Tính đến sáng sớm 8/11 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho tổng cộng gần 250,6 triệu người. Song, hơn 226,8 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỉ lệ khỏi bệnh trên 90,5%.
Các nhân viên y tế đưa bệnh nhân Covid-19 đến điều trị ở bệnh viện đa khoa Ippokrateio ở Thessaloniki, Hy Lạp. Ảnh: Reuters |
Theo một phân tích của Reuters, trong vòng 3 tháng qua, số ca nhiễm trung bình hàng ngày trên thế giới đã giảm 36%. Song, số ca nhiễm mới vẫn đang tăng ở 55 trên tổng số 240 quốc gia, với Nga, Ukraina và Hy Lạp đều đạt mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục kể từ đầu dịch.
Ngay cả khi tốc độ lây lan đang có xu hướng giảm, cứ trung bình 90 ngày lại có thêm 50 triệu ca mắc mới trên toàn cầu do biến thể Delta. Trong khi, virus SARS-CoV-2 mất đến gần một năm để lây nhiễm cho 90 triệu ca bệnh đầu tiên.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn lạc quan rằng nhiều quốc gia đã ngăn chặn được tình trạng tồi tệ nhất của đại dịch nhờ chiến dịch tiêm chủng và sự phơi nhiễm tự nhiên, dù họ cảnh báo, thời tiết lạnh hơn và các vụ tụ tập vào những kỳ nghỉ sắp tới có thể làm gia tăng số ca mắc.
Ngoài ra, các bác sĩ hiện cũng có nhiều phương pháp chữa trị tốt hơn. Anh ngày 4/11 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt Molnupiravir, một loại thuốc điều trị Covid-19 có khả năng "thay đổi cuộc chơi", do hai hãng dược Merck và Ridgeback Biotherapeutics hợp tác phát triển. Các nghiên cứu cho thấy, thuốc có thể làm giảm một nửa khả năng tử vong hoặc phải nhập viện đối với những bệnh nhân có nguy cơ phát bệnh nặng.
Công ty dược phẩm Mỹ Pfizer ngày 5/11 cũng tuyên bố, một loại thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 của họ đã giảm 89% khả năng nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân nguy cơ cao.
Cho đến nay, 52% dân số thế giới được tiêm ít nhất một liều vắc xin, 41% đã hoàn thành tiêm chủng và khoảng 1,7% đã được tiêm mũi vắc xin bổ sung.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhóm viện trợ khác đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tài trợ 23,4 tỷ USD cho kế hoạch đưa vắc xin, xét nghiệm và thuốc điều trị Covid-19 đến những nước nghèo hơn trong vòng 12 tháng tới.
"Sự bất bình đẳng về vắc xin vẫn là rào cản lớn nhất để đạt được mục tiêu bao phủ tiêm chủng của chúng tôi", Jarbas Barbosa, Trợ lý Giám đốc tổ chức PAHO nói, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng ưu tiên người cao tuổi, các nhân viên tuyến đầu chống dịch và những người có nhiều bệnh nền được tiêm chủng trước nhằm tránh cho hệ thống y tế của các nước bị quá tải.
Malaysia ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể Delta Plus
Bộ Y tế Malaysia thông báo, nước này vừa phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2 của chủng Delta, hay còn gọi là Delta Plus là những du học sinh trở về từ Anh.
Báo The Star đưa tin, xét nghiệm RT-PCR lần đầu của 2 trường hợp trên cho kết quả âm tính, nhưng lần xét nghiệm thứ 2 trong lúc cách ly kiểm dịch của họ vào ngày 7/10 đã cho kết quả dương tính. Viện Sinh học phân tử y tế thuộc Đại học Universiti Kebangsaan Malaysia đã giải trình tự gen và phát hiện họ nhiễm biến thể AY.4.2.
Tuy nhiên, giới chức Malaysia nhấn mạnh, các loại vắc xin ngừa Covid-19 đang sử dụng hiện nay vẫn có hiệu quả trước AY.4.2 và các biện pháp phòng dịch như cách ly, xét nghiệm... có thể giúp giảm nguy cơ lây lan biến thể này.
WHO cho biết đang theo dõi chặt chẽ AY.4.2 để đánh giá liệu biến thể này tỷ lệ lây nhiễm cao hơn so với chủng ban đầu hay không. Hiện AY.4.2 đã được phát hiện ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Anh.
Theo các chuyên gia, so với chủng Delta, biến thể phụ AY.4.2 có thêm 3 đột biến, trong đó có 2 đột biến ở protein gai, phần virus bám vào tế bào của người.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch, với hơn 47,3 triệu ca mắc và 775.204 bệnh nhân không qua khỏi. Hơn 58% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 6,5% được tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường. Theo kế hoạch, nước này sẽ mở cửa biên giới trên bộ và trên không để đón du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ từ ngày 8/11, qua đó chấm dứt 20 tháng hạn chế đi lại khiến nhiều gia đình ly tán, du lịch đình đốn và căng thẳng ngoại giao.
- Theo Bộ Y tế Lào, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.076 ca mắc mới và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 47.056 người, bao gồm 82 bệnh nhân tử vong. Như vậy, sau 2 ngày giảm xuống mức 3 con số thì Lào lại ghi nhận số ca mới tăng lên 4 con số, trong đó có tới 1.071 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.
Để đối phó, Chính phủ Lào giao các bộ, cơ quan tương đương, doanh nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban hoặc làm việc từ xa. Những người có nguy cơ và phụ nữ có thai không thể tiêm phòng Covid-19 được phép làm việc ở nhà.
- Australia sẽ bắt đầu tiêm mũi vắc xin tăng cường bằng sản phẩm của Pfizer từ ngày 8/11 khi thêm hàng triệu người tại Sydney, thành phố lớn nhất nước này được nới lỏng các biện pháp hạn chế trong bối cảnh tăng tốc chiến dịch tiêm phòng Covid-19.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Thuốc trị Covid-19 của Pfizer hiệu quả cao, Hong Kong có ca đầu tiên mắc Delta Plus
Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer tuyên bố, một loại thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 của họ đã giảm 89% khả năng nhập viện và tử vong ở những người trưởng thành có nguy cơ cao phát bệnh nặng sau nhiễm virus.