Chưa bao giờ nhân loại lại được kết nối dễ dàng như hiện nay, tất cả là nhờ Facebook. Theo thống kê, hiện có khoảng 2,3 tỷ người (tương đương 30% dân số thế giới) đang sử dụng mạng xã hội này hàng tháng.

Tuy là phương tiện giúp hàng tỷ người trên thế giới kết nối với nhau nhưng Facebook cũng bị coi là nguyên nhân dẫn đến nhiều điều khủng khiếp trong xã hội: Từ nghiện ngập, bắt nạt đến thông tin sai lệch liên quan đến chính trị. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã chỉ ra rằng những lời buộc tội như vậy đều có cơ sở nhất định và dường như đã đến lúc chúng ta nên cân nhắc xem cuộc sống không có Facebook sẽ ra sao.

Một số nhà nghiên cứu đến từ Đại học New York đã tiến hành "cách ly" một nhóm người với Facebook và theo dõi kết quả. Đầu tiên, họ chọn vài nghìn người dùng Facebook rồi phân vào các nhóm kiểm soát và điều trị khác nhau.

Thành viên tham gia được yêu cầu vô hiệu hóa tài khoản Facebook trong bốn tuần cuối năm 2018. Nhóm nghiên cứu thường xuyên kiểm tra để đảm bảo rằng các tình nguyện viên tránh xa hoàn toàn mạng xã hội. Sau đó, họ nghiên cứu những điều xảy ra với nhóm người trên trong quá trình không sử dụng Facebook.

Kết quả là, mỗi người có thêm trung bình một tiếng thời gian rảnh. Một điều đáng chú ý hơn là họ có xu hướng không dùng thời gian đó để truy cập các trang web hay mạng xã hội khác. Thay vào đó, họ xem truyền hình và dành thời gian cho gia đình, bạn bè nhiều hơn.

Bên cạnh đó, họ đọc ít tin tức hơn nên ít bị chúng ảnh hưởng đến quan điểm cá nhân. "Chia tay" với Facebook được cho là giúp người dùng cảm thấy hạnh phúc hơn đồng thời giảm cảm giác chán nản và lo lắng. Vài tuần sau khi nghiên cứu kết thúc, nhiều người cho biết thời gian họ dành cho Facebook đã giảm 23% so với những người không tham gia nghiên cứu.

Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng đứng trước hai lựa chọn sau khi kết thúc bốn tuần "thử thách": Dùng Facbook trở lại hoặc tiếp tục vô hiệu hóa tài khoản trong khi mọi người vẫn "like" và "share".

Thế giới sẽ ra sao nếu một ngày Facebook không còn tồn tại? - Ảnh 1.

Facebook tốt hay xấu phụ thuộc phần lớn vào cách mọi người sử dụng và tiếp nhận thông tin.

Đa số vẫn muốn là một phần của cộng đồng hơn 2,3 tỷ người dùng Facebook trong khi có ý kiến cho rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu mạng xã hội này chưa từng tồn tại.

Theo nhận định của chuyên gia, một mạng xã hội phát triển mạnh là nhờ tăng lợi nhuận theo quy mô. Ngay cả khi là một ứng dụng miễn phí thì việc có càng nhiều người dùng sẽ giúp mạng xã hội thu lợi không nhỏ từ nhiều nguồn khác nhau. Những hiệu ứng như vậy đã giúp sức mạnh của Facebook tăng lên đáng kể, đặc biệt là khi số lượng cư dân mạng tăng mạnh như hiện nay.

Một cách tự nhiên, người dùng mới bị Facebook hấp dẫn vì nó được sử dụng bởi hầu hết người thân và bạn bè của họ. Điều này càng củng cố thêm vị trí của Facebook trong thế giới ảo.

Trước đây, sau khi tốt nghiệp trung học Mark Zuckerberg đã được bố của anh đưa ra hai lựa chọn: Theo học Harvard hoặc trở thành ông chủ của một cửa hàng McDonald’s nhượng quyền. Và anh đã chọn con đường học hành để rồi hai năm sau tạo ra Facebook ngay tại phòng ký túc xá.

Nếu Mark Zuckerberg đi theo con đường được cha định sẵn, có lẽ chúng ta đã không có cơ hội sử dụng Facebook và kể cả điều đó có xảy ra đi chăng nữa thì vẫn sẽ xuất hiện một mạng xã hội khác ra đời và thống trị thế giới.

Hơn nữa, Mark Zuckerberg đã cùng vợ của mình, Priscilla Chan thành lập Chan Zuckerberg Initiative và cam kết trao 99% giá trị cổ phiếu Facebook của họ cho quỹ này để giúp phát triển cộng đồng.

Suy cho cùng, không riêng Facebook mà bất cứ ứng dụng nào cũng đều có hai mặt tốt xấu. Quan trọng là ở việc chúng ta sử dụng chúng như thế nào trong cuộc sống mà thôi!

 

Theo Trí Thức Trẻ/The Economist