- Giảng viên Pham Thanh Long cho rằng trường đại học không có chức năng cung cấp phúc lợi xã hội và không cần quan tâm đến gia cảnh sinh viên, nên đừng mang sự nghèo khó ra làm sức ép với học phí đại học.

{keywords}
Bài viết bàn về vấn đề tăng học phí của Trường ĐH Kinh tế quốc dân trên Facebook cá nhân Pham Thanh Long - một giảng viên của trường

Trong khi câu chuyện tăng học phí của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đang gây xôn xao cộng đồng sinh viên của trường thì mới đây, trên trang Facebook cá nhân của một giảng viên của trường có tên Pham Thanh Long, một bài viết bàn về vấn đề này lại khiến dư luận “dậy sóng”.

Bài viết khá dài có tên “Học phí tăng – học đi kẻo phí” đăng tải ngày 21/7 trên trang Facebook thầy giáo Pham Thanh Long chia sẻ một quan điểm khác về vấn đề tăng học phí của Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Ngay đầu bài viết, giảng viên này khẳng định “tôi viết chủ yếu cho các cháu sinh viên của tôi và cho trường tôi. Tôi nghĩ mình cần viết, vì có quá nhiều người từ sinh viên tới giảng viên, thậm chí có thể nói là gần như cả xã hội đang hiểu sai về đại học, hiểu sai về các vấn đề kinh tế. Những thứ tôi viết sau đây hoàn toàn không phải là quan điểm cá nhân, mà là kiến thức và những nhận thức tối thiểu cần có để vào đời, để có thể học tiếp những thứ khác về kinh tế, chỉ là diễn đạt theo cách của tôi mà thôi. Học phí sẽ được đề cập đến trong từng vấn đề liên quan”.

Trong phần đầu của bài viết, tác giả cho rằng: “Đào tạo đại học không phải là thứ dành cho toàn dân như một món phúc lợi mà tất cả cùng được hưởng. Trường đại học không phải là đơn vị chức năng của nhà nước có nhiệm vụ cung cấp phúc lợi xã hội (dù là trường công lập). Vì mấy lí do trên, trường đại học không cần quan tâm đến vấn đề khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, không cần quan tâm đến gia cảnh sinh viên. Trường đại học hoàn toàn không có mục tiêu hay nhiệm vụ là phải làm cho người nghèo được học đại học. Thế nên tất cả thầy cô lẫn sinh viên, hãy dẹp ngay cái việc mang sự nghèo sự khó ra để làm sức ép đối với học phí đại học”.

Tiếp đó, giảng viên này khẳng định, trong nền kinh tế thị trường, trường đại học là đơn vị bán dịch vụ giáo dục, đào tạo. “Công lập hay dân lập cũng thế thôi. Cái cơ chế ăn ngân sách nhà nước của các trường đại học công lập để đào tạo theo nhiệm vụ như trước đây đã chấm dứt từ lâu rồi. Bây giờ ngoài nhiệm vụ đào tạo theo quy hoạch chung của cả nước, các trường đại học còn có nhiệm vụ tự chủ kinh tế và tài chính của mình như một doanh nghiệp thực sự. Và thế là Trường đại học buộc phải là người bán, còn sinh viên là người mua. Đó là quy luật của thị trường…”

“Trong mua bán, người mua không thể lôi hoàn cảnh của mình ra để đòi người bán giảm giá. Người mua không thể vào Tràng Tiền Paza đòi mua cái túi xách Eo-Vì (Louis Vuitton) 100 củ, nhưng bắt người bán phải bán giá 500 nghìn VND, vì lí do tôi nghèo và bố mẹ tôi không có tiền nhưng tôi vẫn thích LV. Nếu chỉ có 500 nghìn, các bạn hãy ra phố Chùa Bộc sau 6h tối, có nhiều sự lựa chọn cho các bạn” – tác giả hài hước ví von.

Cũng theo đó, thầy giáo Pham Thanh Long cho rằng học đại học là một phi vụ đầu tư của sinh viên và gia đình. “Những gì các bạn bỏ ra cho mấy năm đại học chính là phí đầu tư đấy, các bạn đầu tư cho tương lai của mình và gia đình, chứ không phải cho xã hội”.

Trong phần “học phí tăng – sinh viên cần làm gì?”, giảng viên này đã “hiến kế” cho các sinh viên: thay vì kêu than, phàn nàn, hãy làm cái gì đó để kiếm tiền phụ bố mẹ. “Có quá nhiều thứ để có thể kiếm ra tiền. Học theo tín chỉ lại càng có thể chủ động thời gian để kết hợp làm thêm. Khi gặp khó khăn, nhất là thiếu tiền, không có cách nào khác là phải chăm chỉ và vất vả hơn. Hoàn toàn có thể cân đối việc học tập và việc kiếm thêm tiền. Bớt thời gian than vãn và chém gió trên Facebook đi cũng kiếm được ra tiền đấy.”

Một giải pháp khác được đưa ra là: vay vốn ngân hàng, hay vì học phí tăng nên hãy cố gắng học thật chăm chỉ để kiếm học bổng, rút ngắn thời gian học bằng cách bằng cách không nghỉ hè.

“Nếu không hiểu tất cả những điều nêu trên, không muốn làm tất cả phương án nào nêu trên và vẫn không có tiền đóng học phí, chỉ biết kêu ca, các bạn hãy bỏ học thật, đừng dọa, tôi khuyên chân thành đấy” – thầy giáo Pham Thanh Long viết.

Sau hơn một ngày đăng tải, bài viết của thầy Pham Thanh Long nhận được gần 1.000 lượt chia sẻ, gần 2.000 lượt “like”. Tuy nhiên, không ít ý kiến trái chiều, phản đối quan điểm này được đưa ra.

Một số sinh viên cho rằng thầy giáo không thông cảm với những sinh viên nông thôn, vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.

Không đồng tình với quan điểm của thầy Phan Thanh Long, một sinh viên của trường thẳng thắn đáp trả: “Nếu mối quan hệ của sinh viên và nhà trường là mối quan hệ mua bán thì của thầy và trò là gì? Nếu tri thức giống một loại hàng hoá thì con người có thể chọn mua nó hay không, nhưng điều này không đúng với các anh chị năm 2, 3, 4 . Đầy người có hoàn cảnh khó khăn mà đi làm rồi cũng không đủ trả học phí, mà bỏ thì mất mấy năm theo học ạ?

Tóm lại em thấy ý kiến của thầy có thể đúng, có thể sai tuỳ vào suy nghĩ mỗi người nhưng việc tăng học phí không công bằng với các anh chị năm 2,3,4. Nhà trường nên áp dụng mức học phí cũ với các anh chị năm 2, 3, 4. Vì là " người mua" tri thức nên sinh viên hoàn toàn có quyền lên tiếng! Thiếu sinh viên thì trường cũng không tồn tại và phát triển được, không có sinh viên thì trường dạy ai? Danh tiếng của trường phát triển là nhờ sản phẩm của thế hệ sinh viên tài năng, chứ thầy giỏi mấy dạy toàn sinh viên hư hỏng cũng chả có NEU như ngày hôm nay”.

Hay như một sinh viên khác cũng đặt câu hỏi: “Cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy có tăng theo không hay dậm chán tại chỗ?”

  • Nguyễn Thảo