Gần nửa năm kể từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên tại Trung Quốc, đến nay đại dịch Covid-19 đã lan tới 212 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 3,6 triệu ca mắc, 252.000 người tử vong.
Do vậy, mọi hy vọng tập trung vào vắc xin ngừa Covid-19 – bước đột phá giúp thế giới chấm dứt đại dịch.
Nhiều chính trị gia và hầu hết các chuyên gia đều tin rằng vắc xin ngừa Covid-19 cuối cùng sẽ được phát triển thành công do virus SARS-CoV-2 ít biến đổi so với virus HIV hay sốt rét.
TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho rằng, vắc xin có thể được tìm ra trong 12-18 tháng tới. Trong khi đó ông Chris Whitty, Giám đốc y tế của Anh nhận định sẽ cần thời gian lâu hơn thế.
Tuy nhiên, một số người không thực sự lạc quan về khả năng sớm tìm ra vắc xin. Trường hợp xấu nhất có thể không có vắc xin ngừa Covid-19 như câu chuyện từng xảy ra với nhiều loại virus khác.
"Đến nay có vài loại virus chúng ta vẫn chưa thể tìm được vắc xin. Chúng ta không thể chắc chắn sẽ có vắc xin, nếu có thể phát triển liệu nó có thể vượt qua được tất cả các cuộc thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả hay không?”, David Nabarro, giáo sư về y tế toàn cầu tại ĐH Hoàng gia London và là đặc phái viên của WHO băn khoăn.
Nhiều quốc gia đang chạy đua nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 - chìa khoá để dập tắt đại dịch.
TS Peter Hotez, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới của ĐH Y Baylor ở Houston, Mỹ cũng cho biết, thế giới chưa bao giờ tạo ra một loại vắc xin thần tốc trong 12 hay 18 tháng.
“Điều này không có nghĩa là không thể nhưng nó sẽ là điều phi thường chưa từng có. Do đó, chúng ta cần phải có kế hoạch A và B để chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống”, ông nói.
Bài học từ vắc xin ngừa HIV
Kể từ thời điểm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ tuyên bố các nhà khoa học đã nhận diện được virus HIV và dự đoán vắc xin phòng ngừa sẽ có trong 2 năm tới nhưng đã 36 năm trôi qua, thế giới vẫn đang chờ đợi loại vắc xin này trong khi 32 triệu người đã tử vong.
Năm 1997, cựu tổng thống Bill Clinton từng tuyên bố, người Mỹ sẽ tìm ra vắc xin ngừa HIV trong vòng 10 năm. Tuy nhiên vào năm 2006, các nhà khoa học cho biết họ vẫn cần thêm khoảng 10 năm nữa.
Những khó khăn trong việc điều chế vắc xin ngừa HIV bắt nguồn từ chính sự biến hoá khôn lường của virus HIV/AIDS.
“Cúm mùa biến đổi theo từng năm nhưng virus HIV có thể biến đổi ngay trong một lần nhiễm. Nó liên tục thay đổi trong cơ thể bệnh nhân, như thể bạn đang bị nhiễm hàng nghìn chủng HIV khác nhau. Trong lúc biến đổi, virus cũng làm tê liệt hệ miễn dịch của người bệnh”, Paul Offit, bác sĩ nhi khoa và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm lý giải.
Hay như sốt xuất huyết, nhiều thập kỷ qua các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra được loại vắc xin hiệu quả ngăn ngừa, trong khi mỗi năm có tới hơn 400.000 người nhiễm.
Năm 2017, một nỗ lực trên phạm vi lớn nhằm phát triển loại vắc xin này đã thất bại sau khi phát hiện nó làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
Tương tự, rất khó để phát triển vắc xin ngăn ngừa virus rho và virus adeno thông thường gây ra các triệu chứng cảm lạnh – giống như SARS-CoV-2. Hiện chỉ có một loại vắc xin ngừa được 2 chủng virus này song không có sẵn trên thị trường.
Hiện ĐH Oxford ở Anh và công ty Moderna ở Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19 trên người.
Tuy nhiên, khâu thử nghiệm thường mất nhiều thời gian và chi phối sự thất bại toàn bộ quá trình.
"Phần khó khăn nhất là bạn phải chứng minh được nó hiệu quả và an toàn", TS Hotez từng tham gia nghiên cứu vắc xin ngừa SARS cho hay.
Kế hoạch B không có vắc xin
Trường hợp không thể tìm ra virus ngừa Covid-19, thế giới sẽ phải sống chung với loại virus này trong nhiều năm. Khi đó, các quốc gia sẽ phải tìm cách sống chung với nó bằng cách thiết lập đời sống xã hội và hoạt động kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”.
Dù vậy, người dân cũng không nên quá bi quan. Như với HIV, dù không có vắc xin nhưng hiện nhân loại đã coi đây như bệnh mạn tính, điều trị suốt đời bằng thuốc kháng virus.
Một số phương pháp điều trị Covid-19 cũng đang được thử nghiệm song song với cuộc đua tìm vắc xin. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ đang ở giai đoạn ban đầu như việc thử nghiệm dùng thuốc chống virus Ebola Remdesivir, phương pháp dùng huyết tương…
Remdesivir - một trong những loại thuốc được cho có hiệu quả với các bệnh nhân Covid-19 đến thời điểm hiện tại.
"Đây là những thuốc và phương pháp tốt nhất. Việc cần làm lúc này là từng bước thử nghiệm chúng. Nếu có hiệu quả, kết quả có thể có ngay trong vài tuần”, Keith Neal, Giáo sư danh dự về Dịch tễ học về các bệnh truyền nhiễm tại ĐH Nottingham, Anh nói.
Hiện tại, thuốc đầu tiên có vẻ có hiệu quả là Remdesivir. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đang đàm phán để có thể cung cấp thuốc này cho nhiều bệnh nhân Covid-19 hơn khi nhận thấy dấu hiệu hồi phục tích cực khi dùng thuốc.
Song Remdesivir không phổ biến trên thị trường quốc tế và việc tăng quy mô sản xuất có thể gây ra nhiều vấn đề.
Trước đó, thuốc Hydroxychloroquine điều trị sốt rét từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố giúp làm “thay đổi cuộc chơi” đã được chứng minh không có hiệu quả với các bệnh nhân nặng.
Điều quan trọng, bất kỳ phương pháp nào cũng không ngăn được lây nhiễm trong cộng đồng, đồng nghĩa virus corona chủng mới sẽ còn tồn tại trong nhiều năm nữa.
Ông Neal nhận định, trong trường hợp không tìm ra vắc xin, việc phong toả không phải là giải pháp bền vững về mặt kinh tế và chính trị. Các quốc gia cần tìm kiếm giải pháp khác để kiểm soát dịch.
Các chuyên gia khuyến cáo các nước nên đưa ra những “hiệp ước tập thể” để mọi người dân có biện pháp phòng chống dịch trong khi chờ đợi vắc xin trong vài tháng, vài năm, thậm chí vài thập kỷ tới.
Trong đó công dân mỗi quốc gia phải có trách nhiệm tự cách ly nếu xuất hiện triệu chứng bệnh hoặc từng tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm. Đồng nghĩa, nếu bạn có triệu chứng ho, cảm lạnh sẽ không được đến trường học, nơi làm việc...
Các chuyên gia cũng dự đoán, trong khi chờ vắc xin, dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi vĩnh viễn quan điểm của mọi người về làm việc từ xa, làm việc tại nhà. Các công ty có thể luân phiên lịch làm việc của nhân viên tại cơ quan để tránh tập trung quá đông người.
Ông David Nabarro cho rằng, trước hết các quốc gia có thể thực hiện xét nghiệm diện rộng và nới lỏng dần các biện pháp phong toả để cuộc sống trở lại. Song song đó cần kích hoạt sẵn các kịch bản khi dịch quay trở lại, có thể vào mỗi mùa đông.
TS Peter Hotez lưu ý thêm, khi xác định sống chung với dịch, cần có hệ thống y tế công cộng và hệ thống giám sát tốt, đảm bảo phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ở nơi làm việc, trường học để có thể thực hiện cách ly.
Dù miễn dịch cộng đồng từng được một số nước tính đến, song BS Paul Offit nhìn nhận: “Miễn dịch cộng đồng có thể là cách đối phó với dịch Covid-19 lâu dài nhưng đây không phải cách tốt nhất. Biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin và tôi tin cuối cùng sẽ tìm ra vắc xin nhưng tôi sẽ vô cùng kinh ngạc nếu chúng ta có vắc xin ngừa Covid-19 trong vòng 18 tháng”.