Về kích thước, thẻ gắn chip mới vẫn có kích thước theo tiêu chuẩn như chiếc thẻ ATM từ, với chiều dài: 85.60mm x chiều rộng: 53.98mm.
Về độ bảo mật, giới chuyên môn cho rằng, thẻ ATM gắn chip có bảo mật cao hơn so với thẻ ATM cũ. Bởi thẻ ATM từ có dải băng từ màu đen ở mặt sau của thẻ, chứa các thông tin của chủ thẻ, số thẻ được hiển thị. Song thông tin của chủ thẻ trong vạch đen được lưu dưới dạng văn bản nên dễ bị giải mã, đánh cắp. Khi khách hàng cắm thẻ vào máy ATM hay quẹt thẻ trên máy POS, thông tin cá nhân lưu trữ ở dải từ màu đen phía sau sẽ được đọc bởi các đầu đọc trong máy.
Do đó, chỉ cần một thiết bị quẹt thẻ từ thông dụng trên thị trường, kẻ gian có thể lén gắn trộm thiết bị ghi thao tác nhập mã PIN từ người sử dụng, sao chép thông tin của họ. Từ đó, kẻ gian có thể dễ dàng tạo ra thẻ giả để rút tiền trong tài khoản của khách hàng. Vì vậy, nguy cơ khách hàng bị lộ hoặc bị đánh cắp thông tin thẻ là rất cao.
Thẻ ATM gắn chip có bảo mật cao hơn so với thẻ ATM cũ (Ảnh minh họa: KT) |
Còn thẻ ATM chip có một con chip điện tử được gắn trước thẻ, con chip này sẽ chứa thông tin (đã được mã hóa) của chủ thẻ. Vì thông tin của chủ thẻ đã được mã hóa dưới dạng dãy kí hiệu kiểu hệ nhị phân của máy tính nên sẽ tăng cường độ bảo mật của thông tin. Mã hóa của chip trên thẻ sẽ được thay đổi liên tục.
Thẻ chip có gắn một vi mạch trên bề mặt thẻ, dữ liệu giao dịch sẽ được lưu cố định tại chip (mặt trước thẻ) và mật mã giao dịch thay đổi theo mỗi giao dịch. Như vậy, mỗi khi thẻ chip được dùng để thanh toán thì chip sẽ tạo ra một mã giao dịch độc nhất và không lặp lại. Chỉ có ngân hàng phát hành thẻ mới có thể xác thực được mật mã này và cấp phép thực hiện giao dịch. Nếu thẻ ATM chip bị đánh cắp thông tin từ một cửa hàng nào đó, chiếc thẻ giả sẽ không bao giờ hoạt động vì mã giao dịch bị trộm sẽ không dùng lại được, chiếc thẻ đó sẽ bị từ chối.
Hơn nữa, thẻ ATM gắn chip của các ngân hàng hiện nay ngoài các tính năng giao dịch thông thường còn được bổ sung tính năng thanh toán không tiếp xúc (contactless) nhằm tăng cường sự bảo mật và hạn chế sự tiếp xúc qua tay của người khác lên thẻ ATM cá nhân. Điểm dễ nhận biết với thẻ chip là thẻ chạm không tiếp xúc sẽ có biểu tượng cột sóng trên mặt trước thẻ.
Với tính năng thanh toán không tiếp xúc, khách hàng có thể không cần cầm thẻ chip trên tay mà có thể để thẻ trong ví của mình, khách hàng chỉ cần chạm thẻ vào máy quẹt thẻ, không cần đưa nhân viên cà thẻ hoặc đưa chip vào máy. Việc này giúp hạn chế khả năng mất thẻ, đồng thời bảo mật thông tin đến mức tối đa, tránh việc bị kẻ gian lấy cắp thông tin.
Cách sử dụng thẻ ATM chip cũng không có quá nhiều khác biệt so với thẻ ATM từ. Khách hàng vẫn có thẻ sử dụng thẻ chip thực hiện các giao dịch thanh toán tại cửa hàng, siêu thị hay rút tiền nhanh chóng tại các điểm rút tiền tự động ATM.
Đặc biệt, thẻ chip là thẻ thanh toán quốc tế nên có thể thực hiện giao dịch, mua hàng online trên toàn cầu.
Một ưu điểm nữa của thẻ ATM chip là có thể tích hợp với các ứng dụng dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với các ngành khác như giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục và dịch vụ công... Điều này giúp cho ngân hàng phát hành có thể gia tăng thêm các tiện ích cho khách hàng trên cùng một chiếc thẻ vật lý.
Để bảo quản thẻ ATM gắn chip, khách hàng cần lưu ý không để thẻ chip gần các vật sắc nhọn như dao kéo… và bảo quản chúng trong ví mềm để tránh hư hỏng chip; không bẻ, uốn cong thẻ vì có thể làm sai lệch các thông tin do chip có các mạch điện tử bên trong; bảo quản thẻ ở nơi ở nhiệt độ thường vì thẻ được cấu tạo từ nhựa cứng nên có thể nhanh hư hỏng nếu ở điều kiện không phù hợp.
Để tránh mất phí quá cao khi thực hiện giao dịch với thẻ chip, khách hàng lưu ý rút tiền tại ATM trong hệ thống; chuyển khoản trong nội bộ hệ thống qua máy ATM.
Người dùng nên sớm đăng ký để được cấp thẻ ATM gắn chip trong thời gian sớm nhất để tránh việc giao dịch bị gián đoạn bởi sau ngày 31/12/2021, các thẻ từ sẽ không được sử dụng trên toàn quốc, ngay cả việc rút tiền tại ATM. Nhiều ngân hàng đã và đang miễn phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip rất có lợi cho người sử dụng, góp phần nâng cao mức độ bảo mật, tốc độ giao dịch, tính an toàn và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Đồng thời, việc chuyển đổi cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán, mở rộng và phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam; tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng, bảo đảm cho các thành viên thị trường có thể liên kết, chia sẻ, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng công nghệ liên quan tới phát hành, thanh toán và sử dụng thẻ.
Anh Tuấn (Tổng hợp)
Thẻ từ ATM, hơn 1 tháng nữa bị 'khai tử'
Theo thông tư 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau ngày 31/12/2021, những thẻ ATM từ sẽ không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc.