LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu mạch bài viết dự báo về những biến đổi địa chính trị trên thế giới sau đại dịch Covid-19 của Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.
Hậu đại dịch Covid-19 sẽ chứng kiến sự lên ngôi của Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism) và ở chiều ngược lại là bước thụt lùi của Quản trị toàn cầu (Global governance). Học giả Mỹ Stephen Walt, một người theo trường phái hiện thực và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành, nhận định: thế giới hậu đại dịch là "một thế giới bớt cởi mở, kém thịnh vượng và ít tự do hơn".
Về bản chất, Chủ nghĩa dân tộc và Quản trị toàn cầu là 2 nhân tố liên hệ mật thiết với nhau, nhưng theo tỉ lệ nghịch: Khi vai trò của các quốc gia được đề cao, thì điều này cũng đồng nghĩa với vai trò và ảnh hưởng của các thiết chế đa phương trong quản trị toàn cầu như UN, WTO, WB, IMF, WHO... lại giảm đi một cách tương ứng và ngược lại.
Còn nhìn từ góc độ lý thuyết, Chủ nghĩa dân tộc và Quản trị toàn cầu liên quan đến 2 mô thức phổ biến trong lý thuyết quan hệ quốc tế là Chủ nghĩa hiện thực (Realism) và Chủ nghĩa tự do (Liberalism).
Thế giới hậu đại dịch là "một thế giới bớt cởi mở, kém thịnh vượng và ít tự do hơn". |
Nói một cách ngắn gọn, những người theo thuyết hiện thực (Realists) cho rằng các quốc gia, chứ không phải bất kỳ một tổ chức liên chính phủ hoặc siêu quốc gia nào khác, mới là chủ thể chính của trật tự thế giới. Theo họ, thế giới chúng ta đang sống về bản chất là một thế giới "không có trật tự", trong đó các quốc gia tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích của mình nên cạnh tranh, đối đầu thậm chí là xung đột, chiến tranh giữa họ với nhau là điều không thể tránh khỏi.
Còn những người theo chủ thuyết tự do (Liberals) chia sẻ nhận định của trường phái hiện thực về bản chất của các quốc gia. Họ cho rằng tuy có khác biệt về lợi ích nhưng các quốc gia vẫn có thể tìm được điểm chung, thỏa hiệp để hợp tác với nhau, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế; và hợp tác thì có lợi hơn là chiến tranh. Đối với những người theo chủ thuyết tự do, sự tham gia của các quốc gia vào các tổ chức khu vực và quốc tế, với những điều lệ ràng buộc, cộng với việc tăng cường gắn kết, quan hệ lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua thương mại, đầu tư, du lịch... sẽ làm cho các quốc gia có xu hướng bớt xung đột và do đó, thế giới sẽ có hòa bình nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong thế giới thực mà chúng ta đang sống thì không có sự loại trừ của trường phái này đối với trường phái kia, mà cả hai trường phái cùng tồn tại song song với nhau. Cái khác biệt chỉ là ở quốc gia nào, khu vực nào, trong bối cảnh nào và ở giai đoạn nào thì xu hướng này lên ngôi so với xu hướng kia mà thôi.
Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Chủ nghĩa tự do và Quản trị toàn cầu "lên ngôi", nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ các yếu tố:
(i) Sự kỳ vọng vào việc Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế quan trọng đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển;
(ii) Sự nổi lên của nhiều thách thức mới mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có cách tiếp cận mang tính toàn cầu, cũng như các cơ chế quản trị toàn cầu để xử lý; và
(iii) Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, sự gia tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia giúp tăng nhận thức của người dân và các quốc gia về nhu cầu cấp thiết phải củng cố và tăng cường quản trị toàn cầu.
Tuy nhiên, kỳ vọng thì lớn nhưng quản trị toàn cầu đã không đem lại kết quả như mong đợi cho nhiều nước lớn, cũng như các nước đang phát triển vừa và nhỏ. "Cú sốc" lớn nhất đối với quản trị toàn cầu là việc Tổng thống Donald Trump đắc cử Tổng thống với ưu tiên "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!" - MAGA (Make America Great Again!). Ngày 24/9/2019, trước diễn đàn in Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump thẳng thừng tuyên bố: "Tương lai không thuộc về những người theo đuổi chủ nghĩa toàn cầu, mà thuộc về những người yêu nước" - thực chất là những người dân tộc chủ nghĩa nhưng dưới một tên gọi mỹ miều khác.
Cùng với "MAGA" là việc Mỹ "co mình", "quay lưng" lại với quản trị toàn cầu như: rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu; rút khỏi UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc; cắt giảm hàng chục tỷ USD ngân sách viện trợ phát triển hàng năm cho các quốc gia đang phát triển; cắt giảm hàng trăm triệu USD đóng góp hàng năm vào ngân sách của Liên Hợp Quốc khiến tổ chức này rơi vào khủng hoảng tài chính và nhiều hoạt động của LHQ bị hủy bỏ; và chỉ mới đây thôi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng thay cắt khoản đóng góp tài chính hàng năm lên tới 900 triệu USD cho WHO vì cho rằng tổ chức này đã "thiên vị" theo hướng bất lợi cho Mỹ và không làm tròn trọng trách của mình trong việc ngăn ngừa đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu.
Thực ra, trước khi Trump lên cầm quyền, một thế hệ mới các nhà lãnh đạo theo thiên hướng dân tộc chủ nghĩa đã lên nắm quyền ở Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc, Philippines... Làn sóng này xuất hiện khá âm thầm, nhưng chỉ đến khi Trump đắc cử người ta mới "giật mình" và thực sự chú ý đến nó.
Vấn đề đặt ra là tại sao cùng theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, nhưng các chính sách của Trump lại "gây sốc" và được thế giới chú ý đến vậy? Có thể thấy như sau:
(i) Trump là người thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy nên thu hút sự đưa tin của giới truyền thông vốn có truyền thống thêm mắm, thêm muối, rồi giật tít câu khách.
(ii) Chính giới Mỹ và quốc tế lúc đầu cũng nghĩ Trump sẽ như các đời tổng thống trước đây là chỉ "dọa chơi" khi tranh cử, nhằm câu phiếu cử tri, còn lên cầm quyền sẽ "làm khác". Đâu ngờ, sau khi lên cầm quyền Trump đã thực hiện quyết liệt và triệt để các lời hứa tranh cử của mình và điều này đã khiến không chỉ đối thủ, mà ngay cả bạn bè, đồng minh và đối tác của Mỹ không khỏi bất ngờ và sửng sốt.
(iii) Là siêu cường số 1 thế giới, đồng thời cũng là quốc gia khởi xướng, tham gia và đóng góp nguồn vật lực khổng lồ cho quản trị toàn cầu ngay từ buổi sơ khai, nên việc "rút lui" của Mỹ không chỉ đặt ra những hệ lụy vô cùng to lớn, mà còn để lại những khoảng trống khó có thể được lấp đầy trong một thời gian ngắn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị các lãnh đạo NATO ở Watford, Anh, hồi tháng 12/2019. (Ảnh: Reuters) |
Điều đáng quan ngại là xu hướng dân tộc chủ nghĩa dường như đang gia tăng trên khắp thế giới, với rất ít ngoại lệ, ngay sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò quản trị toàn cầu vào lúc hợp tác quốc tế càng cần thiết hơn bao giờ hết nhằm khắc phục hậu quả "hậu Covid-19", cũng như ngăn ngừa các đại dịch hoặc đại thảm họa tương tự khác trong tương lai. Có 3 lý do hỗ trợ cho nhận định trên:
Một là, các thiết chế quốc tế hỗ trợ cho quản trị toàn cầu như UN, WTO, WHO..., kể cả các liên minh quân sự như NATO, hay tổ chức siêu quốc gia như EU đang bị xem là "lỗi thời" khi không được thiết kế để đối phó với đại dịch toàn cầu như Covid-19. Đến khi đại dịch xảy ra thì các tổ chức này gần như hoàn toàn bất lực và vai trò trở nên hết sức mờ nhạt.
Hai là, các liên minh song phương, đối tác chiến lược hay đồng minh cũng chả giúp ích gì vào lúc này. Ngay trong EU, khi dịch bệnh vừa bùng phát đã sớm xuất hiện tình trạng mạnh ai nấy chạy, nước nọ tìm cách ngăn không xuất khẩu thiết bị y tế hay khẩu trang sang nước thành viên khác. Mỹ thì đơn phương thông báo cho EU có hai ngày trước khi ban bố lệnh cấm toàn bộ các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương và không tham khảo trước với các đồng minh. Quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung cũng chẳng khá hơn là bao khi hai nước liên tục thông qua các biện pháp đơn phương hạn chế tối đa sự đi lại của công dân nước kia. Quả thực, lúc này "đồng minh không bằng đồng bào."
Ba là, kể từ khi xuất hiện đại dịch, các quốc gia nổi lên và đóng vai trò là tác nhân không thể thay thế được. Gần như không có ngoại lệ, uy tín của lãnh đạo hầu hết các quốc gia từ Mỹ đến châu Phi, từ Trung Quốc đến Nga, sang Âu, sang Á... đều tăng vọt. Trên bất kỳ chương trình TV nào, vào bất kỳ lúc nào, chúng ta luôn dễ dàng nhận thấy hình ảnh năng động, khuôn mặt lo âu của lãnh đạo các quốc gia. Họ thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, họp báo, cung cấp thông tin cho quốc dân về cách thức chính quyền đang thực hiện nhằm kiềm chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu thương vong với mục đích là làm an lòng người dân - một điều hết sức cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng, chiến tranh và dịch bệnh. Và vai trò này sẽ không sớm giảm đi mà tiếp tục kéo dài ngay cả khi Covid-19 qua đi.
Vậy khi kết thúc đại dịch Covid-19, mô thức quản trị toàn cầu mới sẽ có định dạng ra sao? Tạm phác thảo vài nét như sau:
- Xu hướng Mỹ giảm vai trò quản trị toàn cầu trong các tổ chức như UN, WTO, WHO... sẽ tiếp tục tăng tốc. Mỹ sẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến các chiến lược mà nước này khởi xướng và đóng vai trò lãnh đạo như như "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mở và Tự do". Thậm chí trong các liên minh song phương như hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn hay đa phương như NATO, Mỹ sẽ không "nai lưng" đóng thay phần của các nước khác, mà sẽ đòi hỏi phải chia sẻ nghĩa vụ tài chính "công bằng".
Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ làm tương tự, đó là tìm cách phát huy ảnh hưởng, hoặc mở rộng vai trò trong các sáng kiến, các chiến lược, hoặc các tổ chức mà họ lập hoặc có vai trò chi phối như "Sáng kiến Vành đai, Con đường" - BRI (Belt and Road Initiative), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - SCO (Shanghai Cooperation Organization), Diễn đàn Hương Sơn về Quốc phòng...
- Các thiết chế toàn cầu như UN, WTO, WHO... sẽ phải đối mặt với sức ép cải cách triệt để và sâu rộng lớn chưa từng có cho phù hợp với bối cảnh chủ nghĩa đơn phương gia tăng trên khắp thế giới, sức ép từ Mỹ và phương Tây, cũng như sức ép bị cắt giảm ngân sách. Sự "thoái lui" của Mỹ khỏi các thiết chế toàn cầu cũng không đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể dễ dàng lấp đầy khoảng trống do: (i) Trung Quốc cần có thời gian chuẩn bị và chưa sẵn sàng đóng vai trò lớn và nổi bật hơn vào lúc này; (ii) Thế giới chưa sẵn sàng đón nhận vai trò mới, lớn hơn của Trung Quốc; và (iii) Sự phản đối của Mỹ và phương Tây.
- Do xuất phát là đại dịch, và từ đại dịch mà ra, nên bất cứ mô hình quản trị toàn cầu mới nào, hoặc bất cứ các cải cách nào đối với những thiết chế song phương hay đa phương hiện có đều buộc phải bổ sung những điều khoản có tính ràng buộc, giúp các thiết chế này có khả năng cảnh báo, ngăn ngừa và đối phó với đại dịch ở mức tối đa nhất có thể.
- Các hiệp ước liên minh quân sự như NATO, các thỏa thuận thiết lập quan hệ đồng minh, đối tác chiến lược... ngoài các điều khoản hiện có như hỗ trợ nhau về các mặt chính trị, ngoại giao, an ninh - quân sự khi một trong các bên bị tấn công hay bị đe dọa tấn công bằng vũ lực thì sẽ sớm được "nâng cấp" với một số điều khoản bổ sung cho phù hợp với tình hình mới như:
(i) Thường xuyên cập nhật và chia sẻ thông tin tình báo cho nhau liên quan đến sự xuất hiện của dịch bệnh mới và cách đối phó;
(ii) Hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và cách thức đối phó với các loại bệnh truyền nhiễm mới; hỗ trợ nhau trong việc sản xuất, cung cấp các vật phẩm, trang thiết bị y tế cơ bản như thuốc kháng sinh, kháng khuẩn, quần áo bảo hộ, máy hỗ trợ thở...; tiếp cận các kho dự trữ y tế chiến lược.
(iii) Hỗ trợ nhau trong việc lập các kho dự trữ chiến lược, cung ứng không bị gián đoạn các mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và dân sinh trong bối cảnh một vài hoặc tất cả các quốc gia trong liên minh có thể bị "bế quan tỏa cảng" trong nhiều tháng trời liền.
Các biện pháp trên sẽ giúp hồi sinh và làm cho các liên minh minh hiện có mang ý nghĩa thực của nó, đó là giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau cả trong thời chiến cũng như trong "thời bình" khi đối phó với dịch bệnh.
Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao