Theo các nguồn tin, Chính phủ Nhật dự kiến dùng khoảng 16 tỉ Yen (tương đương gần 3.421,4 tỉ đồng) để mua lại hòn đảo Mageshima ở tây nam nước này.
Đảo Mageshima. Ảnh: Kyodo |
Đảo Mageshima tọa lạc cách đảo Tanegashima khoảng 12km về phía tây và có diện tích tổng cộng gần 8km2. Hòn đảo hiện không có người cư trú này được coi là nơi lí tưởng dành cho các hoạt động diễn tập hạ cánh trên tàu sân bay (FCLP) của máy bay chiến đấu Mỹ.
Năm 2011, Tokyo và Washington đã nhất trí xem xét việc di dời các hoạt động huấn luyện FCLP từ đảo Iwoto ở Thái Bình Dương sang đảo Mageshima. Đây là một phần trong kế hoạch sắp xếp lại lực lượng đồn trú Mỹ tại Nhật cũng như tăng cường các hoạt động hợp tác quân sự giữa hai nước.
Quá trình đàm phán để mua đảo Mageshima đã kéo dài hơn dự kiến, do chủ sở hữu hòn đảo - một công ty bất động sản đòi giá cao gấp 10 lần mức Tokyo đề xuất.
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nhật nói, nếu Chính phủ nước này rốt cuộc đạt được thỏa thuận mua lại đảo Mageshima, họ sẽ phải chuẩn bị ra điều trần trước Quốc hội về thương vụ.
Các tin đáng chú ý khác trong ngày:
- Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng các quan chức tháp tùng đã rời Bắc Kinh về nước chiều 9/1, kết thúc chuyến công du Trung Quốc lần thứ 4 sớm hơn kế hoạch ban đầu một ngày. Theo hãng thông tấn Yonhap, trong chuyến đi này, ông Kim đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc tăng cường quan hệ song phương cũng như bàn về cuộc gặp thượng đỉnh lần hai, có thể sắp diễn ra giữa ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
- Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình vào khung "giờ vàng", Tổng thống Trump cảnh báo người dân Mỹ về “một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo" đang gia tăng tại khu vực biên giới phía nam nước này. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi Quốc hội thông qua khoản tài trợ xây tường rào biên giới với Mexico để ngăn chặn khủng hoảng và chấm dứt tình trạng đóng cửa một phần chính phủ suốt 3 tuần qua. Tuy nhiên, trong bài phát biểu đáp trả vài phút sau đó, các lãnh đạo đảng Dân chủ đã đổ lỗi cho ông Trump về thế bế tắc hiện tại.
- Truyền thông Trung Quốc đưa tin, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, 51 tuổi, đã trở thành chủ tịch kiêm đại diện pháp lý của công ty cảng công-ten-nơ quốc tế Sán Đầu (SICT) ở Quảng Đông, Trung Quốc từ ngày 12/12.
- Tòa án Tối cao Mexico tuyên bố cắt giảm 25% lương của các thẩm phán sau khi tân Tổng thống Andrés Manuel Lopez Obrador chỉ trích thu nhập quá cao của họ là “tham nhũng”. Bản thân Tổng thống Obrador đã tự cắt giảm 60% lương tháng của mình, tương đương 5.500USD.
- Phát ngôn viên Liên minh châu Âu (EU) tố cáo, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã âm thầm hạ cấp phái đoàn ngoại giao của khối từ vị trí tương đương với đại sứ quốc gia xuống thành một tổ chức quốc tế. Động thái đồng nghĩa, các nhà ngoại giao EU sẽ khó tiếp xúc với các quan chức Mỹ hơn trước.
- Chính phủ Anh hôm 8/1 khẳng định, nước này sẽ không xem xét kéo dài tiến trình rời khỏi “ngôi nhà chung” châu Âu (Brexit) theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Thủ tướng Anh Theresa May thông báo ngày 15/1 sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội nước này về thỏa thuận Brexit đạt được với EU hồi tháng 11 năm ngoái. Nếu không có gì thay đổi, quá trình Brexit chính thức có hiệu lực từ ngày 29/3 tới.
- Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đề nghị hợp tác với Nga và Iran trong việc ổn định tiến trình hòa bình tại Trung Đông.
- Ông Gonen Segev, người giữ chức Bộ trưởng Năng lượng Israel trong giai đoạn 1995-1996, thừa nhận đã làm gián điệp cho Iran suốt một thời gian dài từ năm 2012. Vị cựu bộ trưởng này đã ký vào thỏa thuận nhận tội để được giảm án xuống còn 11 năm tù giam.
Tuấn Anh