Văn hóa cội nguồn trong ký ức
Ngày 19/7, Trại hè Việt Nam 2023 chính thức khởi động với những hoạt động đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội. Mặc dù buổi sáng trời mưa to, thời tiết gặp nhiều trở ngại nhưng 120 thanh thiếu niên kiều bào rất háo hức và hào hứng khi được tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Tại đây, các thanh thiếu niên kiều bào đã được tìm hiểu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam cũng như kiến trúc đặc sắc của khu di tích này.
Các trại sinh lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Lại Khánh Vy trở về từ Bulgaria bày tỏ cảm xúc khi được trở lại Văn Miếu - Quốc Tử Giám lần thứ 2 sau 10 năm: “Em cảm thấy rất vui, 10 năm trước khi còn sinh sống ở Việt Nam, em từng đến đây với các bạn và cô giáo. Lúc đó em được tham gia nhiều hoạt động và có nhiều kỷ niệm cùng lớp.
Lần này, em quay lại đây cùng những người bạn mới, được tìm hiểu thêm rất nhiều khía cạnh về văn hóa, lịch sử. Em sẽ viết về những địa điểm, những hành trình mình đi qua lên mạng xã hội như một cách lan tỏa và giới thiệu về văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế”.
Theo đoàn thanh thiếu niên kiều bào di chuyển vào dâng hương trong Văn Miếu, tôi gặp Overbeek Gerrit Tim, sinh năm 2006 trở về từ Hà Lan. Tim có bố là người Việt Nam và mẹ là người Hà Lan.
Chàng trai trẻ cho biết, Việt Nam có bề dày văn hóa, lịch sử, mọi người lại thân thiện. Đến với Văn Miếu, em thấy ở đây rất cổ kính, kiến trúc độc đáo và thu hút.
“Em từng về Việt Nam nhiều lần với gia đình, đi nhiều nơi như Hạ Long, TP HCM. Em đặc biệt thích ẩm thực Việt Nam như: Phở, bún chả, nem và một số đặc sản vùng miền. Em chưa nói được nhiều tiếng Việt nhưng sẽ cố gắng học để có thể trò chuyện với người thân ở Việt Nam. Khi tham gia trại hè, ngoài được tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, giao lưu với các bạn kiều bào trẻ như mình, em còn được trau dồi thêm vốn tiếng Việt”, Tim chia sẻ.
Trong khi đó, Trần Hiển Long (Hungary) bày tỏ niềm xúc động khi đặt chân đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. “Từ nhỏ, em được mẹ dạy hát, thơ ca, kể những câu chuyện về Việt Nam nên tình yêu văn hóa, cội nguồn Việt Nam được hun đúc, thấm vào máu thịt em rất tự nhiên.
Ở Hungary em cũng hay tìm hiểu, hỏi mọi người những câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam – một đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa, hấp dẫn và em tự hào về điều đó. Em muốn được biết, được hiểu nhiều hơn về cội nguồn của mình. Em thấy các thành phố ở bên kia đều giống nhau nhưng ở Việt Nam, mỗi thành phố có đặc trưng riêng, rất ấn tượng.
Đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các cô hướng dẫn viên nói hay, em bị lối cuốn bởi những thông tin cô truyền đạt. Ở đây em còn ấn tượng với những tấm bia tiến sĩ được đặt trên lưng rùa – một nét rất đặc trưng”.
Trần Hiển Long cùng bạn tìm hiểu các hiện vật trưng bày trong Văn Miếu.
Trần Hiển Long tâm sự thêm, năm nay em học lớp 12 và chuẩn bị vào đại học. Trong tương lai, em mong muốn khi vào đại học sẽ học về văn hóa để có cơ hội nghiên cứu nhiều hơn về văn hóa các nước trên thế giới, đặc biệt là của Việt Nam. Em hy vọng, thông qua các chương trình thực tế như Trại hè Việt Nam 2023, em cùng các bạn kiều bào có thể truyền tải, chia sẻ và lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Hà Dương Hải My sinh năm 2000 (Ba Lan), sinh viên Học viện Mỹ thuật Warszawa là người tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam hội nhập tại Ba Lan và các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại Ba Lan. Tại Chương trình giao lưu, gặp mặt với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hải My là 1 trong 5 gương mặt trẻ được vinh danh.
“Là sinh viên hội họa nên em đặc biệt bị thu hút bởi kiến trúc và vẻ đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những mái ngói cong vút, kiến trúc truyền thống Việt Nam mang vẻ đẹp bền vững và riêng biệt”, Hà My nói.
Buổi tối, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào đến tham quan Hoàng Thành Thăng Long – quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ được các triều đại xây dựng qua các giai đoạn lịch sử, còn để lại ngày nay nhiều dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý.
Các hoạt động của đoàn kiều bào trẻ tại Hoàng Thành Thăng Long.
Hai địa điểm tham quan này đã mang lại cho các bạn trẻ những kiến thức và trải nghiệm chân thực, thú vị về lịch sử Việt Nam, giúp hiểu thêm về quá trình gìn giữ, xây dựng và phát triển đất nước của dân tộc ta, từ đó thêm gắn bó và thêm yêu quê hương, nguồn cội.
Tự hào lịch sử dựng nước và giữ nước
Trong lịch trình ngày đầu tiên của Trại hè Việt Nam 2023, đoàn đại biểu có buổi giao lưu, gặp mặt với lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các bạn trẻ kiều bào đã có buổi gặp mặt ấm áp tại “mái nhà chung” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự tiếp đón thân tình của ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tham dự chương trình.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy tin tưởng, mỗi kiều bào trẻ sẽ hoàn thành chương trình với nhiều trải nghiệm đáng nhớ tại Việt Nam, mang theo trong hành trang của mình những ấn tượng về cội nguồn, hiểu biết thêm về truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, về công cuộc đổi mới hiện nay ở trong nước, cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào.
Ông hy vọng, khi trở về nơi mình đang sinh sống, các em sẽ đẩy mạnh phong trào thanh niên, sinh viên kiều bào; kết nối và phối hợp cùng thanh niên, sinh viên trong nước tạo thành mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, học tập, làm việc và luôn hướng về quê hương, đất nước; cố gắng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và tiếng Việt.
“Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là vấn đề chiến lược, là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Trong khối đại đoàn kết đó, không thể thiếu cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc", nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương đất nước, trở thành cầu nối góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”, ông Hoàng Công Thủy nhấn mạnh.
Cũng tại đây, các em được tham quan Bảo tàng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những bức ảnh, hiện vật và câu chuyện dẫn dắt các bạn trẻ qua các thời kỳ để thêm hiểu biết và tự hào hơn về các giai đoạn lịch sử dựng nước, giữ nước của thế hệ đi trước.
Đoàn kiều bào trẻ tham quan Bảo tàng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các bạn đọc vang: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn non nước ta, để ủng hộ Chính phủ ta.
Chúng ta phải yêu thương nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Quỳnh Nga