Thông tin này vừa được khẳng định bởi Thủ tướng Ấn Độ - ông Narendra Modi. Để chứng minh cho khả năng của mình, Ấn Độ đã tự bắn một trong các vệ tinh của nước này bằng một tên lửa phóng lên từ Trái đất. Thử nghiệm cho thấy Ấn Độ đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chống vệ tinh (Anti satelite weapon - ASAT).
Ấn Độ đã phát triển hệ thống vũ khí chống vệ tinh của mình từ năm 2012. Kể từ đó đến nay, nước này liên tiếp thử nghiệm các vụ phóng tên lửa nhằm hoàn thiện khả năng của hệ thống vũ khí. Tuy vậy, vụ phóng tên lửa vừa qua là lần đầu tiên nước này thực sự bắn rơi một vệ tinh bằng tên lửa của mình.
Tên lửa PSLV với khả năng bắn rụng vệ tinh của Ấn Độ. |
Vụ phóng tên lửa đã tiêu diệt một vệ tinh nặng 740 kg có quỹ đạo cách Trái Đất 300 km. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu chỉ sau khoảng thời gian 3 phút kể từ khi rời bệ phóng. Cho đến nay, chỉ mới có 3 quốc gia là Mỹ, Nga và Trung Quốc sở hữu công nghệ chống vệ tinh. Ấn Độ là quốc gia thứ 4 trên thế giới làm chủ công nghệ này.
Việc phá hủy các vệ tinh theo cách này có thể tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ tồn tại trong không gian. Điều này từng diễn ra vào năm 2007 khi Trung Quốc tiến hành phá hủy một vệ tinh của họ theo cách tương tự. Vụ nổ đó đã tạo ra 3.000 mảnh vụn tản mát trong bầu khí quyển. Do đó, mạng lưới giám sát không gian của Hoa Kỳ đang theo dõi vụ thử nghiệm của Ấn Độ để xem xem có bao nhiêu mảnh vụn được tạo ra từ kết quả của vụ phóng tên lửa này.
Vị trí của vệ tinh Microsat-R - đối tượng trở thành mục tiêu của vụ thử nghiệm. |
Theo ông Marco Langbroel - chuyên gia theo dõi vệ tinh từ Trung tâm An ninh Vũ trụ thuộc Không quân Hoàng gia Hà Lan, các mảnh vụn của vụ nổ sẽ tạo thành một vệt dài như dòng suối trên không gian.
Với tốc độ di chuyển lên đến 27.000 km/giờ, các mảnh vụn này có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng nếu chẳng may va phải một vệ tinh khác. Hậu quả của các va chạm này thậm chí có thể khiến vệ tinh gặp nạn phải ngừng hoạt động. Đây là mối nguy hiểm tiềm tàng cho những vệ tinh khác, vị chuyên gia đến từ Hà Lan nói.
Ở một góc độ tích cực hơn, do có quỹ đạo khá thấp, mảnh vỡ của vệ tinh vừa bị phá hủy sẽ rơi xuống Trái Đất chỉ sau vài tuần. Kích cỡ vệ tinh Ấn Độ không quá lớn, do đó sẽ không tạo ra nhiều mảnh vụn nguy hại như ở vụ thử nghiệm vũ khí tiêu diệt vệ tinh của Trung Quốc.
Tuấn Nghĩa (Theo TheVerge)