Với chủ đề “Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên kết nối vạn vật”, buổi hội thảo đã cập nhật, thảo luận về những cơ hội, thách thức trong lộ trình xây dựng và phát triển mạng 4G LTE tại Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, với hai chuyên đề đề cập đến nguồn tài nguyên, hạ tầng cho mạng 4G LTE cùng các hình thức kinh doanh và dịch vụ trên nền tảng này, các đại biểu đã đưa những quan điểm xác đáng về quản lý các dịch vụ phát triển trên nền tảng 4G, xu thế của các thiết bị đầu cuối hay phát triển LTE hướng tới công nghệ 5G…
Theo đánh giá, 4G LTE là công nghệ truyền thông không dây tốc độc cao dành cho các thiết bị di động và trạm dữ liệu, chính vì vậy nó đóng vai trò rất quan trọng trong kỷ nguyên Internet hiện nay.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA) cho thấy tính đến hết quý I/2016 số lượng thuê bao 4G LTE trên toàn cầu đã đạt 1,29 tỷ và đang tăng thêm 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày.
Cũng theo các con số thống kê, hiện nay trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa. Trong khi đó tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận định rằng năm 2016 là thời điểm thuận lợi để mạng 4G LTE triển khai và phát triển.
Để tạo đà cho xu hướng này, đầu năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến năm 2020 – động thái nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng băng rộng có thể phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số vào năm 2020.
Trong khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang tập trung xây dựng các chính sách trong việc sử dụng hạ tầng kỹ thuật và thúc đẩy các ứng dụng nội dung, công nghệ thông tin trên hạ tầng viễn thông băng rộng. Ngoài ra từ cuối năm 2015 Bộ đã cấp phép cho một số nhà mạng tiến hành thử nghiệm mạng 4G LTE.
Cùng với sự chuẩn bị của Chính phủ và nhiều bộ ngành, các doanh nghiệp viễn thông cũng đang gấp rút xây dựng các chiến lược với tầm nhìn phát triển đến năm 2020, trong đó tập trung vào trọng tâm là công nghệ 4G LTE.
Theo ông Eugene Lee – Giám đốc phát triển kinh doanh – Swissqual (Rohde & Schwarz), hiện nay thách thức lớn nhất với các nhà mạng khi triển khai 4G là tỷ lệ thuê bao trên tổng dân số tăng sẽ làm giảm tốc độ phát triển thuê bao mới và sự xuất hiện của các ứng dụng mới như OTT sẽ ảnh hưởng đến doanh thu trung bình của khách hàng (ARPU). Ngoài ra, với sự phát triển bùng nổ thuê bao 4G trên thế giới cùng với sự ra đời của nhiều ứng dụng đòi hỏi băng thông cao như video streaming, trò chơi trực tuyến, tải dữ liệu trên nền các công nghệ VoLTE, ViLTE, eMBMS… thì vấn đề chất lượng mạng lưới và chất lượng dịch vụ cần phải được đặt lên hàng đầu.
Bà Mai Quỳnh Hoa, Tổng giám đốc Rohde & Schwarz Việt Nam cho biết, với kinh nghiệm trên 80 năm trong lĩnh vực đo kiểm viễn thông, Rohde & Schwarz đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng để tư vấn, cung cấp những giải pháp đo kiểm, tối ưu hóa chất lượng mạng 4G, giúp nhà mạng có cái nhìn tổng quan về chất lượng mạng lưới, để từ đó có kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ.