Thầy Vũ Đức Tuyên, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai. |
Từng không hiểu "STEM là gì?"
Thầy Tuyên chia sẻ, trước đây, công việc và sự quan tâm chính của mình đơn thuần là làm “tròn vai” một giáo viên dạy Toán - Vật lý.
Và đến cuối năm 2017, sau khi tham gia một buổi giới thiệu về STEM cùng với một số hoạt động trải nghiệm khoa học, robot,..., thầy mới biết đến thuật ngữ này. Cũng như thầy Tuyên, thời điểm đó, STEM với các giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng là một khái niệm quá mới mẻ.
Dù vậy, được Ban giám hiệu ủng hộ, các thầy cô đã mày mò, tham gia các khoá tập huấn, hỏi xin kinh nghiệm của các trường học đang phát triển mô hình dạy STEM ở Hà Nội, rồi chuyên gia của Liên minh STEM.... để từng bước để triển khai.
Thầy Tuyên được phân công phụ trách Câu lạc bộ STEM với nòng cốt là các giáo viên trong tổ Toán - Vật lý.
“Thời gian đầu phải nói rất khó khăn do chưa hiểu rõ STEM là gì. Dù gõ tìm kiếm trên mạng về STEM ra ngay 4 chữ S,T,E,M là gì, nhưng cơ bản là mối quan hệ và làm như thế nào để vận dụng 4 khía cạnh này vào trong dạy học mới là điều quan trọng”, thầy Tuyên chia sẻ.
Quyết định theo đuổi chương trình dạy học này, thầy Tuyên chấp nhận chuyện “mua thêm việc vào người”. Theo lời kể của thầy Tuyên, nhiều người khuyên "cứ dạy như bao giáo viên, bao trường khác là xong việc", thậm chí chê "hâm, nghĩ ra những việc linh tinh để làm, rồi còn tổ chức cho học sinh, chỉ mất thời gian”.
Trường THCS Lý Tự Trọng là một trong những trường đầu tiên của Lào Cai tiếp cận với hoạt động dạy học STEM, cũng là ngôi trường đầu tiên tự dạy lập trình robot ở Lào Cai. |
“Bản thân mình là một giáo viên dạy Toán - Vật lý nên cũng thích tìm tòi những cái mới. Nhưng điều quan trọng nhất là mình hy vọng với những việc mình làm, học sinh sẽ hứng thú hơn với môn học, các hoạt động ở trường”, thầy Tuyên nói.
Như môn Vật lý, cứ sau khi hết mỗi một phần kiến thức, thầy Tuyên lại thiết kế một chủ đề STEM để học sinh có thể thực hành.
“Ví dụ với chủ đề về lực, trong đó có lực đàn hồi, tôi yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức thiết kế một sản phẩm, giải quyết một vấn đề trong thực tiễn. Tôi đưa ra yêu cầu là tính toán sản phẩm có lực đàn hồi đủ để bắn được viên đá từ vị trí này đến vị trí kia với khoảng cách nhất định. Các học sinh sẽ tự tìm hiểu kiến thức (trong sách giáo khoa hoặc trên mạng) rồi thiết kế và tính toàn làm sản phẩm. Các em có thể dùng kiến thức toán (M) để tính toán, điều chỉnh góc bắn bao nhiêu độ; kiến thức khoa học (S) ở đây là Vật lý để tính lực đàn hồi bắn viên đá; quá trình chọn vật liệu là vận dụng kỹ thuật (E); cùng đó lựa chọn giải pháp công nghệ (T) tối ưu hoặc công nghệ thông tin để tìm tòi dữ liệu,... Sau đó các em sẽ được mang ra để giới thiệu, chia sẻ với các bạn”, thầy Tuyên dẫn chứng.
Những "trái ngọt" đầu tiên
Cũng từ sự quan tâm và đầu tư của Trường THCS Lý Tự Trọng, nhiều ý tưởng sáng tạo của học sinh đã trở thành sản phẩm.
Những ngày đầu, thầy Tuyên cho học sinh lập trình robot với ngôn ngữ lập trình kéo - thả Scratch và mở rộng ra nhiều hoạt động khác nữa theo các chủ đề của năm học.
“Sau hoạt động đó, học sinh thích thú với việc lập trình lắm. Các em có những đề tài tham gia nghiên cứu đạt giải khá cao cấp tỉnh. Cao nhất là đề tài “Gọng kính có chức năng điều chỉnh tư thế ngồi cho học sinh” đạt giải Nhì cấp tỉnh và đạt giải Khuyến khích ở cuộc thi Kiến tạo tương lai do Samsung tổ chức”, thầy Tuyên kể.
Thầy Vũ Đức Tuyên cùng một học sinh tại ngày hội STEM do Trường THCS Lý Tự Trọng tổ chức. |
Theo thầy Tuyên, không phải hoạt động STEM nào cũng phải tốn nhiều kinh phí để thực hiện, thậm chí có những hoạt động gần như không tốn kém, bởi sử dụng chủ yếu từ các vật dụng tái chế. Chẳng hạn, học sinh của trường từng tạo ra đèn tự xoay từ vỏ lon, dựa trên nguyên lý sự đối lưu của chất khí (thiết kế bóng đèn sợi đốt và khi làm không khí bên trong nóng lên tạo lực đẩy làm vỏ lon quay).
Mới đây, chỉ với 600.000 đồng, sử dụng những vật liệu đơn giản, thân thiện với môi trường, áp dụng các kiến thức Vật lý đã được học, nhóm các học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy rửa tay khử khuẩn tự động. Khi người sử dụng đưa tay ra thì thiết bị sẽ tự động phun sương dung dịch sát khuẩn trên tay và tự động ngắt. Người dùng sẽ chỉ mất 3 giây để sát khuẩn tay, tiết kiệm thời gian và dung dịch sát khuẩn. Đặc biệt, tránh được việc tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt nhờ vậy giảm được các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đây là một trong những sản phẩm có ý nghĩa thực tế, áp dụng ngay trong thời gian dịch bệnh.
Các học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Lào Cai) hào hứng trong một giờ hoạt động STEM với chủ đề Robot chuyển quà. Thầy Tuyên (áo cam) đang điều phối hoạt động. |
Hiện nay, các hoạt động của câu lạc bộ STEM được nhà trường tổ chức đều đặn. Hàng năm, số học sinh tự nguyện đăng ký tham gia câu lạc bộ chiếm tới một nửa học sinh toàn trường. Nhiều em thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lào Cai và phát huy được tính sáng tạo, có kết quả học tập rất tốt.
Bà Cao Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho hay, thầy Tuyên không chỉ tiếp thêm động lực cho các giáo viên trong nhà trường mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong việc triển khai hoạt động giáo dục STEM. Nhiều nơi mời câu lạc bộ STEM của trường đến chia sẻ kinh nghiệm.
“Trước đây, việc hướng dẫn vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống cũng có nhưng không nhiều. Giờ đây, nhà trường không chỉ có mỗi thầy Tuyên mà còn nhiều thầy cô khác cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động dạy học theo chủ đề, phát triển STEM trong các bài dạy. Cùng đó ý thức và khả năng tự học, tự nghiên cứu, vận dụng kiến thức vào thực tế của học sinh cũng trở nên tốt hơn, thể hiện rõ nhất qua các dự án nghiên cứu khoa học, cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp,…”, bà Hồng nói và cho biết thêm rằng thậm chí, các giáo viên dạy môn Ngữ văn cũng hưởng ứng phong trào này.
Vì thế, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư tổ chức các hoạt động STEM theo hình thức câu lạc bộ với những chủ đề mới và hấp dẫn hơn, giúp học sinh vận dụng được kiến thức vào thực tế.
Thanh Hùng
'Chỉ cần cục đất sét cũng có thể dạy STEM'
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) tại hội nghị Giáo dục STEM trong giáo dục trung học diễn ra chiều 26/3.
Robot lặn sâu 50m dưới biển giá 15 triệu của cậu học trò tỉnh lẻ
Khởi nguồn từ cửa hàng sửa chữa xe máy của bố mẹ, cậu học trò Trần Viết Lân (Phú Yên) trở nên nổi tiếng đam mê khoa học ở tỉnh Phú Yên với hàng loạt giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia từ năm học lớp 8.
Điều đặc biệt ở 'cánh tay robot' đạt giải quốc tế của học trò Bắc Ninh
Sáng chế "Cánh tay robot cho người khuyết tật" của Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An (lớp 11A4, Trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh) là dự án duy nhất của học sinh Việt Nam giành giải chính thức ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2021.