Ngành chip thế giới ở “khúc cua” bùng nổ

Tại hội thảo “Thực trạng, thách thức và triển vọng của ngành chip bán dẫn Việt Nam” diễn ra ngày 29/11 ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc CoAsia SEMI dẫn thống kê năm 2021, toàn thế giới bán ra 1.000 tỷ con chip, trong khi tổng dân số 8 tỷ người, tính trung bình mỗi người tiêu thụ 120 con chip/năm, mỗi tháng mua khoảng 10 con chip.

“Giờ rất khó tìm ra thiết bị không có chip ở trong”, ông Yên nhấn mạnh mức độ phổ biến của chip vi mạch trong đời sống xã hội.

Tổng giám đốc CoAsia SEMI rất tâm đắc với biểu đồ được phác thảo bởi Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến, một người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong ngành chip vi mạch bán dẫn thế giới. Theo đó, ngành chip bán dẫn toàn cầu mất tới 66 năm để đạt con số 500 tỷ USD giá trị ngành vào năm 2021, nhưng chỉ cần thêm 9 năm để bứt tốc từ 500 tỷ USD lên 1.000 tỷ USD (năm 2030).

Theo ông Yên, ngành chip thế giới đang ở “khúc cua” cực kỳ quan trọng trước khi tiếp tục bùng nổ. Nhìn lại thời gian qua, doanh thu ngành chip đạt được 500 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của máy tính, laptop, smartphone, 4G, 5G… Tương lai, ô tô tự lái, máy tính hiệu năng cao, AI (trí tuệ nhân tạo), 6G... sẽ tạo động lực để ngành này bứt tốc lên 1.000 tỷ USD.

Trước kia, ô tô hay được dùng làm ví dụ minh họa cho khái niệm toàn cầu hóa, nhưng bây giờ thay bằng con chip.

Ong Nguyen Thanh Yen 2.jpg
Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc CoAsia SEMI. Ảnh: Bình Minh

Để tạo ra chip iPhone, cần nguồn lực và sự phối hợp làm việc tại nhiều quốc gia. Các thiết bị sản xuất chip từ Hà Lan và các IP (lõi sở hữu trí tuệ bán dẫn) từ Anh được đưa sang Mỹ. Kỹ sư Mỹ thiết kế ra con chip, gửi thiết kế đó sang Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất.

Trong quá trình sản xuất, cát lấy từ sa mạc ở Trung Quốc, luyện thành trụ đơn tinh thể silic, sau đó cắt ra rồi chuyển đến Nhật Bản. Từ Nhật Bản, các vật liệu để chế tạo chip được chuyển tới Đài Loan (Trung Quốc), sản xuất ra wafer (tấm bán dẫn silicon) gửi sang Malaysia. Wafer tại Malaysia được cắt miếng, đóng gói thành con chip, đưa trở lại Trung Quốc đóng gói PCBA (lắp ráp bảng mạch in) để làm iPhone. Và rồi iPhone lại được chuyển sang Mỹ để bán.

Có thể thấy, rất nhiều công đoạn sản xuất chip của thế giới tập trung ở châu Á. Dự đoán châu Á sẽ là nơi định hình của lĩnh vực chip vi mạch trong tương lai. 

Cơ hội của Việt Nam trong 3 năm tới

Bàn về triển vọng của ngành chip bán dẫn Việt Nam, ông Yên trích dẫn kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến về những vấn đề lớn ngành vi mạch thế giới phải đối mặt trong 3 năm tới. Trong đó, vấn đề lớn đầu tiên được đề cập là không đủ nhân lực tài năng.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến, chuyên gia cao cấp của Soitec (Hoa Kỳ), những thách thức lớn nhất đối với ngành vi mạch thế giới trong 3 năm tới gồm: Không đủ nhân tài; Sự gián đoạn chuỗi cung ứng; Chi phí đúc cao; Tăng chi phí R&D; Rủi ro an ninh mạng; Trợ cấp của chính phủ để nội địa hóa đầu tư vào chất bán dẫn; Hạn chế về năng lực sản xuất chất bán dẫn….

“Thế giới đang rất cần người, trong khi chúng ta lại có sẵn lực lượng lao động trẻ với động lực làm việc cao. Mỗi năm chúng ta có nửa triệu học sinh đăng ký thi đại học. Cùng với đó, hàng năm đều cử người đi xuất khẩu lao động. Rõ ràng chúng ta không thiếu người làm. Tôi nghĩ giải quyết bài toán khủng hoảng nhân lực của thế giới chính là triển vọng lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ có trong vòng 3 năm. Nếu chúng ta không nắm bắt được thì cơ hội sẽ nhanh chóng tuột khỏi tầm tay”, ông Yên nói.

Hiện có rất nhiều cơ hội tham gia chuỗi việc làm bán dẫn vi mạch toàn cầu. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, những người muốn tham gia chuỗi việc làm này cần đầu tư thêm ngoại ngữ và các kiến thức, kỹ năng bổ trợ.

Làm phần mềm nếu có lỗi sai, chỉ cần sau 1 đêm cũng có thể sửa xong. Nhưng thiết kế con chip mà mắc lỗi sai, cả mẻ sản xuất hàng triệu chip vứt đi, thiệt hại lên tới cả chục triệu, thậm chí cả tỷ đô, có thể khiến công ty phá sản. Chính vì thế, các công ty sẽ chỉ thuê người có kinh nghiệm để thiết kế chip.

“Sau 5 năm đào tạo trên ghế nhà trường, cần thêm 3-5 năm nữa mới tạo ra được 1 kỹ sư làm chip. Các bạn trẻ mới ra trường cần phải chấp nhận đi đường dài để tích lũy dần kinh nghiệm. Muốn ra trường có tiền ngay thì đừng vào ngành chip vì chắc chắn lương đầu vào không cao. 1 kỹ sư thiết kế chip như tôi mất 3,5 năm làm việc ở Việt Nam mới có cơ hội phỏng vấn thành công tại 1 công ty Singapore, mức lương nhận ở Singapore chỉ hơn người mới vào nghề một chút. Sau 6 năm ở Singapore về Việt Nam mới được làm sếp với mức lương cao. Mất tổng cộng khoảng 10 năm”, ông Yên đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ thông qua câu chuyện của bản thân mình. 

Tính tới tháng 11/2024, Việt Nam có khoảng 50 công ty thiết kế chip; 7 nhà máy liên quan đóng gói, kiểm thử (tính cả nhà máy đã lấy được giấy phép đầu tư, nhà máy đang xây rồi, nhà máy chuẩn bị hoạt động và nhà máy chuẩn bị xây); không có nhà máy sản xuất chip nào; doanh thu ngành chip bán dẫn gần 20 tỷ USD; tổng số khoảng 26.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn.

“Đối chiếu mục tiêu trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, chỉ còn 6 năm nữa là đến năm 2030, chúng ta cần phải nỗ lực rất lớn để có thêm 50 công ty thiết kế chip, 1 nhà máy sản xuất chip, 3 nhà máy đóng gói, kiểm thử chip, và khoảng 24.000 kỹ sư bán dẫn vi mạch”, ông Yên lưu ý.

Chip ban dan vi mach.jpg
Ngành bán dẫn vi mạch Việt Nam đang phải đối mặt 3 thách thức lớn. Ảnh: Bình Minh

3 thách thức lớn với Việt Nam

Khoảng 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, ông Nguyễn Thanh Yên chỉ ra 3 thách thức lớn mà ngành bán dẫn vi mạch Việt Nam đang phải đối mặt.

Thứ nhất, làm bán dẫn phải có cả hệ sinh thái gồm thiết kế, sản xuất, kiểm thử, đóng gói..., thế nhưng hệ sinh thái cho bán dẫn vi mạch của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. 

“Mọi người hay nói đến sản xuất, đóng gói, kiểm thử, mà quên mất thành tố quan trọng nhất là khách hàng. Chúng ta có nhà máy thiết kế, nhà máy đóng gói, lại có cả xã hội tiêu dùng tiềm năng với 100 triệu dân với nhu cầu sử dụng đồ điện tử rất lớn. Thị trường tiêu dùng lớn như thế lại đang bị chiếm lĩnh bởi các công ty nước ngoài”, ông Yên quan ngại.

Thứ hai, Việt Nam làm chính sách rất tốt, chiến lược rất hay, nhưng thực tế triển khai còn bất cập.

“Cứ nói ưu tiên bán dẫn, nhưng có trường hợp gửi mẫu hàng điện tử từ nước ngoài về Việt Nam bị hải quan tạm giữ, phải lên tận kho của hải quan để giải quyết. Đúng ra hàng mẫu phải được test sau khi gửi vài ngày, vậy mà ách tắc ở hải quan tới 2 tuần”, ông Yên nêu dẫn chứng.

Thứ ba là về tính sở hữu - một trong những đặc tính quan trọng nhất của ngành vi mạch. Tất cả 50 công ty thiết kế chip và 7 công ty đóng gói kiểm thử tại Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp FDI. Họ thích thì ở lại, không thích sẽ rời đi. Tính sở hữu của chúng ta với sản phẩm chip bán dẫn gần như bằng 0. 

Nhìn sang các nước xung quanh như Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… thì thấy phân thành 2 nhóm.

Nhóm 1 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines…, tương tự Việt Nam, chỉ tập trung thu hút FDI càng nhiều càng tốt.

Còn nhóm 2 gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… cũng mở cửa chào đón các công ty nước ngoài, song các công ty trong nước cùng hợp tác sòng phẳng với đối tác ngoại, cùng có tính sở hữu sản phẩm.

“Đến giờ, Indonesia, Philippines… vẫn không có công ty bán dẫn nào, mặc dù thị trường của họ cũng phát triển. Trong khi ở Hàn Quốc có Samsung, Đài Loan (Trung Quốc) có TSMC… Tính sở hữu cực kỳ quan trọng. Việt Nam cần cân nhắc kỹ xem nên chọn hướng nào”, ông Yên khuyến nghị.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đặt mục tiêu rất cụ thể cho 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đến năm 2030; giai đoạn 2 đến năm 2040; giai đoạn 3 đến năm 2050. 

Đến năm 2030 sẽ có 100 công ty thiết kế chip, ít nhất 1 nhà máy sản xuất chip, 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử chip, 50.000 nhân lực trong ngành bán dẫn vi mạch.

Đến năm 2040 có 200 công ty thiết kế, 2 nhà máy sản xuất chip, 15 nhà máy đóng gói, 100.000 nhân lực.

Và đến năm 2050 sẽ có 300 công ty thiết kế, 3 nhà máy sản xuất chip, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử.

Phạm Minh