Ngay từ khi kỳ Thế vận hội chưa bắt đầu, cảnh tượng hai robot mang ngọn đuốc Olympic trong màn rước đuốc tại Daejeon đã thu hút sự chú ý của người xem. Được Viện công nghệ và khoa học tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) nghiên cứu và phát triển, robot cứu nạn Hubo sau khi di chuyển bằng xe tự lái, đã thể hiện màn leo tường để chuyển ngọn đuốc sang tay cha đẻ của nó, Giáo sư Oh Jun-ho. Tiếp theo đó, ngọn đuốc được chuyển cho FX-2, một robot cao 2.2m và nặng 270kg được điều khiển bằng người lái ngồi trên, trước khi chuyển lại cho người rước đuốc tiếp theo.

Không chỉ có thế, nhiều robot khác sẽ xuất hiện tại những địa điểm thi đấu của Olympic, như sân vận động, làng vận động viên và trung tâm truyền thông ở Pyeongchang và vùng lân cận. Tổng cộng có 85 chú robot thuộc 11 loại được đưa vào hoạt động cho các nhiệm vụ chỉ đường tới những chú cá vàng robot giải trí. Giáo sư Oh cho biết “Kỳ Thế vận hội mùa đông là cơ hội rất lớn để giới thiệu công nghệ robot của Hàn Quốc ra thế giới. Để chọn lựa loại hình robot cho triển lãm, chúng tôi bỏ qua những phiên bản đã quen thuộc với công chúng, và tập trung vào các robot đem lại lợi ích thực tiễn cho hoạt động thể thao tầm cỡ thế giới này”.

Giáo sư Oh, trưởng nhóm robot hỗ trợ của KAIST, kỳ vọng các khán giả sẽ được tiếp xúc trực tiếp với thế hệ robot và chứng kiến công dụng của chúng, thành tựu của ngành khoa học tự động Hàn Quốc. Hàng chục robot Hubo sẽ được đặt tại sân bay và các khách sạn lớn ở Pyeongchang để phát tờ rơi và hướng dẫn du khách.

Các vận động viên và du khách đi và đến Seoul có thể gặp robot hỗ trợ với trí thông minh nhân tạo của LG Electronics hay robot lau dọn tự hành trong các sảnh. Các robot hỗ trợ của LG được cài đặt giải pháp phiên dịch Genietalk của Hancom, nên đối thoại bằng 4 thứ tiếng Hàn, Anh, Trung, Nhật. Du khách có thể nói địa điểm mình muốn đến và robot sẽ đưa họ đến đó. Còn robot lau dọn tự hành có thể di chuyển và nhặt rác, hút bụi trong phạm vi sân bay. Những robot này có thể tránh người qua lại cũng như lưu lại vị trí đã từng đi qua để đảm bảo chúng dọn dẹp từng góc hẹp của khu vực được lập trình.

Hàng loạt robot khác sẽ hỗ trợ vận động viên, nhân viên, đại biểu tại Olympic. Phổ biến nhất là robot hướng dẫn Soohorang, mang tên loại linh vật hổ trắng của kỳ Thế vận hội, xuất hiện tại hầy hết các địa điểm để cung cấp phương tiện vận chuyển và hướng dẫn bằng 4 thứ tiếng. Cả Soohorang hay robot lau dọn đều có thể nhảy theo nhạc nếu muốn.

Một vài robot phục vụ đồ uống cũng được sử dụng tại Trung tâm truyền thông và Làng vận động viên Gangneung. Khả năng di chuyển tự động tránh các đám đông là điểm nổi bật của những con robot này.

Những du khách ưa thích công nghệ có thể sẽ trầm trồ trước những chú cá vàng robot được trình diễn tại Pyeongchang Olympic Plaza, Trung tâm Truyền hình Quốc tế và Trung tâm Truyền thông. Có hình dáng của những chú cá Koi và cá tráp biển, những robot này có khả năng định vị đường đi dưới nước với độ sâu 5m.

Bên cạnh đó, robot vẽ tường cao 10m cũng được đưa vào sử dụng để trang trí những bức hình phức tạp và chủ đề đặc biệt như hình ảnh các vận động viên đoạt giải cao. Chỉ với 4 loại mực, robot này có thể tạo ra 10.000 màu và vẽ trên tường cao 20m.

Điểm nhấn cuối cùng chính là giải thi đấu robot trượt tuyết đầu tiên trên thế giới trong thời gian Olympic diễn ra. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã phối hợp cùng KAIST tổ thức giải thi đấu này cho các robot giống người. Có 8 đội tham gia đến từ các trường đại học và công ty công nghệ trong nước. Yêu cầu đặt ra là robot phải có hai chân mang giày trượt, cao ít nhất 50cm, và lắp đặt cảm ứng, pin cùng các thuật toán cho phép tự di chuyển. Giải thi đấu sẽ diễn ra theo hình thức trượt tuyết vượt chướng ngại vật, với 3 cơ hội cho mỗi đội thi. 100 điểm là số điểm tối đa, trong đó 75 điểm cho việc vượt qua tất cả các chướng ngại vật, và 25 điểm cho thời gian hoàn thành ít nhất. Thời điểm bắt đầu là sáng ngày 11/02/2018, vào cửa miễn phí.