Cảnh cáo trực diện
Hôm 22/6, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Thôi Thiên Khải, cảnh báo Mỹ để các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông tự giải quyết với nhau, và rằng sự tham dự của Mỹ chỉ khiến cho tình hình tại khu vực này trở nên xấu hơn. Đây là cảnh báo trực diện nhất của Trung Quốc đối với Mỹ trong vài tuần qua.
"Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền" ở Biển Đông, bởi vậy "Mỹ tốt nhất là để các bên tự giải quyết với nhau", Thứ trưởng Khải phát biểu trong một cuộc họp báo trước vòng một cuộc tham vấn châu Á - Thái Bình Dương ở Hawaii.
Tàu Hải tuần 31 của Trung Quốc. |
Cũng trong cuộc họp báo này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã phủi tay trách nhiệm gây hấn ở Biển Đông. "Chúng tôi rất lo ngại trước các diễn biến gần đây" ở Biển Đông, "nhưng chúng tôi không phải là người châm ngòi các vụ việc", ông Khải nói.
Tờ Nhật báo Trung Quốc số ra cùng ngày cũng đăng bài đổ lỗi gốc rễ tranh chấp Biển Đông đang diễn ra, là từ các hành động đơn phương của Việt Nam và Philippines. Bài báo cũng cáo buộc Mỹ dù không phải là một phần trong khu vực nhưng đã “đổ thêm dầu vào lửa”.
Trước đó, tờ Hoàn cầu, phụ trương của Nhân dân nhật báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài xã luận đăng ngày 21/6 đã lớn tiếng rằng, Bắc Kinh sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết", bao gồm cả hành động quân sự, để bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông.
Thời báo Hoàn cầu cho biết, nếu không đạt được một giải pháp hòa bình trong tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc có thể huy động cảnh sát biển và lực lượng hải quân (nếu thấy cần thiết) để bảo vệ quyền lợi của họ.
"Tùy diễn biến như thế nào, Trung Quốc phải sẵn sàng cho hai kế hoạch: thương lượng để đạt được một giải pháp hòa bình, hoặc đáp trả sự khiêu khích bằng những trận đánh trả vào chính trị, kinh tế hoặc thậm chí cả quân sự", tờ báo này viết.
Phát ngôn ấn tượng
Đường yêu sách lưỡi bò vô lý của Trung Quốc. |
“ASEAN không thể đứng đơn độc trong việc chống lại Trung Quốc”, Baladas Ghoshal, một học giả Đông Nam Á từ Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở New Delhi, Ấn Độ nhận định. Theo ông, ASEAN nên khuyến khích các đối tác như Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản cùng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
“Việc chúng ta có thể làm là liên hệ với những quốc gia như Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản, gửi một thông điệp tới Trung Quốc rằng quốc gia này không thể làm bất kì điều gì với ASEAN”, ông Ghoshal phát biểu tại Hội thảo về triển vọng hợp tác và những vấn đề ở Biển Đông.
Các tin nóng khác
Al-Qaeda lại hành động
Các tay súng của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. |
Hôm 22/6, các tay súng thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tấn công nhà tù trung tâm ở thành phố al-Mukalla, thủ phủ tỉnh Hadramout, miền đông nam Yemen. Ít nhất 40 tù nhân thoát ngục, trong khi một quản giáo thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Thủ tướng Phần Lan
Quốc hội Phần Lan ngày 22/6 đã chính thức phê chuẩn ông Jyrki Katainen, Chủ tịch Đảng Liên minh Dân tộc cánh hữu, làm Thủ tướng mới của nước này. Ông Katainen, nguyên là Bộ trưởng Tài chính, đã cam kết kiềm chế chi tiêu để đảm bảo Phần Lan duy trì được tình hình tài chính ổn định.
Rạn nứt Mỹ - Nga
Tàu khu trục Monterey của Mỹ. |
Văn phòng thông tin báo chí Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết, việc Mỹ điều tàu khu trục Monterey đến khu vực Biển Đen, đã gây ra "những vấn đề nghiêm trọng mới" trong quan hệ với Nga. Phía Nga cho rằng, động thái của Mỹ không thúc đẩy việc củng cố ổn định trong khu vực.
Bất đồng NATO
Hôm 22/6, Italy đã kêu gọi liên quân ngừng các hành vi thù địch, để tạo hành lang an toàn cho các hoạt động nhân đạo. Lời kêu gọi được đưa trong bối cảnh số dân thường Libya thiệt mạng do không kích của NATO đang gia tăng. Đây được xem là dấu hiệu mới về bất đồng trong NATO.
Ảnh ấn tượng
Hai anh em cậu bé Imran ở khu ổ chuột của thành phố Mumbai (Ấn Độ) trên đường đi học. Ảnh: Vivek Prakash/Reuters. |
Ngày này năm ấy
Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá 9, kỳ họp thứ năm đã thông qua Bộ luật Lao động. Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/1995. Bộ luật Lao động quy định về việc làm, học nghề, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, thời giờ làm việc...
Ngày 23/6/1888, ban đồng ca công nhân thành phố Linlơ (Pháp) đã biểu diễn "Quốc tế ca" lần đầu tiên. Từ năm 1918 đến năm 1943, "Quốc tế ca" là quốc ca của Liên Xô. "Quốc tế ca" là bài ca chính thức của giai cấp vô sản trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên dịch "Quốc tế ca" ra tiếng Việt.
Thanh Vân (Tổng hợp)