Người cao tuổi thường có xu hướng mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy dinh dưỡng và cả những vấn đề về nhận thức, chức năng hoặc xã hội.
Khoa Bệnh cấp tính và cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vừa tổ chức buổi giáo dục sức khỏe với chủ đề chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (2008), COPD gây ra cái chết cho khoảng 2,9 triệu người mỗi năm. Hiện nay, COPD là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba và là bệnh gây tàn phế đứng hàng thứ năm trên toàn thế giới, dự báo đến năm 2060 hằng năm có trên 5,4 triệu người chết do COPD. Trong các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có tỉ lệ mắc COPD khá cao.
Các bác sĩ cho biết người mắc COPD dễ bị viêm phổi. Phổi chống lại các tác nhân gây bệnh bằng các cơ chế: cơ học, dịch thể, tế bào, các cơ chế này tác động trên suốt chiều dài đường thở. Khi có rối loạn cơ chế bảo vệ đường thở, đặc biệt sau nhiễm virus, đường hô hấp sẽ phá vỡ khả năng bảo vệ của thảm nhày rung mao, hoặc những bệnh nhân bị giảm khả năng bảo vệ của đường thở (COPD, giãn phế quản...). Vi khuẩn có thể đột nhập và phát triển ở đường hô hấp dưới, vì thế bệnh nhân dễ bị viêm phổi.
Điển hình trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phổi bị suy giảm cơ chế bảo vệ làm cho bệnh nhân dễ mắc nhiễm trùng đường hô hấp dưới, đặc biệt là viêm phổi.
Thông qua buổi giáo dục sức khỏe, người bệnh, người nhà người bệnh còn được cung cấp kiến thức về một số bệnh lý thường gặp, chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập thể dục, thể thao và chế độ nghỉ ngơi hợp lý…
Khoảng 25 – 40% bệnh nhân COPD có cân nặng thấp hơn bình thường và khoảng 25% sút cân vừa đến nặng. Việc bổ sung dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đến hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hậu quả của suy dinh dưỡng ở bệnh nhân COPD: làm giảm tính đàn hồi của phổi và chức năng hô hấp; giảm khối lượng, giảm sức cơ của cơ hô hấp; thay đổi cơ chế miễn dịch tại phổi; dễ nhiễm trùng tại phổi; thiếu đạm, sắt làm giảm nồng độ Hemoglobin trong máu - đây là chất có vai trò quan trong trong vận chuyển oxy; thiếu vitamin C ảnh hưởng đến tổng hợp Collagen – thành phần quan trọng của mô liên kết ở phổi.
Các bác sĩ cũng giải đáp thắc mắc, tư vấn những vấn đề về việc bệnh nhân COPD nói riêng và người cao tuổi nói chung tự chăm sóc sức khoẻ bản thân, từ đó nâng cao chất lượng sống, giúp người cao tuổi sống vui - sống khỏe - sống có ích, giảm bớt được phần nào gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hải Hà, khoa Bệnh cấp tính và cấp cứu, người cao tuổi thường có xu hướng mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy dinh dưỡng và cả những vấn đề về nhận thức, chức năng hoặc xã hội. Những điều này làm suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng người cao tuổi.
Khi đến tuổi xế chiều, người cao tuổi thường có nhiều thay đổi về mặt tinh thần và thể chất, biểu hiện ở những yếu tố sau:
Người cao tuổi thường cảm thấy cô đơn vì ít nhận được sự quan tâm, hỏi han từ phía con cháu. Họ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý như cô đơn, lo âu, hoài cổ, nóng nảy hay bi quan,... Trầm cảm, lo âu và buồn chán càng khiến người cao tuổi thấy thiếu nghị lực và mất dần niềm tin để chống chọi lại với những vấn đề sức khỏe ở tuổi già.
Người cao tuổi phải đối mặt với những thay đổi về sinh lý và thể chất. Cơ thể không còn nhanh nhẹn, lại thêm việc lớn tuổi phải nghỉ hưu, không còn làm việc như trước nữa nên dễ khiến người già trở nên tủi thân, cảm thấy bản thân vô dụng, không được tôn trọng, dễ cáu gắt, muốn được chú ý đến.
Người cao tuổi thường ăn uống không ngon miệng, hệ tiêu hoá hấp thu kém, thường mắc nhiều bệnh lý về tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, thận càng khiến sức khỏe suy yếu, sức đề kháng kém, gầy sụt. Vì vậy khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần đặc biệt chú ý tới chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ chất.
Trong Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên.
Cụ thể, triển khai kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở y tế tuyến xã…; Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm bệnh tật, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người cao tuổi.