Bước sang năm mới, thế giới vẫn đối mặt với một loạt thách thức, như đại dịch Covid-19 chưa thoái lui, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, khủng hoảng nhân đạo, di cư và hoạt động khủng bố xuyên quốc gia… Tất cả khiến cho hầu hết các nước sẽ trải qua một năm mới nhiều biến động.
Ảnh: Vecteezy |
Trung Đông
Các sự kiện ở Trung Đông sẽ trở nên nổi bật trong năm 2022, nhưng vì các lý do tích cực nhiều hơn tiêu cực. Một trong những điểm nhấn là World Cup được tổ chức tại Qatar vào tháng 11. Lần đầu tiên một quốc gia Ảrập tổ chức giải đấu này và sự kiện được kỳ vọng mang lại cơ hội quan trọng cho khu vực về mặt kinh doanh, du lịch và có thể là một hình thức quản trị tiến bộ, cởi mở hơn.
Tuy nhiên, chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của khu vực vẫn là những chủ đề quen thuộc. Đó là liệu Israel và Mỹ có hành động về mặt quân sự hay kinh tế để kiềm chế Iran đạt tới khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân (điều mà Tehran bác bỏ) hay không. Trong năm qua, Israel dọa sẽ không kích nếu đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 thất bại.
Sự chú ý cũng tập trung vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với chính sách đối ngoại quyết đoán cùng những tranh cãi dai dẳng với EU và Mỹ. Một điểm nóng khác nhiều khả năng là Lebanon – đang bên bờ vực trở thành một quốc gia thất bại như Yemen nội chiến và Libya hỗn loạn – và Palestine với bạo lực chưa nguôi ở Bờ Tây.
Châu Á – Thái Bình Dương
Mọi con mắt của thế giới sẽ đổ dồn vào Trung Quốc, đặc biệt là vào đầu và cuối năm nay. Thế vận hội Mùa đông khai mạc ở Bắc Kinh vào tháng 2 có thể bị ảnh hưởng bởi một số nước không cử quan chức tới dự. Đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra vào cuối năm với việc bầu nhân sự vào các vị trí cấp cao trong Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua/AP |
Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, dân số già cùng nhiều thách thức liên quan đến khi hậu và môi trường cũng như những nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm "kiềm chế" Trung Quốc đang gây áp lực lên Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, năm 2022 nhiều khả năng sẽ chứng kiến Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng về địa chính trị và kinh tế trên toàn cầu.
Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực – có thể tỏ ra "đuối sức" hơn. Theo một số dự báo, dân số nước này có thể sớm bằng hoặc vượt dân số Trung Quốc (1,41 tỷ người), nhưng cùng lúc Ấn Độ phải đương đầu với tỷ lệ sinh và quy mô gia đình trung bình suy giảm. Đáng chú ý hơn, tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya giữa hai nước láng giềng vẫn chưa được giải quyết.
Châu Á còn một số điểm nổi bật khác trong năm tới, bao gồm vấn đề Triều Tiên, tình hình Myanmar và cảnh ngộ khốn khổ của người Afghanistan sau khi Taliban giành quyền lực. Ở Philippines, người dân sẽ bầu tổng thống mới vì nhà lãnh đạo đương nhiệm Rodrigo Duterte bị giới hạn chỉ giữ một nhiệm kỳ. Ở Australia, Thủ tướng Scott Morrison sẽ tái tranh cử.
Châu Âu
Đây sẽ là một năm quan trọng đối với châu Âu, khi giới lãnh đạo EU và các nước thành viên đối mặt với sự chia rẽ cả bên trong lẫn bên ngoài, sự tác động của đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết, vấn đề di cư, các cam kết về phát thải cùng không ít thử thách mới.
Về cơ bản, châu Âu phải quyết định xem mình muốn được coi trọng như một chủ thể toàn cầu, hay sẽ phải nhường ảnh hưởng quốc tế của mình cho Trung Quốc, Mỹ, hay nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin và các quốc gia khác.
Mỹ Latinh
Cuộc chạy đua bầu cử ở Brazil vào tháng 10 có thể sẽ diễn ra rất gay cấn. Ở trong nước, Tổng thống Jair Bolsonaro chịu nhiều chỉ trích vì cách thức xử lý đại dịch yếu kém. Hơn nửa triệu người Brazil đã tử vong vì Covid-19. Ở ngoài Brazil, ông bị lên án vì phủ nhận biến đổi khí hậu và vì tình trạng rừng Amazon bị tàn phá.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: AP |
Các cuộc khảo sát ý kiến ở châu Âu cho thấy sự ủng hộ dành cho các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy – dân tộc cực hữu đang giảm bớt. Nhưng ở Nam Mỹ lại không theo xu hướng này.
Ở Argentina, Tổng thống Alberto Fernández sẽ tiếp tục đối mặt với một loạt vấn đề khó khăn, sau khi đảng của ông lần đầu để mất thế đa số ở quốc hội trong gần 40 năm qua. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador vẫn phải chịu đựng căng thẳng với Mỹ về thương mại, ma túy và người di cư từ Trung Mỹ.
Mỹ
Mọi sự chú ý sẽ dồn vào chiến dịch bầu cử giữa kỳ (tháng 11) ở Mỹ khi đảng Dân chủ dốc sức cạnh tranh với đảng Cộng hòa để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện. Kết quả bỏ phiếu chắc chắn sẽ được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Nếu phe Cộng hòa làm tốt ở các bang chiến địa, ông Donald Trump gần như chắc chắn sẽ quyết định ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2024.
Một số vấn đề mà cử tri Mỹ sẽ quan tâm bao gồm những tiến bộ trong ngăn chặn Covid-19, tình hình kinh tế với giá cả và lãi suất tăng cao, và các vấn đề xã hội gây chia rẽ như di cư, chủng tộc và quyền phá thai.
Vấn đề lớn nhất của những người Dân chủ trong năm 2022 có thể là mâu thuẫn trong nội bộ đảng. Sự chia rẽ giữa những người cấp tiến và ôn hòa, đặc biệt là ở Thượng viện, đã làm suy yếu các dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và chăm sóc xã hội được Tổng thống Biden phê chuẩn.
Một số trọng tâm là về chính ông Biden: Liệu ông có tái tranh cử năm 2024, và vấn đề tuổi tác, tinh thần cũng như khả năng của ông trong thực thi chương trình nghị sự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Haris. Ảnh: AP |
Áp lực từ những người di cư Trung Mỹ ở biên giới phía nam cũng có thể là câu chuyện cho cuộc chạy đua bầu cử năm 2022. Tổng thống Biden cùng "phó tướng" Kamala Harris bị cáo buộc tiếp tục các chính sách hà khắc của người tiền nhiệm Donald Trump. Niềm tin vào ông Biden cũng giảm bớt vì chiến dịch rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan. Nhiều điểm trừ khác trong chính sách đối ngoại lớn của Mỹ, liên quan đến Nga và cuộc khủng hoảng ở Ukraina hay Trung Quốc, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm kỳ của ông Biden.
Châu Phi
Một số chủ đề lớn nhất của năm 2022 sẽ diễn ra trên khắp châu Phi. Trong số những câu hỏi nổi bật là liệu người châu Phi – phần lớn vẫn chưa được tiêm ngừa Covid-19 – có phải chịu giá đắt vì thực trạng độc quyền và miễn cưỡng chia sẻ vắc xin của thế giới phát triển hay không.
Sự bùng phát của Omicron có thể cho thấy nhiều biến thể khác nữa sẽ xuất hiện trong năm 2022. Tuy nhiên, một lần nữa, phản ứng của các nước phát triển có thể sẽ chỉ tập trung vào bảo vệ người dân trong nước, mà không có sự hợp tác chống dịch ở tầm quốc tế.
Diễn biến của đại dịch toàn cầu trong năm 2022, cả về hiểm họa sức khỏe và thịnh vượng kinh tế, là điều khó biết trước. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia châu Phi với dân số tương đối trẻ và ít bị tổn thương trước tác động của Covid-19, vấn đề lớn hơn có thể là những tác động tiêu cực đến cách thức ứng phó với các căn bệnh khác.
Covid-19 khiến cuộc chiến chống nhiều căn bệnh khác ở châu Phi gặp khó khăn. Ảnh: AP |
Ước tính 25 triệu người ở châu Phi sẽ sống chung với HIV/AIDS trong năm 2022. Trong một năm điển hình, bệnh sốt rét cướp đi sinh mạng của gần 400.000 người. Việc điều trị hai căn bệnh này cùng nhiều bệnh khác như lao và tiểu đường có thể trở nên tồi tệ hơn vì những căng thẳng mà Covid-19 gây ra cho hệ thống y tế.
Châu Phi đã thay thế Trung Đông trở thành vùng đất mới của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, theo quan điểm của nhiều nhà phân tích. Xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục trong năm 2022. Các nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại sự gia tăng bạo lực thánh chiến ở châu Phi có thể được tổ chức tốt hơn trong năm mới.
Theo danh sách theo dõi khẩn cấp năm 2022 của Ủy ban Cứu hộ quốc tế, châu Phi chiếm tới 12 trong số 20 quốc gia có nguy cơ khủng hoảng nhân đạo trầm trọng hơn. Đó là Ethiopia, Nam Sudan, CHDC Congo, Somalia, Sudan, Nigeria, Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, Mozambique, Mali, Niger và Cameroon.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã phát động một đợt kêu gọi tài trợ kỷ lục 9,4 tỷ USD trên toàn thế giới cho năm 2022 để giúp đỡ hơn 327 triệu người, trong đó có 177 triệu trẻ em, bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo và Covid-19.
Đọc tin thế giới trên VietNamNet
Thanh Hảo
Các thành phố trên khắp thế giới đón Năm mới thế nào?
Biến thể Omicron làm số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở hàng loạt khu vực trên thế giới khiến chính phủ nhiều nước phải thu hẹp hoặc hủy bỏ các sự kiện đêm Giao thừa.