Dự định tích hợp chip điện tử, tiến tới tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… vào thẻ căn cước công dân nhằm tăng tính tiện tích, tạo thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch điện tử (Ảnh minh họa: Internet) |
Cử tri tỉnh Lào Cai mới đây đã có kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm triển khai làm thẻ căn cước và ứng dụng CNTT trong quản lý để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong việc giao dịch các thủ tục hành chính liên quan đến chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm và các giao dịch về nhà đất.
Về vấn đề nêu trên, Bộ TT&TT cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này sẽ là cơ sở để triển khai các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân khi tham gia các thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước.
Hiện tại, Bộ Công an đã hoàn thành thu thập dữ liệu dân cư bằng phiếu của 59 tỉnh, thành phố, 80 triệu dữ liệu trên cả nước và đang thực hiện số hóa đưa vào cơ sở dữ liệu (4 tỉnh, thành phố đã có dữ liệu là Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Tây Ninh).
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo “Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân; tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021 – 2025”.
Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (Đề án 896) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 với mục tiêu sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đơn giản các thủ tục hành chính của người dân. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về việc đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục hành chính công của các bộ, ngành. Theo định hướng này, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thành, người dân sẽ không cần phải cung cấp các giấy tờ, không phải kê khai thông tin cho cơ quan nhà nước đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện các thủ tục hành chính mà chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân.
Cũng theo Bộ TT&TT, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công an để thúc đẩy việc triển khai, sớm đưa cơ sở dữ liệu về dân cư vào vận hành, khai thác.
“Đồng thời, Bộ TT&TT cũng sẽ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong việc giao dịch các thủ tục hành chính liên quan đến chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm và các giao dịch nhà đất, hướng đến giúp đơn giản hóa giấy tờ liên quan đến công dân trong thực hiện thủ tục hành chính”, Bộ TT&TT cho biết.
Đáng chú ý, trong thông tin trả lời kiến nghị của cử tri Lào Cai, Bộ TT&TT còn cho hay, hiện tại Bộ Công an đang triển khai mở rộng cấp thẻ căn cước công dân. Để tăng tính tiện tích, tạo thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch điện tử, theo dự định, thẻ căn cước công dân sẽ được tích hợp chip điện tử, tiến tới tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… vào thẻ căn cước công dân.
Liên quan đến việc tích hợp công nghệ chip vào thẻ căn cước công dân Việt Nam, hồi cuối năm ngoái, trao đổi với ICTnews, đại diện MK Group đã cho biết doanh nghiệp Việt chuyên cung cấp các giải pháp xác thực bảo mật số và thẻ thông minh này đã đề xuất lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc triển khai ứng dụng thực tế hệ sinh thái thẻ công dân số Việt Nam - tích hợp công nghệ chip vào thẻ căn cước công dân để với chỉ một chiếc thẻ, người dùng có thể sử dụng vào nhiều việc.
“Hiện nay, thẻ căn cước công dân của Việt Nam vẫn là thẻ sử dụng công nghệ nhận dạng mã vạch (barcode). MK Group đã đề xuất lên các cơ quan chức năng cho phép ứng dụng giải pháp tích hợp công nghệ chip vào thẻ căn cước công dân để với chỉ một chiếc thẻ, người dùng có thể sử dụng vào nhiều việc. Cụ thể, ngoài tác dụng chính là xác thực, định danh công dân, thẻ căn cước điện tử sử dụng công nghệ chip còn có thể đóng vai trò như bằng lái xe, thẻ lưu trú, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ giao thông công cộng, ví điện tử... Về giải pháp kỹ thuật, chúng tôi đã sẵn sàng, giờ chỉ còn chờ được các cơ quan chức năng cho phép ứng dụng vào thực tế”, đại diện MK Group chia sẻ.