- Cả thế hệ 7x và 8x đời đầu rất “quen” với thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA – một chuyên gia tiếng Anh hàng đầu của Việt Nam – qua các chương trình Dạy tiếng Anh trên truyền hình từ những năm 1990.

Gặp lại thầy trong một cuộc hội thảo về tiếng Anh trong trường mầm non, thầy Hùng khuyên “Lên lớp 3 hãy cho các con học tiếng Anh bài bản, còn từ lớp 1, lớp 2 trở xuống chỉ cho chơi chơi thôi, biết thì biết, không biết thì thôi”.

Trước những tranh luận về việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ 3, 4 hay 5 tuổi, thầy Hùng cho rằng đã gọi là làm quen thì từ tuổi nào cũng được. “Nhưng tôi thấy 3 tuổi trẻ còn bé quá. Tôi có đứa cháu ngoại 3 tuổi, có biết gì đâu, suốt ngày chỉ ông bảo “Đi ra!””.

Về kết quả khảo sát hơn 80% giáo viên mầm non cho rằng độ tuổi lên 3 là phù hợp cho trẻ làm quen với tiếng Anh, thầy Hùng bảo “Chẳng hiểu các thầy cô nghiên cứu ở đâu. Tôi làm thực tiễn ở các trường thì thấy rằng 3 tuổi là quá sớm”.

{keywords}
  Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA

Trong nhiều năm nay, phụ huynh đầu tư cao và quan tâm lớn đến tiếng Anh của trẻ ở mầm non cũng như trẻ tiểu học. Nhiều phụ huynh cho con đi học thêm vào thứ bảy và chủ nhật, học với thầy cô Việt Nam, học với “thày Tây”, nhưng đa số phàn nàn rằng con mình không nói được tiếng Anh.

Thầy Hùng nhận xét “Với tham vọng của phụ huynh là con nhỏ của mình nói được tiếng Anh. Vậy thì câu hỏi chúng ta cần trả lời là “Nói được tiếng Anh đến đâu?”.

Nếu đặt vấn đề trẻ nhỏ phải sử dụng được tiếng Anh một cách tự tin khi giao tiếp thì tính khả thi sẽ rất thấp do nhiều yếu tố. Nếu đặt vấn đề trẻ nhỏ có thể giao tiếp được trong phạm vi rất hạn chế về từ vựng, mẫu câu và phát âm đúng thì mục đích này có tính khả thi cao”.

"Nhiều phụ huynh cứ cho rằng trẻ học sớm sẽ giỏi tiếng Anh, nhưng không phải như vậy. Nói được tiếng Anh hay không còn phụ thuộc nhiều vấn đề. Tôi từng biết có một cậu bé lúc 5 tuổi nói tiếng Anh như người Anh. 20 năm sau gặp lại, cậu thanh niên này đang đi học tại chức tiếng Anh. Các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua cũng cho thấy điều này.

Trẻ có nói được tiếng Anh hay không còn phụ thuộc vào sự say mê.

Còn nếu bảo học sớm để hội nhập cũng không phải”.

Thầy Hùng cũng cho rằng sự kỳ vọng của phụ huynh gây áp lực khủng khiếp cho các trường. Vì vậy các  nhà trường khi tổ chức học tiếng Anh phải nói chuyện với phụ huynh, để phụ huynh đặt vấn đề đúng mức.

Phụ huynh cứ tưởng tượng con mình học tiếng Anh như thế sẽ nói được tiếng Anh, tiếp xúc được với người nước ngoài, đọc được truyện… Đó là ảo tưởng.

Phụ huynh nên xác định đúng mức. Ví dụ một năm chỉ cần biết khoảng năm chục từ, 4, 5 mẫu câu, trẻ sẽ vận dụng những cái đó để nói. Chứ nếu cứ muốn gặp người nước ngoài nói chuyện như nói Tiếng Việt thì không thể có đâu".

Theo thầy Hùng, từ lớp 3 trở lên trẻ phải học bài bản. Ví dụ Bộ GD-ĐT quy định từ lớp 3 đến lớp 5 nắm được 500 từ và khoảng 20 mẫu câu thì làm sao phải dàn trải trong cấp học đấy để dạy đủ, huấn luyện học sinh sử dụng được những thứ đó. Kết cục là nói được trong phạm vi đấy chứ không thể hơn.

"Vấn đề vấn là mục đích đặt ra. Đừng hy vọng học hết tiểu học là con mình nói được tất cả các thứ.

Mục đích đặt ra đúng mức sẽ làm thành công được”.

Về sự “trợ giúp” của bố mẹ đối với trẻ, thầy Hùng cho rằng phụ huynh có thể giúp con nếu giỏi. “Thứ nhất là giỏi tiếng Anh, thứ hai là giỏi phương pháp. Nếu không phụ huynh sẽ chống lại nhà trường. Chẳng hạn như nhà trường dạy kiểu này, về nhà phụ huynh kiểm tra rồi lại dạy kiểu khác. Nhà trường tuyệt đối không dùng dịch, ví dụ chỉ giơ quả táo lên bảo “apple”, học sinh bắt chước theo. Nhưng về nhà phụ huynh lại bảo “Con ơi quả táo là gì hả con?” – thế là bắt nó dịch, hai bên chống nhau.

Thứ hai phụ huynh phải phát âm thật tốt. Nếu không phát âm tốt sẽ dạy con sai".

Còn nếu phụ huynh không biết tiếng Anh thì đừng “sờ” đến.

So với thời bọn tôi việc dạy và học Tiếng Anh bây giờ đã khác rất nhiều. thời chúng tôi học rất tự nguyện, vừa phải, không có tham vọng. Đến bây giờ, tôi thấy phụ huynh tham vọng quá” – thầy Hùng so sánh.  

Nói tới các kỳ thi tiếng Anh, thầy Hùng cho biết “Nếu là tôi, tôi sẽ bỏ. Thi làm gì? Mấy cái chứng chỉ có để làm gì đâu. Các nhà trường hay thích học sinh để có thành tích. Nhưng tôi cho rằng đó là chuyện phụ, chuyện chơi chơi, chẳng nên ép” – thầy Hùng nêu quan điểm.

Cứ cho con được nghỉ ngơi ở nhà, hay cho nó ôm cổ mẹ, đừng có nói “I love you” mà hãy bảo là “Con yêu mẹ lắm” – bởi tôi sợ là ngay cả câu ấy bây giờ trẻ cũng quên mất rồi”.

Nguyễn Quốc Hùng M.A là một trong những chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh hàng đầu ở Việt Nam với 34 năm công tác và giảng dạy tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, 25 năm xây dựng các chương trình Tiếng Anh trên truyền hình VTV2 (từ năm 1986 đến 2011) và 20 năm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (từ năm 1994 đến nay).

Thầy Nguyễn Quốc Hùng là giảng viên đầu tiên của Việt Nam được nhà nước Việt Nam cử sang Anh để đào tạo bài bản về dạy tiếng Anh qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ông nói: "Học tiếng Anh cũng như học bơi, nếu không có phương pháp thì không thể bơi xa, bơi đúng được".

 Chi Mai