- Sau bài viết 8 triệu/bữa ăn, khách bàng hoàng ở nhà hàng sang trọng giữa HN nhiều độc giả cũng đã mở lòng chia sẻ những lần họ phải choáng váng vì hóa đơn của các quán, hàng.
Nghe giọng khách để tính tiền
Chủ đề giá cả của các bữa ăn, dịch vụ đang làm nóng các diễn đàn của mạng xã hội. Không ít độc giả bức xúc khi họ đã phải chi trả một số tiền không hợp lý để đổi lấy một món ăn, bữa ăn quá bình thường.
Trên diễn đàn của một tờ báo, độc giả Tô Thanh kể: "Có lần đi công tác ra Hà Nội, tôi đi bộ đến một quán phở gần chợ Ngọc Hà thấy giá niêm yết 30 nghìn/ tô. Vào quán tôi gọi tô phở tái vì quán lúc đó đông khách nên tôi ngồi vào 1 bàn đã có 2 người đang ngồi ăn. Khi 2 người kia ăn xong gọi tính tiền thì người phục vụ bảo 2 tô/60 nghìn.
Nhưng đến lượt tôi gọi tính tiền thì bà chủ quán đến nói là 50 nghìn. Tôi thắc mắc nói bảng giá ghi 30 nghìn/ tô và 2 người cùng bàn với tôi cũng trả 30 nghìn sao tính tô của tôi đến 50 nghìn. Thấy tôi và một vài người khách có vẻ bất ngờ thì bà chủ quán nói tại vì bác là người miền Nam nên tôi làm tô có nhiều thịt".
Một nhà hàng ở Sầm Sơn đã bị phạt 20 triệu đồng do hét giá đĩa gà luộc 600 nghìn đồng |
Tương tự, một độc giả khác cũng là người Sài Gòn ra Hà Nội công tác, ở khách sạn khu phố cổ và cũng bị "chặt chém".
Người này viết: "Tôi đi ăn phở quán cóc, ngày đầu tôi không nói mà chỉ tay vào thịt nạm, thế là họ bán tôi một tô phở nạm. Khi tính tiền tôi cũng không nói mà đưa họ tờ 200 nghìn, họ trả lại 170 nghìn như vậy là 30nghìn/1 tô. Hôm sau cũng tại quán đó nhưng có bạn đi theo tôi không thể không nói, thế là khi tính tiền mất 230 nghìn/2 tô. Biết vậy tôi giả câm luôn cho rồi".
Người miền Nam đi ăn hàng quán ở Hà Nội bị "chém đẹp" không còn là chuyện quá xa lạ. Bạn PhamDong cũng chia sẻ câu chuyện của mình, anh cho biết thỉnh thoảng có ra công tác ở Hà Nội anh đành phải để bạn gái mời dù trong túi còn tiền vì sợ nói giọng miền Nam sẽ bị "chặt chém" không thương tiếc. Anh hài hước cho biết thêm: "Giờ học thêm kinh nghiệm truyền khẩu nữa là hô "Thanh toán" chứ không kêu tính tiền".
Không chỉ nghe giọng nói tính tiền mà nhiều chủ quán hàng còn nhìn ...xe, quần áo khách để ra giá. Độc giả Cường Lý chia sẻ, anh có người bạn ở tỉnh xa về Hà Nội đi công việc. Anh rủ bạn đi ăn sáng tại một quán phở gần Cầu Giấy và đi bằng xe ô tô của anh bạn. Khi xe đỗ trước quán anh thấy người của quán nhìn xe có vẻ rất kỹ, sau khi ăn xong ra thanh toán tiền anh giật mình vì giá bát phở cao gấp đôi so với ngày thường.
Bực mình anh nói với chủ quán: "Tôi là người ở gần đây và đang làm công tác quản lý ở địa bàn này" lập tức thái độ và giá cả cũng khác hẳn. Chủ quán còn thanh minh: "Em thấy bác đi xe biển số..... nên cứ tưởng là...".
Bữa ăn 32 triệu, vào nhà hàng mới biết mặt "đao phủ"
Từ nhà hàng bình dân đến các quán ăn sang trọng đều xuất hiện những hóa đơn đã khiến khách phải giật mình.
Anh Hồ Hải Anh một lần vào quán karaoke với anh bạn được cho là hàng đại gia cũng có một kỷ niệm khó quên về hóa đơn.
Anh viết: "Bọn mình uống hết 6 lon bia con hổ, 1 dĩa trái cây trong 2 tiếng đồng hồ không hát hò gì hết. Ngoài ra, có 2 em phục vụ ngồi chơi để 2 ông nói chuyện. Lúc mình và bạn ra tính tiền hết 4,5 triệu, bo mỗi em 1 triệu nữa tổng là hết 6,5 triệu trong 2 tiếng. Chắc là không có ở đâu trên thế giới mắc (đắt) hơn nữa".
Một hóa đơn khác cũng từng gây xôn xao dư luận |
Một bạn đọc khác ở email M[email protected] cũng chia sẻ: "Tôi cũng bị nhà hàng đường Láng Hạ chém đẹp với hóa đơn 32 triệu. Chúng tôi đi 7 người dùng 7 bát súp, 2 đĩa rau,1 chai chivas 18, 0,75 L, 7 cái càng cua và bánh mỳ". Sau khi thanh toán hóa đơn trên bạn đọc này không quên ca thán: "Vào nhà hàng mới biết mặt đao phủ".
Ngoài việc hỏi tiền kỹ, tìm hiểu trước khi đến nhà hàng, các thượng đế còn rút kinh nghiệm nên dò kỹ hóa đơn trước khi trả tiền bởi khi tiền đã trao thì rất khó lấy lại.
Chị Ngọc Mai (SN 1978) kẻ, có lần gia đình chị đi du lịch ở Nha Trang. Chị đi ăn với người nhà, 3 người nhưng hóa đơn lên đến 2 triệu. Chị đã thắc mắc, soi kỹ hóa đơn phát hiện em nhân viên ghi 7 cân ngao trong khi người nhà chị chỉ gọi 7 lạng. Sau vụ việc này chị rút ra bài học: "Giờ đi ăn tập thể, phải đếm lại chai lọ, khăn giấy, đồ ăn trước mới kêu tính tiền. Lúc nhận hóa đơn phải 4, 5 người kiểm tra thấy ổn thì mới đưa tiền".
Trước những hóa đơn giật mình, nhiều bạn đọc cho biết họ cũng đã phản ứng. Anh Nguyễn Trung Hiếu, một bạn đọc, chia sẻ anh từng gọi cho bên lực lượng chức năng phường để giải quyết sau khi bị nhà hàng chém đẹp. Anh ngồi chờ gần nửa ngày để phường xuống và thêm nữa ngày làm bản tường trình...
Từ những rắc rối như vậy, anh kết luận: "Thôi bấm bụng móc bóp trả cho rồi còn đi, lần sau không đến nữa chứ tôi nhờ bên cơ quan xuống thì mất luôn 1 ngày lương, chưa kể còn bị công ty phạt cắt thưởng tháng vì đi làm không chuyên cần. Thủ tục hành chính còn rườm rà thì tình trạng chặt chém còn dài dài, không giải quyết được. Bênh cạnh đó, người ta bị phạt 200.000 - 500.000 VNĐ chưa bằng 1/2 tiền thưởng chuyên cần của mình bị công ty cắt".
Các hình thức xử phạt trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn: a) Phạt cảnh cáo, áp dụng đối với hành vi vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm lần đầu; (Theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ) |
Phương Lễ