- Nghi can chủ mưu vụ đánh bom ở Bangkok đã trốn sang Trung Quốc; Cảnh sát Hungary ném thức ăn vào người tị nạn… là những tin nóng.

Nổi bật

Cảnh sát Thái Lan cho biết, một ngày trước khi xảy ra vụ đánh bom đền Erawan ở Bangkok hôm 17/8, nghi can chủ mưu đã đến Bangladesh và ở đây gần 2 tuần. Sau đó, y đáp máy bay từ Dhaka đi Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 30/8.

Trước đó, Bangkok Post đưa tin, nghi phạm có tên trên hộ chiếu là Abudureheman Abudusataer, 27 tuổi, đến từ Tân Cương, Trung Quốc.

{keywords}

Nghi phạm chủ mưu vụ đánh bom ở Bangkok với tên hộ chiếu Abudureheman Abudusataer. (Ảnh: Cảnh sát điều tra Thái Lan/ Bangkok Post)

Ông Shahidul Hoque, một quan chức cảnh sát Bangladesh cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra về tên, ngày đến và số hộ chiếu của nghi phạm. Người này đã đến Bắc Kinh”. Cảnh sát đã tiến hành lục soát khách sạn, nơi nghi phạm này thuê phòng.

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói không hay biết về diễn biến vụ việc, đồng thời khẳng định cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Cảnh sát cũng cho biết, nghi phạm áo vàng trực tiếp bỏ lại quả bom ở hiện trường đã trốn sang Malaysia, bằng cách nhờ cậy một đường dây buôn lậu ở thị trấn biên giới Sungai Kolok, huyện Narathiwat, phía nam Thái Lan.

Tổng thanh tra Thái Lan Suchart Teerasawat đã trực tiếp sang nước láng giềng để truy tìm nghi phạm. Với sự trợ giúp của cảnh sát Malaysia, ông Teerasawat cho biết hi vọng sẽ bắt được nghi phạm trong vòng 1-2 ngày tới.

Một manh mối đang được tập trung làm rõ là sự liên hệ giữa nhóm nghi phạm và một người đàn ông Malaysia tên Abubaka bin Sulaiman, bị buộc tội buôn lậu và cá độ bóng đá. Sulaiman từng bị bắt ở Thái Lan, song đã tìm đường trốn sang Malaysia.

Tin vắn

- Ngày 11/9, sau khi cất cánh 4 phút, máy bay số hiệu PR-1814 của hãng hàng không Philippine Airlines, chở 128 hành khách từ thành phố Davao tới thủ đô Manila, đã phải quay đầu và hạ cánh khẩn cấp do phát hiện khói bốc lên từ khoang hành lý. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã được sơ tán khỏi máy bay an toàn. Nguyên nhân vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.

- Một vụ tai nạn xảy ra tại căn cứ Pendleton, hay còn gọi là căn cứ Thủy quân Lục chiến Trại Pendleton, miền Nam California, Mỹ đã khiến 1 lính thủy thiệt mạng và 18 người bị thương. Vụ tai nạn vẫn đang được điều tra.

- Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, Bình Nhưỡng có khả năng sẽ phóng một tên lửa tầm xa nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ngày 10/10. Ảnh vệ tinh cho thấy, một bệ phóng cao 67m mới xuất hiện gần đây tại bãi phóng tên lửa Dongchang-ri, gần biên giới phía tây Triều Tiên.

- Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 11/9 cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã kêu gọi các phần tử cực đoan tấn công vào 3 phái đoàn ngoại giao Nhật tại Bosnia, Malaysia và Indonesia. IS cũng kêu gọi tấn công cơ quan ngoại giao của Panama và Saudi Arabia. Trước nguy cơ này, Nhật Bản đã tăng cường cảnh giác và an ninh tại những vị trí IS nhắm tới.

- Tổng thống Mỹ Barack Obama giành thắng lợi tại Thượng viện về thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Có 40 Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ và 2 Thượng nghị sỹ độc lập trong tổng số 100 thành viên Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này, nhiều hơn 1 phiếu so với tỷ lệ tối thiểu là 41 phiếu ủng hộ.

- Thủ lĩnh al-Qaeda, Zawahiri thể hiện sự thù địch với IS khi lên tiếng cáo buộc thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi là “kẻ kích động nổi loạn, không xứng đáng là thủ lĩnh của nhân dân Hồi giáo và các nhóm phiến quân thánh chiến” như al-Baghdadi từng tuyên bố.

- China Daily ngày 11/9 đưa tin, Trung Quốc đang bắt đầu chế tạo thế hệ máy bay trực thăng tấn công với khả năng tàng hình, được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), một trong những hãng sản xuất vũ khí lớn nhất nước này. Dự kiến năm 2020, loại trực thăng này sẽ bắt đầu được cung cấp cho quân đội Trung Quốc.

​- Chính phủ Hungary ban hành nhiều biện pháp cứng rắn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu. Theo luật định, quân đội và cảnh sát Hungary chốt ở biên giới có quyền sử dụng đạn cao su, lựu đạn hơi cay và cả vũ khí gây sát thương đối với người di cư và tị nạn để kiểm soát tình hình.

- Truyền thông Nhật Bản ngày 11/9 cho biết, lũ lụt nghiêm trọng ở thành phố Joso, tỉnh Ibaraki, miền đông nước này đã khiến 3 người thiệt mạng và ít nhất 25 người mất tích, trong đó có 2 trẻ em 8 tuổi. Hiện máy bay trực thăng và hàng nghìn nhân viên cứu hộ đang được gấp rút triển khai để sơ tán người dân vẫn còn mắc kẹt.

- Thủ lĩnh đảng Ý nguyện Nhân dân đối lập tại Venezuela, Leopoldo Lopez bị kết án 13 năm và 9 tháng tù giam với cáo buộc kích động bạo lực, biểu tình vào tháng 2/2014, khiến 43 người chết và 800 người bị thương, làm nền kinh tế nước này thiệt hại nặng.

- Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 12 tại Singapore nhằm bầu chọn 89 đại biểu Quốc hội đã kết thúc vào 20 giờ ngày 11/9 (giờ địa phương). Tổng cộng có hơn 2,46 triệu cử tri đi bầu cử tại 832 điểm bỏ phiếu trong nước và 10 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài.

Tin ảnh

{keywords}

Cảnh sát Hungary ném thức ăn vào đám đông người di cư và tị nạn đang thiếu thốn lương thực, khiến họ phải tranh giành lẫn nhau, tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn và thương tâm tại thị trấn biên giới Roszke. Hành động của lực lượng an ninh Hungary đã vấp phải làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ và bị lên án. (Ảnh: Youtube/Sprido08)

Phát ngôn

Ngày 11/9, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Thực sự, Trung Quốc và Mỹ có thể đưa an ninh mạng trở thành một lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc, Mỹ và các nước khác có thể làm việc cùng nhau để đưa ra các quy tắc an ninh mạng quốc tế, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi”.

“Điều quan trọng là cả hai nước giữ liên lạc chặt chẽ ngay cả khi có những nhận thức và quan điểm khác biệt”, ông Dương nói.

Sự kiện

Ngày 12/9/1990: Đông Đức và Tây Đức cùng Tứ Cường (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô) đã họp tại Moscow và kí kết “Hiệp ước về quy chế then chốt cho nước Đức”. Sự kiện này được coi là điểm khởi đầu cho con đường thống nhất nước Đức.

Ngày 12/9/2007: Cựu Tổng thống Philippines, ông Joseph Estrada bị kết án về tội biển thủ 80 triệu USD trước khi bị buộc phải rời bỏ vị trí vào năm 2001.

Lan Phương