải nộp học phí, nhà trường mới có tiền để chi trả lương giáo viên, nhiên liệu, hao mòn… Trong khi đó, với đối tượng bộ đội, công an xuất ngũ đến học, nhà trường phải bỏ toàn bộ kinh phí để đào tạo, đến cuối năm mới làm hồ sơ để giải ngân. Việc quyết toán cũng hết sức nan giải khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn.

“Từ năm 2023 không đơn vị nào dám nhận hồ sơ đào tạo bộ đội, công an xuất ngũ vì không quyết toán được tiền hỗ trợ học nghề theo quy định. Do không có khả năng trang trải nên chúng tôi buộc phải từ chối”, vị cán bộ Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh phân trần.

W-the-hoc-nghe-3-1.jpg
Hà Tĩnh có 3 cơ sở đào tạo nghề cho bộ đội, công an xuất ngũ. Tuy nhiên, năm 2023 các đơn vị này không tiếp nhận hồ sơ vì kinh phí đào tạo năm 2022 vẫn chưa được quyết toán. (Ảnh: Trần Hoàn)

“Trường tôi bị nợ 82 triệu đồng là còn ít, năm 2022, một đơn vị khác trên địa bàn đã đào tạo trên 300 học viên với tổng số tiền chưa được giải ngân nhiều tỷ đồng. Việc xoay xở vay mượn để chi trả tiền lương, nhiên liệu, hao mòn… cũng đủ chết rồi”, vị cán bộ này ái ngại.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2022 trên địa bàn Hà Tĩnh có 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho bộ đội, công an xuất ngũ, trong đó có 3 đơn vị chưa được quyết toán với tổng số tiền hơn 6,3 tỷ đồng. Trong đó, Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh đã đào tạo 393 học viên với tổng số tiền còn bị nợ là hơn 6,2 tỷ đồng.

Kỳ 2: Chậm trả kinh phí đào tạo, quyền lợi học nghề của quân nhân xuất ngũ ảnh hưởng