Cuốn sách Thế giới của Truyện Nôm (tên nguyên tác L’Univers des Truyện Nôm) của nhà nghiên cứu Maurice Durand do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phối hợp cùng dự án ERC - Vietnamica và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại TP.HCM vừa ra mắt độc giả. Công trình được biên soạn bởi cố GS. Đinh Gia Khánh, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nguyên, GS. Philippe Papin và PGS. Philippe Le Failler.
Nguyên tác tiếng Pháp vốn là một bản di cảo còn dang dở vào thời điểm Maurice Durand qua đời (1966). Vì vậy Thế giới của Truyện Nôm không hoàn thiện và chưa thực sự ăn khớp như những trước tác của ông, thậm chí là khó tránh khỏi những thiếu sót nhưng đội ngũ thực hiện về cơ bản vẫn tôn trọng nguyên tác và gắng công hoàn thiện nhất có thể với kho tư liệu mà tác giả để lại.
Chuyên khảo này của Maurie Durand không chỉ cung cấp cho độc giả Pháp cái nhìn chính xác về hai thể loại văn học (truyện Nôm và ngâm khúc, ca…) trong văn học truyền thống Việt Nam mà còn là một nghiên cứu phê bình về một số lượng tác phẩm đáng nể.
“Mặc dù đây chỉ là sự dựng lại từ bản thảo dạng nháp của tác giả, mọi độc giả đều có thể nhận thấy tầm vóc lớn của công trình còn dang dở này và tìm thấy được nhiều kiến thức bổ ích về Việt Nam học tại Pháp. Với tuyển tập "truyện Nôm" và "ngâm khúc" này, Maurice Durand đã thêm một lần đóng góp vào việc tìm hiểu văn học truyền thống của Việt Nam” - cố GS. Đinh Gia Khánh từng chia sẻ.
Chuyên khảo Maurice Durand để lại dường như đã cho thấy sự cao vọng của ông trong việc đặt các tác phẩm trong bối cảnh lịch sử văn học, điều mà Maurice Durand đã dành cả cuộc đời nghiên cứu với những ảnh hưởng sâu đậm bắt nguồn từ hai nền văn hóa Pháp - Việt.
Maurice Durand (1914 - 1966), sinh ra ở Hà Nội. Cha ông là GS. Gustave Durand - một nhà Hán học người Pháp - trưởng phòng dịch thuật Tòa án đồng thời là giáo viên tiếng Trung của Đại học Tổng hợp. Mẹ ông là Nguyễn Thị Bình, người Việt quê gốc ở Kiến An. Ông là một trong những nhà nghiên cứu song ngữ hiếm hoi của Viện Viễn Đông Bác cổ sở hữu hai nguồn văn hóa Pháp Việt và có mối liên hệ mật thiết với chữ Hán. Ông đảm trách giám đốc trung tâm của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (từ 1954 đến 1957). Trở về Pháp công tác, ông vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và tin tưởng giao gửi trách nhiệm xuất bản toàn bộ các công trình nghiên cứu của mình.
Maurice Durand vừa là nhà sử học, ngữ văn học, vừa là nhà phê bình văn học và nhà phân tích mỹ thuật. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ và có giá trị lâu dài như: Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu, Nhập môn văn học Việt Nam, Tri thức văn hóa cổ truyền Việt Nam, Lịch sử thời Tây Sơn, Thế giới của Truyện Nôm… và nhiều công trình dịch, hàng trăm bài viết và một số lượng bản thảo đồ sộ chưa từng được xuất bản. Trong đó, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam từng hai lần vinh danh tác phẩm là Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu, Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam và Thánh Mẫu linh tiêm do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.