Số liệu trên được trang thống kê toàn cầu Worldometers cập nhật tính đến 6h sáng ngày 30/5. Số bệnh nhân Covid-19 hồi phục đạt gần 2,7 triệu người.
Khoa chăm sóc tích cực dành cho bệnh nhân Covid-19 thuộc bệnh viện Gilberto Novaes, Brazil. (Ảnh: Axios) |
Đến nay, Mỹ vẫn chật vật đối phó và kiểm soát dịch bệnh, ghi nhận gần 1,8 triệu người dương tính và hơn 104.500 người tử vong, sau khi có thêm xấp xỉ 25.000 ca nhiễm mới và khoảng 1.200 nạn nhân xấu số chỉ trong vòng 24 giờ qua.
Brazil hiện đang là tâm dịch nóng nhất toàn cầu, với số người nhiễm Covid-19 tăng nhanh chóng mặt. Số ca bệnh ở nước này đã lên đến con số trên 466.000 trong khi danh sách tử vong gần chạm mốc 28.000.
Covid-19 cũng hoành hành dữ dội ở Nga và Ấn Độ, hai nước có thêm hàng nghìn người dương tính với virus corona chủng mới trong ngày qua.
Mỹ cắt đứt quan hệ với WHO
Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố chấm dứt mọi quan hệ và đóng góp tài chính đối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cáo buộc tổ chức này không có được những cải cách lớn cần thiết.
Nhà lãnh đạo Mỹ đề cập cách xử lý đại dịch Covid-19 của WHO, cho rằng WHO bị Trung Quốc "gây sức ép" để đánh lừa thế giới về virus corona chủng mới, cản trở phản ứng của Mỹ và toàn cầu, dẫn đến cái chết của hàng trăm nghìn người khắp thế giới - trong đó có hơn 100.000 người Mỹ.
Ông Trump thông báo, tài trợ của Mỹ sẽ được rót vào các nỗ lực y tế công cộng khác.
Nhật lo ngại làn sóng tự tử hậu Covid-19
Dịch Covid-19 đang lùi dần ở Nhật Bản nhưng các nhà chức trách nước này lo ngại cú sốc kinh tế do nó gây ra có thể khiến cường quốc châu Á này quay trở lại thời kỳ 14 năm đen tối kể từ năm 1998, khi có tới hơn 30.000 người tự kết liễu mạng sống của mình.
Theo Reuters, các đường dây điện thoại nóng tư vấn và ngăn ngừa tự tử ở Tokyo hiện đang hoạt động suốt ngày đêm vì có quá nhiều người muốn kết nối và trò chuyện.
Vốn là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Nhật Bản đã tiến hành nhiều cải cách về pháp lý và doanh nghiệp để giảm thiểu tình trạng tự tử. Tuy nhiên, giới chức lo ngại những hệ lụy do Covid-19 gây ra có thể làm đảo chiều những gì đã đạt được.
Kinh tế Nhật được dự báo sụt giảm 22,2% trong quý II. Theo dữ liệu của cảnh sát Nhật năm 2019, khó khăn kinh tế là nguyên nhân tự tử lớn thứ hai sau lý do sức khỏe. Tỷ lệ đàn ông tìm đến cái chết cao gấp gần 3 lần so với phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi 40-60.
Hàn Quốc lại đóng cửa trường học
Hơn 500 trường học tại Hàn Quốc lại phải đóng cửa từ ngày 29/5 sau khi các ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại ở Seoul và vùng lân cận.
Các nhà chức trách cũng quyết định hạn chế số lượng học sinh quay trở lại trường tại khu vực Vùng thủ đô Seoul. Cụ thể, cứ mỗi 3 học sinh các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thì chỉ 1 em được đến trường còn 2 em học từ xa.
Các công viên, phòng trưng bày, bảo tàng, rạp chiếu phim trên địa bàn cũng sẽ đóng cửa trong 2 tuần nữa.
WB chi tiền giúp Indonesia chống dịch
Hội đồng quản trị Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản tiền 250 triệu USD giúp Indonesia ứng phó khẩn cấp nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Theo đó, chương trình tài trợ sẽ giúp quốc gia Đông Nam Á này củng cố hệ thống y tế công cộng, giảm tác động của đại dịch đối với các lĩnh vực kinh tế và xã hội, từ đó giảm bớt đói nghèo và bảo vệ nguồn nhân lực.
Trước mắt, chương trình sẽ giúp tăng cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), thúc đẩy mạng lưới phòng thí nghiệm và hệ thống giám sát, hỗ trợ phát triển và sử dụng các các dịch vụ chất lượng cao.
Phía Indonesia cam kết, thông qua hỗ trợ của WB, nước này sẽ tăng cường năng lực của hệ thống phòng ngừa, xét nghiệm, chăm sóc, đồng thời đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho nhân viên y tế.
Thanh Hảo